Bộ Xây dựng: Cơn sốt đất nền được kiểm soát, có nơi giảm giá 10-20%

DIỆU HOA 16/07/2021 04:00

Bộ Xây dựng vừa công bố Báo cáo toàn ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý 2 vừa qua, tại Hà Nội và TP.HCM, giá căn hộ tiếp tục tăng 2-7% so với quý 1 do khan hiếm nguồn cung mới. Giá nhà ở tại nhiều địa phương cũng tiếp tục tăng nhẹ, với mức tăng khoảng 3%. 

Cơn sốt đất nền đã cơ bản được kiểm soát, trong khi đó giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng cao.

Tại một số địa phương có mức giá bình quân khá cao và tăng đều so với mặt bằng chung của cả nước là: Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều nơi đã tăng 5-9% so với quý 1.

Ngược lại, giá bất động sản cho thuê như căn hộ dịch vụ, văn phòng… vẫn tiếp tục xu hướng giảm nhẹ, khoảng 1-3%. Riêng mặt bằng bán lẻ, nhà phố, giá cho thuê đã giảm 10-30% tại các thành phố lớn.

Với phân khúc đất nền từng “sốt” cục bộ hồi đầu năm hiện đã cơ bản được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá khoảng 10 – 20% so với thời kỳ sốt nóng. Tuy nhiên, lượng giao dịch vẫn thấp.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nhận định, thị trường đang thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Thông tin về thị trường bất động sản hiện vẫn chưa đầy đủ.

Thị trường bất động sản chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID - 19

Trong khi đó, phân khúc nhà ở xã hội chỉ mới chỉ đáp ứng được 41,7% so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là do nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn do lợi nhuận thấp.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, bên cạnh khó khăn về nguồn vốn thì dịch bệnh cũng gây nhiều ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án, theo đó trong 6 tháng đầu năm chỉ ghi nhận 6 dự án nhà ở xã hội được đưa vào vận hành.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, 6 tháng đầu năm, thanh tra xây dựng đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu nhà chung cư. Theo đó, đã yêu cầu nhiều chủ đầu tư quyết toán để chuyển trả kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư số tiền 338,6 tỷ đồng; buộc trả lại cho người dân 2.080m2 thuộc diện tích sở hữu chung đã bị chiếm dụng; xử phạt vi phạm hành chính 8 chủ đầu tư với số tiền 1,03 tỷ đồng; cảnh cáo một số chủ đầu tư do cung cấp hồ sơ tài liệu không đầy đủ, thiếu trung thực…

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, tổng hợp công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản toàn quốc theo quy định, đôn đốc các địa phương thực hiện công bố thông tin về thị trường này.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng bộ với các chính sách, pháp luật có liên quan; Tiếp tục đôn đốc các địa phương thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ cũng cho biết sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, bảo đảm chỗ ở an toàn cho người dân; tạo nguồn lực phát triển nhà ở xã hội và góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở, nhà công vụ, công sở và thị trường bất động sản tại các địa phương.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất chấp COVID-19, thu thuế từ bất động sản tăng mạnh

    Bất chấp COVID-19, thu thuế từ bất động sản tăng mạnh

    14:54, 13/07/2021

  • Nửa cuối 2021, dòng tiền đầu tư bất động sản đang đổ vào đâu?

    Nửa cuối 2021, dòng tiền đầu tư bất động sản đang đổ vào đâu?

    13:00, 13/07/2021

  • Hai kịch bản thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm

    Hai kịch bản thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm

    06:00, 13/07/2021

  • Lãi suất trái phiếu bất động sản còn cao

    Lãi suất trái phiếu bất động sản còn cao

    05:00, 13/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ Xây dựng: Cơn sốt đất nền được kiểm soát, có nơi giảm giá 10-20%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO