Gỡ vướng giải phóng mặt bằng ở Sầm Sơn - Thanh Hóa
Dự án tỷ đô Quảng trường biển đang là kỳ vọng nâng tầm du lịch Sầm Sơn thế nhưng trong quá trình GPMB vẫn còn vướng mắc khiến chậm trễ bàn giao cho đơn vị thi công.
Theo báo cáo của UBND TP Sầm Sơn, toàn thành phố có 5 phường ảnh hưởng bởi dự án Quảng trường biển, bao gồm: Quảng Tiến, Quảng Châu, Trung Sơn, Bắc Sơn và Trường Sơn. Tổng diện tích đất cần thu hồi, giải phóng mặt bằng là 400,1 ha (7.263 hộ).
Trong đó đất ở 41,3 ha (1.869 hộ), đất nông nghiệp 277,66 ha (4.936 hộ), đất khác 84,42 ha (458 hộ). Ngoài đất, có 3 nhà văn hóa khu phố và 2 bến thuyền với khoảng 300 phương tiện (phường Trung Sơn và Quảng Châu) phải di chuyển.
Được biết, chiều ngày 26/10, tại TP Sầm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời tổ chức Lễ Khởi công dự án Quảng trường biển - Tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn và đón nhận Bằng xếp hạng Quốc gia đặc biệt di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn.
Như vậy, dự án khởi công đã hơn một năm nay nhưng đơn vị thi công vẫn chưa hoàn toàn nhận được mặt bằng sạch 100%. Điều này gây ra nhiều khó khăn không chỉ đơn vị thi công dự án mà còn ảnh hưởng đến vấn đề ổn định cuộc sống của người dân trong vùng bị ảnh hưởng di dời giải tỏa.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này PV có mặt tại hộ gia đình ông Đào Văn Quảng, phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn là một trong những hộ dân tại phường Trung Sơn chưa di dời.
Chị Trương Thị Hoa, vợ anh Đào Văn Quảng cho biết dù dự án đang thi công sát nhà và vây lối đi lại khó khăn đủ đường nhưng gia đình anh chị chưa nhận đền bù và di dời. Vì theo gia đình, việc kiểm kê đền bù của chính quyền phường Trung Sơn và Thành phố Sầm Sơn là không đúng với gia đình mình.
"Gia đình anh chị sống trên mảnh đất của ông bà chia cho sinh sống đã mấy chục năm nay, đất cũng đã được Sở tài nguyên môi trường công nhận là đất ở. Chỉ vì gia đình anh chị quá nghèo chưa có điều kiện làm sổ đỏ đúng quy định mà không được diện đền bù đất ở và bố trí đất tái định cư. Hiện tại, số tiền đền bù nhà cửa này anh chị có nhận cũng không đủ để mua một lô đất ở tại Sầm Sơn chứ chưa nói đến chuyện làm nhà và ổn định cuộc sống", Chị Hoa cho hay.
Được biết, tại thửa đất vợ chồng anh chị đang sinh sống được mẹ là bà Lê Thị Hậu cho từ trước 18/12/1980 đến này thuộc hồ sơ 299, có tên trong sổ mục kê là thửa số 691, tờ bản đồ số 01, có diện tích 550,0 m2, loại đất thổ cư, tên chủ sở hữu là bà Lê Thị Hậu.
“Tại hồ sơ địa chính năm 2010 cũng chứng minh quyền chủ sở hữu của gia đình. Chúng tôi khẳng định thửa đất của tôi được bố mẹ cho chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, được đăng ký trong hồ sơ địa chính 2010, có nguồn gốc hình thành từ trước 18/12/1980. Do vậy, căn cứ vào điều 13, Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 thì gia đình tôi đủ điều kiện được bồi thường về đất và tài sản trên đất khi nhà nước thu hồi đất. Tôi thiết tha mong chính quyền thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa giải quyết cho gia đình tôi đúng theo quy định”, chị Hoa trao đổi thêm.
Được biết, tại phường Trung Sơn không riêng gì gia đình chị Trương Thị Hoa mà còn nhiều hộ khác cũng đang vướng mắc về vấn đề trên, cũng câu chuyện từ việc kiểm tra, kiểm kê nguồn gốc đất chưa rõ ràng. Chính vì vậy, người dân chưa di dời đi dẫn đến chưa thể bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Ông Hoàng Thăng Giáp, Chủ tịch phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn cho biết: Phường Trung Sơn cũng đang gấp rút công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công.
"Trường hợp gia đình ông Đào Văn Quảng cùng từ vấn đề nguồn gốc đất, việc bố trí đất tái định cư là thành phố Sầm Sơn quyết định, phường cũng chỉ là đơn vị phối hợp xác minh và kiểm kê" - ông Giáp nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thanh Hóa: Quốc lộ 15 thi công người dân phải trèo thang mới vào được nhà
07:12, 19/11/2021
Thanh Hóa: Đê 25 tỷ sử dụng hơn 1 năm đã xuống cấp
15:30, 12/10/2021
Lang Chánh (Thanh Hóa): Doanh nghiệp “kêu” chính quyền gây khó nên phải “vượt rào”
10:58, 12/10/2021
Thanh Hoá: Xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại
19:39, 08/10/2021