Trước thực trạng mỗi ngày phải xử lý hàng nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt không chỉ là thách thức, mà còn là vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của Thanh Hóa.
Với mục tiêu giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nhiều địa phương trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với doanh nghiệp để nghiên cứu và đưa công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải, thân thiện với môi trường.
Tại huyện miền núi Thường Xuân, trung bình mỗi ngày huyện phát sinh khoảng 50 tấn rác thải sinh hoạt, được thu gom, tập kết về bãi rác trung tâm thị trấn. Với phương pháp xử lý truyền thống bằng cách chôn lấp nhiều năm qua các bãi rác chôn lấp của huyện đã đầy và tạo ra áp lực lớn cho môi trường.
Trước thực trạng trên, kể từ năm 2019 UBND huyện Thường Xuân đã phối hợp với Công ty cổ phần môi trường Lam Sơn để thực hiện đề tài khoa học “Ứng dụng công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ sinh học” với tổng kinh phí 2 tỷ. Mục tiêu nhằm giảm thiểu khối lượng chôn lấp, cũng như chất đốt, tái tạo nguồn tài nguyên, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng thêm hiệu quả kinh tế cho địa phương.
Đến nay, các đơn vị đã nghiên cứu ra mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh không gây ô nhiễm môi trường, đây là mô hình chế xuất rác thải sinh hoạt thành hạt nhựa làm nguyên liệu sản xuất đồ nhựa dân dụng và mùn hữu cơ để bón cho cây trồng nông nghiệp, giảm chi phí xử lý rác thải từ ngân sách địa phương.
Ông Nguyễn Duy Bình, Giám đốc Công ty cổ phần môi trường Lam Sơn cho biết, Công ty và UBND huyện Thường Xuân đã phối hợp nghiên cứu ra chủng men mới, nguồn gốc của chủng men này là sự kết hợp của các chủng men được Nhà nước công nhận sau thí nghiệm. Tiếp đó là sử dụng dây chuyền tách lọc rác bằng công nghệ cơ khí kết hợp men vi sinh. Qua đó, tách lọc được ni lông túi bóng để chế xuất ra hạt nhựa làm nguyên liệu sản xuất đồ gia dụng và lọc được lượng mùn hữu cơ để bón cho cây trồng. Hiện mô hình xử lý rác bằng công nghệ vi sinh có thể xử lý được 50 - 100 tấn rác thải/ngày.
Mới đây, Công ty CP Môi trường Nghi Sơn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn đã đầu tư hệ thống xử lý rác thải, được đánh giá là một trong những nhà máy xử lý rác thải hiện đại tại Miền Bắc hiện nay. Hệ thống xử lý rác tự động của nhà máy được nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Tổng Giám đốc điều hành công ty, nhà máy được đầu tư bằng 2 giai đoạn, hiện tại giai đoạn 1 được quy hoạch xử lý 500 tấn rác thải/ngày đêm. Các dây chuyền xử lý rác thải được du nhập công nghệ từ những nước tiên tiến, chỉ tính riêng giai đoạn 1 công ty đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng.
Tại dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt với quy mô nhà xưởng lớn nhất, sau khi các xe chuyên dụng đưa rác về nhà chứa lớn có mái che, rác được tự động đưa vào các băng chuyền để đưa lên đốt trong những cỗ máy khổng lồ nhưng khép kín. Không những đốt triệt để rác, toàn bộ nước rỉ rác cũng được thu gom, chảy vào hệ thống xử lý để tái sử dụng, không để ngấm vào lòng đất như nhiều khu xử lý rác hiện nay.
Hiện công ty đang tiến hành thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho 19 xã, phường của thị xã Nghi Sơn. Trung bình mỗi ngày, công ty xử lý 80 tấn rác thải sinh hoạt và hơn 200 tấn chất thải công nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Long, do công ty đi trước một bước trong đầu tư quy mô nhà máy và toàn bộ rác thu gom xử lý mới đạt 1/2 tổng công suất.
Có thể bạn quan tâm