Vụ phá dỡ công trình 61 Trần Phú: Chọn cao ốc hay không gian công cộng?
Việc công trình số 61 Trần Phú được quy hoạch cao ốc 11 tầng tiếp tục cho thấy vòng “luẩn quẩn” trong câu chuyển sử dụng đất vàng sau di dời.
>>Tái sinh di sản công nghiệp
"ĐẤT VÀNG" LẠI HÓA CAO ỐC
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, mới đây, sự việc tòa nhà có tuổi đời 100 năm tại 61 Trần Phú được phá dỡ để xây cao ốc 11 tầng đã tạo ra các làn sóng dư luận trái chiều. Theo đó, TP Hà Nội đã yêu cầu các sở ngành của thành phố và UBND quận Ba Đình kiểm tra, rà soát hồ sơ, thủ tục triển khai dự án, tạm dừng việc phá dỡ.
Sáng 7/4, Bộ Xây dựng cũng có văn bản yêu cầu rà soát quy hoạch kiến trúc công trình, tiếp thu ý kiến chuyên gia về việc phá dỡ tòa nhà trên.
Theo nguồn tin riêng của PV, khu đất 61 Trần Phú rộng 9.078 m2 được giao cho thành viên Tập đoàn VNPT - Công ty CP Thiết bị bưu điện (POSTEF, mã chứng khoán: POT) - làm trụ sở và sản xuất từ năm 1996.
Giữa thập niên trước, POSTEF có ý định xây dựng khu đất này trở thành Trung tâm công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, sau đó Hà Nội có chủ trương di dời các nhà máy, xi nghiệp ra khỏi nội đô, POSTEF đã có quyết định sử dụng khu đất 61 Trần Phú để góp vốn với đối tác phát triển dự án BĐS có tên: Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng POSTEF. Công ty thuê đất của nhà nước có thời hạn thuê là 50 năm, ngày hết hạn là 24/6/2067 với tổng diện tích đất là 7.523 m2.
POSTEF từng dự định xây dựng khu đất này trở thành trung tâm công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D). Tuy nhiên, chỉ ít năm sau, trong cơn sốt chuyển đổi nhà máy, xí nghiệp thành đất thương mại, POSTEF đã quyết định mang khu đất 61 Trần Phú đi góp vốn triển khai dự án bất động sản. Đối tác được chọn là Liên danh Công ty CP Him Lam - Liên Việt Holdings.
Ngày 28/12/2011, hai bên ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 40/2011/HĐHTĐT/POT-LVH-HL. Theo đó, vốn góp của dự án là 1.039,2 tỷ đồng, tổng mức đầu tư là 3.200 tỷ đồng. POSTEF góp bằng lợi thế quyền sử dụng đất - tương đương 530 tỷ đồng (51% vốn), cặp pháp nhân góp 49% vốn còn lại.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, POSTEF đã có chủ trương thoái toàn bộ cổ phần tại dự án. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 18/NQ-ĐHĐCĐ thường niên 2021 ngày 8/3/2021, Công ty đã tạm dừng chủ trương này.
Theo thông tin từ POSTEF, hồ sơ thủ tục khởi công dự án trên đã hoàn thiện và dự kiến khởi công trong năm nay.
MỘT VÒNG LUẨN QUẨN
Trên thực tế, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành đã được đặt ra từ năm 2008.
Có thể bạn quan tâm |
Ngày 23/1/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 130 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng đất sau di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Tại Điều 3 Quyết định 130 yêu cầu việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Đối với những công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc cần được thực hiện bảo tồn, phục chế tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích công cộng.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thì khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú. Tuy nhiên, trong thời gian qua ở những khu vực này, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng, tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.
Điển hình như nhà máy cơ khí 120 ở 609 Trương Định, Hoàng Mai đã "biến hóa" thành Nam Đô Complex với hai tòa chung cư chót vót và một tòa nhà hỗn hợp 14 tầng. Nhà máy rượu cồn Hà Nội ở địa chỉ 94 Lò Đúc sau khi di dời nơi đây đã mọc lên 2 tòa nhà cao ốc 33 - 35 tầng với quy mô 8.000 m2.
