Doanh nghiệp địa ốc "tiến thoái lưỡng nan" vì luật chồng luật
Các doanh nghiệp cho biết nhiều quy định bất cập, chồng chéo trong Luật đất đai và các luật liên quan khiến doanh nghiệp gặp khó trong thủ tục đầu tư dự án.
>>10 kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai
Pháp lý như "ma trận"
Chia sẻ tại Hội nghị Góp ý sửa đổi "Luật đất đai - Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản, để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản" do VNREA tổ chức mới đây, các doanh nghiệp cho biết vướng mắc về pháp lý khiến doanh nghiệp gặp khó trong thủ tục đầu tư dự án.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest cho biết, các thủ tục pháp lý như những “ma trận”. Cụ thể, tại Luật Đất đai, sự ra đời của Nghị định 30 không cho phép chuyển đổi các luật đất khác sang đất ở đang khiến lượng lớn dự án bị ách tắc (hiện có khoảng 400 dự án tại Hà Nội, TP.HCM đang vướng) gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm |
Bên cạnh đó, vướng mắc nhất chính là trách nhiệm giải phóng mặt bằng, đất đai do cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm giải phóng chứ không phải doanh nghiệp, nhưng hiện tại đây lại là rào cản khiến nhiều dự án "đắp chiếu" nhiều năm trời.
Ông Hiệp cũng cho rằng, câu chuyện kế hoạch sử dụng đất, việc duyệt dự án, định giá đất... cũng cần xem lại, bởi hiện tại quá trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, định giá đất đang tốn rất nhiều thời gian. Hệ quả là nhiều dự án mất rất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục, không những vậy khi làm xong rồi vẫn không thể làm hồ sơ cấp sổ hồng cho cư dân.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội cũng cho biết, việc quy định UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm là không hợp lý. Bởi đối với các dự án đang triển khai trong kỳ kế hoạch đã được phê duyệt nếu chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng thì phải tiếp tục đăng ký kế hoạch sử dụng đất của năm tiếp theo, trên thực tế đang gây ra nhiều bất cập dẫn đến các dự án chậm hoặc dừng triển khai do phải đợi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của UBND cấp huyện.
Không những vậy, vị đại diện doanh nghiệp còn nêu thêm vướng mắc khi khung giá đất và giá đất thực tế trên thị trường là một bất cập kéo dài trong nhiều năm qua, việc cố định thời gian ban hành khung giá đất 5 năm một lần là không thực tế. Giữa khung giá đất, bảng giá đất với giá thực tế có sự chênh lệch rất lớn, không phản ánh đúng diễn biến của thị trường.
Trong khi đó, theo ông Trần Quốc Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, khó khăn còn đến từ giá đất. Hiện nay, chưa có quy định rõ ràng trong việc thực hiện khấu trừ tiền đất tại các dự án liên quan đến chi phí mà nhà đầu tư đã bỏ ra để đền bù, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
Cần có cơ chế rõ ràng, phù hợp thực tiễn
Các doanh nghiệp kiến nghị trong Luật đất đai sửa đổi cần có cơ chế rõ ràng, phù hợp với thực tiễn để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, tăng nguồn cung nhà ở.
Cụ thể, cần xem xét sửa đổi đối với kế hoạch sử dụng đất của UBND cấp huyện 3 năm phê duyệt một lần thay vì phải đăng ký và phê duyệt kế hoạch hàng năm như quy định tại Điều 37, mà hàng năm UBND cấp Huyện chỉ cần phê duyệt bổ sung các dự án đăng ký mới. Điều này sẽ giúp các dự án đang triển khai có thời gian để thực hiện, tránh tình trạng dự án chậm hoặc có thể dừng triển khai trong khi đợi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của UBND cấp huyện.
Lãnh đạo Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị thống nhất các quy định của Luật Đất đai và pháp luật đầu tư theo hướng thuận lợi cho nhà đầu tư đảm bảo khai thác tối đa hiệu quả dự án có sử dụng đất, tốt nhất là tính thời hạn sử dụng đất. Trường hợp chưa đồng ý với đề xuất mở rộng trên, Luật Đất đai cũng nên làm rõ các quy định hiện hành để dễ áp dụng.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho rằng cần có cơ chế rõ ràng để tháo gỡ cho các trường hợp đã nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa thể triển khai dự án. Bổ sung cơ chế, chế định quy định về trình tự cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong các dự án.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 30, bên cạnh đó xem xét lại trách nhiệm giải phóng mặt bằng dự án.
Có thể bạn quan tâm