“Di dời”, rồi sao nữa?
Chủ trương di dời nhà máy ra khỏi nội đô đã có, lộ trình cũng được xác định từ lâu, nhưng đến nay vẫn bỏ ngỏ. Kỳ vọng khi Luật Đất đai sửa đổi các quy định sẽ rõ ràng.
Báo cáo tác động môi trường của Luật Thủ đô đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành, nhưng báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng cho thấy đến nay chỉ di dời được gần 70 cơ sở.
3 nguyên nhân chính
Rất nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vẫn cố duy trì hoạt động sản xuất như: Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Bia Đông Nam Á, Nhà máy sản xuất bóng đèn, Nhà máy Bia Hà Nội, và một số cơ sở đã dừng sản xuất, nhưng vẫn chưa tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí như Nhà máy Thuốc lá Thăng Long... đang gây ra bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân cũng như quy hoạch chung Thủ đô.
Thứ nhất là do thiếu nguồn lực thực hiện vì muốn di dời phải có nguồn lực ngân sách. Nhiều doanh nghiệp đưa ra lý do này để chậm di dời đến vị trí mới. Một số khác thì cho rằng, doanh nghiệp khó khăn trong việc giải quyết công ăn việc làm nếu di dời nhà máy khỏi nội đô. Tuy nhiên, khó khăn quan trọng nhất là nhận thức của các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ quan chủ quản hoặc chính quyền địa phương chưa thể hiện sự quyết liệt.
Thứ hai là sự thiếu giám sát nhất định trong công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng. 20 năm nay đặt ra chủ trương di dời, thậm chí có những cơ sở đã có quyết định di dời 4 - 5 năm nay nhưng không thực hiện. Khi chưa di dời thì nhà máy đó vẫn sản xuất, gây ô nhiễm, trong khi cơ quan chức năng chưa có sự giám sát chặt chẽ về tác động của việc sản xuất tại những cơ sở này đối với môi trường. Hậu quả là vụ hoả hoạn tại nhà máy của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là ví dụ rõ nét nhất.
Thứ ba là dù chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường, trong đó xác định rõ vai trò của chủ dự án, chủ sở hữu nhưng luật đó vẫn không có hiệu lực. Hà Nội đã chủ trương di dời nhà máy, khu công nghiệp ra khỏi nội đô từ lâu, các luật liên quan đều có tác động nhưng chính những người đóng vai trò giám sát chưa làm hết trách nhiệm.
Hơn nữa, điều mà dư luận đặc biệt quan tâm chính là những mảnh “đất vàng” của các cơ sở sản xuất sau di dời sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Đối với vấn đề này, Hà Nội đã có quy hoạch phân khu chi tiết chỉ cần xác định đảm bảo theo quy hoạch và nên công bố rộng rãi, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Sau khi được sự đồng thuận cao của người dân mới tuyên truyền rộng rãi để người dân thực hiện, giám sát.
Không để người có quyền lực tự quyết
Mục tiêu năm 2050, nội đô Hà Nội sẽ đạt chuẩn “xanh”, điều này phụ thuộc rất nhiều vào quỹ đất của các nhà máy, xí nghiệp chuẩn bị di dời. Để đẩy nhanh tiến độ, TP cần có sự đồng bộ trong chỉ đạo giữa các cơ quan chức năng tại các nhà máy, cơ sở sản xuất. Hà Nội cần một cơ chế đặc thù là những ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn để doanh nghiệp có khả năng xây dựng cơ sở mới, hoặc các chính sách phù hợp để doanh nghiệp liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị, thu hút nhà đầu tư nước ngoài triển khai.
Dù có luật rồi nhưng đồng thời cần phải có văn bản dưới luật để khẳng định sau khi di dời, doanh nghiệp cần giao lại khu đất tại cơ sở cũ cho thành phố. Bên cạnh đó, sửa Luật Đất đai trong thời gian tới cũng cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn.
Quỹ đất sau khi di dời phải được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật và không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Công tác giám sát quá trình khai thác sử dụng tại các nhà máy phải được quán triệt chặt chẽ hơn nữa. Nhà nước cần có chính sách cụ thể và quyết liệt hơn, vừa tạo điều kiện vừa kiên quyết để các doanh nghiệp sớm di dời.
Trong mỗi một đồ án quy hoạch đều ghi thời gian hiệu lực đến đâu và khi quá thời hạn như vậy thì các quy hoạch đương nhiên hết hiệu lực. Do đó cơ quan quản lý phải quyết liệt hơn về thời gian này, phải tuân thủ đúng thời gian di dời không thể lý do này, lý do kia gây chậm trễ.
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội:
Thực tế cả chục năm qua, Hà Nội giao đất cho doanh nghiệp làm các công viên mới nay vẫn quây rào, đắp chiếu, còn công viên cũ thì có nơi bị chiếm dụng làm nhà hàng, bãi đỗ xe tràn lan, vật vã đòi lại cả chục năm nay chưa thấy kết quả nào được công bố. Hà Nội hôm nay không chỉ thiếu cây xanh mà cần khắc phục/giảm nhẹ thiệt hại các dự án đang sử dụng tiền bạc khối lượng cực lớn nhưng chưa phát huy hiệu quả, là sự lãng phí kinh khủng khi thành phố còn nghèo.
KTS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội:
Quy hoạch sông Hồng cần hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy, phát triển các hướng tiếp cận với sông Hồng, kết nối giao thông dọc sông và qua sông cho các loại phương tiện. Quy hoạch sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô với hệ thống các công viên cảnh quan, công viên văn hóa, công viên sinh thái...
Có thể bạn quan tâm
Di dời nhà máy gây ô nhiễm: Vì sao chậm tiến độ?
02:00, 02/07/2021
Vì sao chậm di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô?
04:00, 01/06/2021
Khánh Hòa: Người dân bức xúc vì lùi thời hạn di dời nhà máy thuốc lá Khatoco
16:00, 05/03/2021
Di dời nhà máy, kho hóa chất nguy hại ra khỏi nội đô
08:00, 08/08/2020
Chậm di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô: Luật "đá" luật và thiếu cái "bắt tay"
06:00, 24/10/2019