"Góc khuất" đấu giá đất (KỲ II): Những phi vụ “đánh vống” giá đất

DIỆU HOA 09/02/2022 03:00

Mặc dù được kỳ vọng là giải pháp công bằng, tạo nguồn thu cho ngân sách, tuy nhiên nhiều cuộc đấu giá đất còn bị lợi dụng biến thành công cụ để thổi giá, tạo sốt đất.

>>> "Góc khuất" đấu giá đất (KỲ I): Những mánh khóe trục lợi đất rẻ

Câu chuyện điển hình mới đây là vụ đấu giá Thủ Thiêm với lô đất được trả giá cao nhất lên tới 2,4 tỷ đồng/m2 và sau đó đơn vị trúng đấu giá đã đơn phương xin hủy bỏ kết quả.

Vụ đấu giá kỷ lục tại Thủ Thiêm đã khiến thị trường được phen chao đảo

Đủ quy mô, chung kết quả

Ngày 10-12-2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP HCM (đại diện sở hữu các lô đất) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP HCM đã tổ chức đấu giá 4 lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).

Cuối ngày, tất cả 4 lô đất đều được đấu giá thành công với số tiền tổng cộng 37.346 tỉ đồng, gấp 7 lần giá khởi điểm. Đáng chú ý, lô đất 3-12 có diện tích 10.059 m2 có giá khởi điểm 2.942 tỉ đồng. Trải qua 70 lượt trả giá, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trả giá cao nhất với mức 24.500 tỉ đồng để có quyền sử dụng lô đất này, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm. Tính ra mỗi mét vuông tại lô đất này được doanh nghiệp trả giá 2,4 tỉ đồng.

Kết quả này đã biến Thủ Thiêm thành khu vực có giá đất đắt đỏ nhất hành tinh và tạo nên một cơn địa chấn trên thị trường. Những ngày sau đó, phía Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết đã ghi nhận những chủ đầu tư dự án thuộc khu vực này đóng bảng hàng để nghe ngóng thông tin và điều chỉnh giá bán.

Ở thị trường nhà đất riêng lẻ, giá bán cũng được rao tăng 30 - 40% "ăn theo" vụ đấu giá thế kỷ. Theo báo cáo quý 4/2021 của Chợ Tốt Nhà, tại quận Thủ Đức biên độ giá tăng đạt 8,4% trong 3 tháng cuối năm và là mức tăng cao nhất tại TP HCM.

Trong khi đó, ở quy mô nhỏ hơn, việc lợi dụng đấu giá để "đánh vống giá đất" cũng đã diễn ra tại một số địa phương. Có thể kể đến như tại Quảng Trị, hơn nửa tháng trước khi có thông tin Công ty TNHH Vận hành VC Retail đấu trúng khu đất 132.415,6 m2 thuộc dự án khu đô thị thương mại dịch vụ Nam Đông Hà, “sốt đất” đã bắt đầu nổi lên ở khu vực này.

Tại các phiên đấu giá sau đó, Quảng Trị cũng ghi nhận các mức kết quả trúng đấu giá kỷ lục, vượt giá sàn đấu giá đất cao nhất từ trước tới nay tại TP Đông Hà.

Thực tế cho thấy, việc nhà đầu tư bỏ cọc sau khi đấu giá trúng thời gian qua không phải là chuyện hiếm. Vừa qua, dư luận tỉnh Thanh Hóa cũng một phen xôn xao khi UBND huyện Quảng Xương hủy kết quả trúng đấu giá hàng chục lô đất do khách hàng không nộp đủ số tiền trúng đấu giá QSDĐ theo quy định.

Tương tự, tại Bắc Giang, theo kết quả rà soát của huyện Lạng Giang và TP Bắc Giang trong các phiên đấu giá đất từ đầu năm đến hết tháng 9/2021 đã có đến 29 lô đất trúng đấu giá nhưng khách hàng bỏ cọc.

Giới đầu cơ hưởng lợi

Theo các chuyên gia, việc các nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất theo kiểu “lướt sóng” vẫn đang rất phổ biến và để lại rất nhiều hệ lụy cho thị trường và công tác quản lý.

Nhiều chiêu trò giả chen lấn để tạo khung cảnh nhộn nhịp tại các khu vực đấu giá

Chia sẻ với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cho biết, thực tế tại một số phiên đấu giá đất, có trường hợp nhân viên môi giới dùng chiêu trò thỏa thuận ngầm để thông đồng, bắt tay nhau nhằm “thổi” giá. Dễ thấy nhất là việc họ huy động hàng chục người xếp hàng, thậm chí còn giả chen lấn để tạo ra khung cảnh nhộn nhịp tại các khu vực đấu giá, trong các giao dịch nhà đất.

Không những vậy, doanh nghiệp đấu giá đất với giá cao chót vót sẽ kéo theo cò đất, sóng đất nổi lên, giá đất nền tiếp tục tăng, doanh nghiệp bất động sản kinh doanh đầu tư quanh khu vực cũng chịu ảnh hưởng.

GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng mức trúng đấu giá cao vượt giá thị trường đã là bất thường và đang hướng đến có khả năng nhằm kích giá thị trường bất động sản theo kiểu giá ảo. Giới đầu cơ bất động sản đã lợi dụng tình thế này để kích “sốt đất” càng cao càng có lợi.

Đồng quan điểm, các chuyên gia cũng nhìn nhận, đẩy giá trong đấu giá đất đã trở thành công cụ để "tạo sốt" bất động sản, khi mức trúng đấu giá cao sẽ tạo nên làn sóng nhà đầu tư gom đất chờ thời, hay tâm lý chậm chân sẽ không kịp. Hậu quả để lại là các nhà đầu tư "chôn chân" sau cơn sốt, và việc thiết lập một mặt bằng giá mới, việc bồi thường giá đất cho người dân sau này sẽ gặp nhiều rào cản, khiến quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai dự án gặp khó khăn.

KỲ III: Điệp khúc bỏ cọc, thổi giá tài sản

Có thể bạn quan tâm

  • "Góc khuất" đấu giá đất (KỲ I): Những mánh khóe trục lợi đất rẻ

    11:00, 08/02/2022

  • Tăng cường rà soát đấu giá đất tại các địa phương

    Tăng cường rà soát đấu giá đất tại các địa phương

    06:00, 07/02/2022

  • Sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá đất

    Sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá đất

    03:00, 27/01/2022

  • Từ vụ đấu giá đất Thủ thiêm: Bịt kẽ hở trong luật như thế nào?

    Từ vụ đấu giá đất Thủ thiêm: Bịt kẽ hở trong luật như thế nào?

    04:10, 19/01/2022

  • Đề nghị xử lý nghiêm việc lợi dụng đấu giá,

    Đề nghị xử lý nghiêm việc lợi dụng đấu giá, "thổi giá" bất động sản

    03:00, 19/01/2022

DIỆU HOA