Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa có công văn chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình tại số 61 Trần Phú, đồng thời tạm dừng thực hiện việc phá dỡ.
>>“Di dời”, rồi sao nữa?
Mới đây, sự việc tòa nhà có tuổi đời 100 năm tại 61 Trần Phú đang dựng giàn giáo xung quanh để phá dỡ xây cao ốc 11 tầng khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.
Trước phản ứng từ dư luận, chiều 6/4, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh về rà soát hồ sơ của dự án đầu tư xây dựng công trình tại số 61 phố Trần Phú (quận Ba Đình).
Văn bản này được gửi tới các đơn vị như: Sở Kế hoạch và đầu tư, Quy hoạch kiến trúc, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Tài chính, UBND quận Ba Đình và Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện (POSTEF) – chủ đầu tư dự án.
Văn phòng UBND TP cho biết, sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc tạm dừng thi công, kiểm tra quy trình, thủ tục dự án số 61 Trần Phú, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở ngành của thành phố và UBND quận Ba Đình kiểm tra, rà soát hồ sơ, thủ tục triển khai dự án; xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có); tổ chức theo dõi, giám sát việc chấp hành cho đến khi có chỉ đạo mới.
Trước đó, cùng ngày 6/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình). Đồng thời, tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án nêu trên. Kết quả thực hiện yêu cầu này phải được báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 8/4.
Có thể bạn quan tâm |
Được biết, khu đất rộng hơn 9.000m2 là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Cty CP thiết bị Bưu điện (POSTEF), được xây dựng từ đầu thế kỷ 20.
Khuôn viên khu đất có những dãy nhà 2 tầng được xây dựng từ thời Pháp thuộc, chạy dọc 4 mặt tiền phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học, bao quanh công trình nhà máy có cấu trúc mái vì kèo bê tông cốt thép độc đáo ở giữa.
Theo thông tin từ Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội, việc phá dỡ nhà máy cũng để chuẩn bị xây dựng dự án gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm.
Sở này khẳng định công trình không nằm trong "Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa" theo Nghị quyết 24/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố.
Bên cạnh đó, thực hiện định hướng Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình tỷ lệ 1/2000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với quy mô và tính chất đặc thù của dự án, chủ đầu tư đã tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế, thành lập hội đồng tuyển chọn với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành để lựa chọn được phương án thiết kế tối ưu, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và triển khai các thủ tục liên quan.
Ngày 25/1/2017, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc cho dự án này. Theo đó, lô đất sẽ được xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ, khách sạn cao cấp. Diện tích xây dựng công trình khoảng 3.757m2, mật độ xây dựng 50%, công trình có chiều cao 11 tầng và 6 tầng hầm. Phân bổ sàn cho thương mại, văn phòng và dịch vụ hỗn hợp là 33.863m2, diện tích sàn khách sạn khoảng 19.000m2, diện tích sàn tầng hầm để xe khoảng 14.674m2...
Phần tầng hầm 1, 2, 3 của công trình được bố trí chức năng văn phòng, dịch vụ, nhà hàng... Tầng hầm 4, 5 là chỗ đỗ xe và các khu kỹ thuật; tầng hầm 6 bố trí chức năng kỹ thuật. Đối với phần nổi của công trình, từ tầng 1 - 4 được bố trí chức năng văn phòng; tầng 5-11 là khu vực khách sạn cao cấp. Tổng chiều cao công trình khoảng 42,9m (tỉnh từ cao độ vỉa hè đến đỉnh tum thang).
Tuy nhiên, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp chiều 6/4, KTS Phạm Thanh Tùng - Chuyên gia kiến trúc đô thị - Hội KTS Việt Nam cho rằng, mặc dù công trình này không phải di tích, song cũng gắn liền với lịch sử và là công trình nhà máy công nghiệp cuối cùng còn lại tại Hà Nội. Việc phát triển đô thị cần tôn trọng văn hóa, lịch sử. Phá dỡ nhà máy không đồng nghĩa với việc phá dỡ toàn bộ.
“Nằm ở vị trí đặc biệt, công trình cần có kiến trúc hài hòa với kiến trúc khu vực. Không những vậy, cần lấy ý kiến người dân trong thi tuyển kiến trúc bằng các triển lãm” – ông Tùng nói.
Vị chuyên gia cũng ví von rằng kiến trúc được duyệt như một “quái vật” khi xung quanh là các công trình mang dấu ấn lịch sử. Không những vậy, việc cho phép xây dựng cao đến 11 tầng – tương đương chiều cao của tòa nhà Quốc hội là không phù hợp. Và đây có thể là một 8B Lê Trực thứ hai với quy mô lớn hơn nhiều vì công trình 8B Lê Trực chỉ có 1 mặt phố, còn ở đây có đến 4 mặt.
Theo nguồn tin riêng của PV, khu đất 61 Trần Phú rộng 9.078 m2 được giao cho thành viên Tập đoàn VNPT - Công ty CP Thiết bị bưu điện (POSTEF, mã chứng khoán: POT) - làm trụ sở và sản xuất từ năm 1996.
POSTEF từng dự định xây dựng khu đất này trở thành trung tâm công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D). Tuy nhiên, chỉ ít năm sau, trong cơn sốt chuyển đổi nhà máy, xí nghiệp thành đất thương mại, POSTEF đã quyết định mang khu đất 61 Trần Phú đi góp vốn triển khai dự án bất động sản. Đối tác được chọn là Liên danh Công ty CP Him Lam - Liên Việt Holdings.
Ngày 28/12/2011, hai bên ký Hợp đồng hợp tác đầu tư số 40/2011/HĐHTĐT/POT-LVH-HL. Theo đó, vốn góp của dự án là 1.039,2 tỷ đồng, tổng mức đầu tư là 3.200 tỷ đồng. POSTEF góp bằng lợi thế quyền sử dụng đất - tương đương 530 tỷ đồng (51% vốn), cặp pháp nhân góp 49% vốn còn lại.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, POSTEF đã có chủ trương thoái toàn bộ cổ phần tại dự án. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 18/NQ-ĐHĐCĐ thường niên 2021 ngày 8/3/2021, Công ty đã tạm dừng chủ trương này.
Theo thông tin từ POSTEF, hồ sơ thủ tục khởi công dự án trên đã hoàn thiện và dự kiến khởi công trong năm nay.
Có thể bạn quan tâm