Giải pháp đẩy nhanh tốc độ hồi phục du lịch Đà Nẵng
Doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đã sẵn sàng mọi kế hoạch cũng như các phương án phòng, chống dịch, cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ để đón khách quốc tế trong tình hình mới.
>>> Sớm phục hồi và phát triển ngành du lịch
Sau hai năm chống chọi với đại dịch, nhiều quốc gia đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch COVID-19, từ “không
COVID-19” chuyển sang “thích ứng, chung sống với COVID-19” nhằm tái khởi động, sớm đưa cuộc sống quay trở lại bình thường trong bối cảnh mới.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Furama Resort Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đều thành lập Ban phòng chống dịch COVID-19 để cập nhật xuyên suốt các chính sách cũng như đảm bảo triệt để các biện pháp chống dịch trong doanh nghiệp.
Hiệp hội du lịch Đà Nẵng yêu cầu các Hội thành lập các ban chuyên trách đặc biệt là Đào tạo, Chuyển đổi số, Xúc tiến và Truyền thông. Thúc đẩy các liên kết nội tại giữa các doanh nghiệp, giữa các điểm đến.
Ông Quỳnh dẫn chứng, tổng số cơ sở lưu trú du lịch hiện có trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 1.272 cơ sở với 44.810 phòng. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch hoạt động trở lại tính đến nay có khoảng 350 cơ sở với khoảng gần 14.000 phòng (chiếm hơn 27%). Trong đó, khối 4-5 sao và tương đương là 40/88 cơ sở; khối 3 sao và tương đương 30/125 cơ sở; khối 2 sao và tương đương trở xuống 280/1.059 cơ sở.
Dự kiến đến giữa tháng 3/2022 và đầu tháng 4/2022, số lượng cơ sở lưu trú du lịch hoạt động trở lại khoảng 500 cơ sở với hơn 20.000 phòng, trong đó 4-5 sao dự kiến có 60/88 cơ sở.
Để tháo gỡ khó khăn về nhân lực giúp ngành Du lịch nhanh chóng phục hồi sau dịch, các giải pháp được Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đưa ra gồm: Lập Ban Đào tạo và chuyển đổi số; Đào tạo lại nhân sự, kết hợp với các Học viện, các trường nghề và đại học.
Phối hợp hỗ trợ các Doanh nghiệp Hội viên Hội Khách sạn Đà Nẵng thực hiện các thủ tục hồ sơ đúng pháp lý để nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo của Chính phủ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 về việc Quy định thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06 tháng 11 năm 2021 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021.
Lập Ban Xúc tiến và Truyền thông để có thể kết nối chặt chẽ với các Sở Ban Ngành và Trung tâm Xúc tiến Du lịch cùng với các Hội viên Hội Lữ hành, Hội Khách sạn, vận chuyển.
Hỗ trợ một phần chi phí phòng chống COVID-19 cho Doanh nghiệp, có thể xác định tỷ lệ % trên tổng chi phí dành riêng cho phòng chống COVID-19 như xét nghiệm y tế, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, vì đây đang trở thành một chi phí cố định cho doanh nghiệp.
Hỗ trợ Kinh phí đào tạo cho cán bộ nhân viên của các Doanh nghiệp lưu trú thông qua các Học viện, các cơ sở Giảng dạy Kỹ năng mềm trong dịch vụ khách hàng.
Theo ông Quỳnh, vấn đề nhân sự sẽ rất nóng khi ngành du lịch được hồi phục, ví dụ như cụm Khách sạn Ariyana Beach Resorts & Suites Đà Nẵng có 1,600 phòng dự tính mở cửa 2022 sẽ phải cần tới hơn 1,000 nhân viên, và việc tuyển dụng chắc chắn sẽ rất khó khăn. Nên có kinh phí hỗ trợ những nhân viên ngoại tỉnh quay lại Đà Nẵng làm việc như 1-2 tháng tiền thuê nhà, tiền tàu xe...
Tài trợ các chương trình Chuyển đổi số của các khách sạn nghỉ dưỡng và Trung tâm Hội nghị Quốc tế. Ví dụ như tài trợ các chương trình Hội nghị ảo, Triển lãm ảo cho các doanh nghiệp khách sạn nghỉ dưỡng, Trung tâm Hội nghị và Triển lãm như Ariyana Đà Nẵng và thậm chí các ngành tiêu dùng, thương mại khác của Đà Nẵng. Các chương trình quản lý nhân sự, chương trình tiết kiệm năng lượng cũng nên được cân nhắc tài trợ.
Tài trợ các chương trình Start-up của các Doanh nghiệp khách sạn nghỉ dưỡng, một số doanh nghiệp có các ý tưởng nhưng chưa dám thực hiện do không có ngân sách, Thành phố có thể tài trợ để doanh nghiệp phát triển thêm một mảng mới.
Ví dụ như chuyển sang mô hình Bếp Đám Mây, dịch vụ cung cấp các món ăn theo concept mới, mở ra các trung tâm tư vấn về các ngành nghề phụ trợ cho khách sạn nghỉ dưỡng như Spa, Đào tạo, Thẩm định cũng như các công ty kinh doanh thương mại điện tử du lịch…
Tài trợ các chương trình quảng bá Du lịch của Hiệp hội Du lịch cũng như một số Tập đoàn Quản lý khách sạn Quốc tế và trong nước cùng đồng hành sẽ tạo nên một tiếng vang lớn.
Tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ giữa Đà Nẵng với các tỉnh thành để trao đổi khách du lịch nội địa và cần tiếp cận các tập đoàn lớn, có số lượng nhân viên đông và hệ sinh thái rộng để họ có thể có các chương trình liên kết bao gồm đào tạo và du lịch tới Thành phố.
“Ngoài ra, Trung Tâm Xúc tiến Du lịch Thành phố nên được mở rộng có sự tham gia chính thức của các Sở Ban Ngành khác, đặc biệt là Sở Ngoại vụ vì ở bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt là hậu Covid-19, thì bất cứ lãnh đạo nào, công chức nào, người dân nào… cũng phải trở thành một sales person (nhân viên kinh doanh), là tourism ambassador (Đại sứ Du lịch), được như vậy, thì chúng ta mới có thể đẩy nhanh tốc độ hồi phục của Du lịch Thành phố Đà Nẵng” – ông Quỳnh đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
MỞ CỬA DU LỊCH: Nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế
15:36, 11/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: Hà Nội hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy du lịch
14:43, 11/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: Cơ hội lớn để tái khởi động, phục hồi và phát triển
13:50, 11/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: Cần nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể khi mở cửa
12:50, 11/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: Tập trung nâng cao chất lượng lao động
12:37, 11/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: 11 vấn đề để du lịch cất cánh
12:36, 11/03/2022
MỞ CỬA DU LỊCH: 5 kiến nghị của Vietnam Airlines
12:21, 11/03/2022