Theo các chuyên gia, sau khi di dời, xí nghiệp sẽ được cấp một phần đất lớn hơn ở ngoại thành, do đó phần đất cũ sẽ phải trả lại cho thành phố và nhiệm vụ của thành phố là phải triển khai đúng quy hoạch.
Song các nhà đầu tư vẫn chỉ nhăm nhe xây dựng nhà ở vào chỗ đất trống kiếm lợi. Còn việc xây dựng công viên, hồ nước và diện tích mảng xanh lại được triển khai rất ì ạch, thậm chí là “bỏ quên”.
Một số ý kiến cho rằng câu chuyện cao ốc sắp mọc trên đất vàng 61 Trần Phú là sự nối tiếp của dòng chảy trên. Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS Phạm Thanh Tùng - Chuyên gia kiến trúc đô thị, Hội KTS Việt Nam bày tỏ lo ngại nếu chất tải thêm cao ốc 11 tầng và 6 tầng hầm sẽ tạo ra nút thắt giao thông tại đây.
CHỌN CAO ỐC HAY KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG?
Đặt lên bàn cân, rõ ràng không thể phủ nhận việc cho phép xây cao ốc một mặt sẽ mang đến nguồn thu cho thành phố, một mặt tạo ra quỹ nhà ở, các công trình thương mại mại, góp phần cho công cuộc đô thị hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
Song, việc sử dụng đất cho không gian công cộng cũng đem lại những thành công lớn. Cách đây 15 năm, khu đất tam giác cạnh Nhà hát Lớn từng được dự kiến xây một tổ hợp khách sạn 5 sao. Nhưng sau đó phương án này đã không được phê duyệt. Thay vào đó hiện nay Hà Nội có vườn hoa, một khoảng xanh tuyệt vời cho người dân Thủ đô có thể đi dạo và tận hưởng không khí trong lành.
Hay trường hợp tại tòa nhà được Viện Pháp thuê để cải tạo thành Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace với nội thất phục vụ các hoạt động văn hóa và ngôn ngữ. Để rồi qua hai thập niên, nơi đây trở thành một địa điểm giao lưu văn hóa hiệu quả bậc nhất Hà Nội.
Theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ ở Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP cần diện tích không gian xanh bình quân 2,43m2/người. Tuy nhiên, khảo sát trước đó của Tổ chức Health Bridge, Hà Nội đang thiếu rất nhiều vườn hoa, sân chơi trong các khu vực dân cư, đặc biệt trong khu vực nội thành, đất được dùng làm không gian xanh công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất.
KTS Phạm Thanh Tùng nhìn nhận Hà Nội đã được mệnh danh là thành phố vì hòa bình thì Hà Nội cũng cần xây dựng một thành phố vì môi trường, có môi trường sống bền vững. Còn nếu không cân nhắc kỹ và cứ nghĩ khu đất đã di dời thì xây lên các chung cư, chất tải lên đó như một vài khu đất đã làm rồi sẽ làm đô thị hỗn loạn về giao thông, hỗn loạn về hạ tầng cơ sở và làm bất ổn.
Vị chuyên gia cho biết, Hà Nội hiện đang rất thiếu trường học, cây xanh, công viên, thảm xanh, mặt nước, trong khi đó Hà Nội lại đang rất thừa ô nhiễm môi trường, chất tải đô thị dân số quá đông. Do vậy cần bình tĩnh xem xét trước khi quyết định.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát quy hoạch kiến trúc công trình số 61 Trần Phú
08:00, 07/04/2022
Từ dự án 61 Trần Phú nghĩ về quyền lực của cơ quan quản lý văn hoá
05:03, 07/04/2022
Hà Nội: Lo ngại “8B Lê Trực thứ hai” tại khu đất 61 Trần Phú
20:00, 06/04/2022
Di dời nhà máy gây ô nhiễm: Vì sao chậm tiến độ?
02:00, 02/07/2021
Di dời nhà máy, kho hóa chất nguy hại ra khỏi nội đô
08:00, 08/08/2020