Tăng tốc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

DIỆU HOA 19/04/2022 13:44

Mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được "trợ lực" lớn từ gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ lãi vay 2% thương mại trong chương trình phục hồi kinh tế.

>>Doanh nghiệp nản lòng làm nhà ở xã hội

Từ đầu năm 2022, 7 dự án nhà ở xã hội đã được khởi công, dự kiến mang đến nguồn cung 25.000 căn nhà ở xã hội trong tương lai, cho thấy những tín hiệu tích cực với phân khúc này.

Tọa đàm "Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân" do Bộ Xây dựng và Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức. (Ảnh: Diệu Hoa)

Các nút thắt cần được tháo gỡ

Chia sẻ tại Tọa đàm "Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo thống kê, tính đến hết năm 2021 cả nước hoàn thành 266 dự án bao gồm cả nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.

Có thể bạn quan tâm

  • Vô lý quy định 20% quỹ đất nhà ở xã hội

    Vô lý quy định 20% quỹ đất nhà ở xã hội

    20:00, 16/04/2022

  • Doanh nghiệp nản lòng làm nhà ở xã hội

    03:00, 18/04/2022

Mới đây, Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được đưa ra, ngay lập tức thị trường bất động sản cũng nhận được cú huých lớn từ chính sách này trong đó những khó khăn trong công tác phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân các khu đô thị cũng được kỳ vọng sẽ sớm giải quyết.

Tuy nhiên, nhiều bất cập, vướng mắc cũng được nhận diện từ tình hình thực tế. Ông Luyện Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho biết, quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn còn hạn chế. Mặc dù đã có quy định là 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại được dành để phát triển nhà ở xã hội, riêng tại Hà Nội, tỷ lệ này là 25%, song hầu như không đạt được yêu cầu. 

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cũng cho rằng, định mức lợi nhuận chỉ 10% của nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân hiện không đủ để giải bài toán tài chính cho doanh nghiệp.

Không những vậy, việc duyệt giá bán nhà ở xã hội, các thủ tục pháp lý liên quan đến cấp sổ hồng, vấn đề bồi thường chi phí giải phóng mặt bằng còn chậm triển khai, tất cả ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút doanh nghiệp phát triển phân khúc này.

Nhiều bất cập, vướng mắc trong thủ tục pháp lý, quỹ đất là rào cản trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. (ảnh: Hoàng Anh)

“Hiện TP. Hồ Chí Minh có hơn 10 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản tham gia vào chương trình nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp tự bỏ vốn để tạo lập quỹ đất và đầu tư phát triển dự án, xuất phát từ tâm huyết và trách nhiệm xã hội. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng 15.000 sản phẩm nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015 - 2020, đạt tỷ lệ 75%, con số này cao hơn tỷ lệ của cả nước, chỉ 41%”, ông Châu chia sẻ.

Trong khi đó, theo khảo sát tại Hà Nội, với tổng số 9 Khu công nghiệp trên địa bàn, hiện chỉ mới xây dựng được 3 khu nhà ở cho công nhân. Thế nhưng, nhu cầu lấp đầy nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lại chỉ đạt từ 50-60%. Điều này cũng khiến các chủ đầu tư e ngại khi phát triển loại hình này bởi sức mua chưa thực sự tương xứng.

“Khơi thông” chính sách và nguồn lực

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay đều mong muốn tham gia việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân bởi ngoài trách nhiệm kinh doanh, đó còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.

Thế nhưng, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình này, cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối. Bởi trên thực tế, khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán, đều do nhà nước quyết định. Chính vì thế, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng.

“Khi có thể tham gia dự án sớm và thời gian thu hồi vốn nhanh, thì việc thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội là điều không khó", ông Hà nêu quan điểm. 

Trao đổi riêng với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, có những bất cập như sự chưa đồng bộ, chưa cụ thể về chính sách trong các văn bản pháp luật, điều này cần được giải quyết trong thời gian tới khi Bộ Xây dựng thực hiện xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi.

Vấn đề thứ hai, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp chưa thực hiện trách nhiệm của mình trong phát triển nhà ở xã hội.

Ông Hưng cho biết, với 2 gói hỗ trợ trong nghị quyết 11, việc giải ngân được thực hiện theo quy định tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP và Nghị định 100/2015. Việc thực hiện cho vay hoàn toàn thông suốt, chỉ khi ngân hàng chính sách được cấp vốn sẽ cho vay ngay.

“Đối với gói hỗ trợ lãi vay 2% thương mại, Ngân hàng chính sách xã hội đang hoàn thiện nghị định để trình Chính phủ, quy định rõ về đối tượng, điều kiện được vay của chủ đầu tư, và theo hướng đề xuất UBND các địa phương công bố, lập danh sách các dự án, tổng hợp công bố, chủ đầu tư làm việc với ngân hàng thương mại để thực hiện” – ông Hưng nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp nản lòng làm nhà ở xã hội

    Doanh nghiệp nản lòng làm nhà ở xã hội

    03:00, 18/04/2022

  • Vô lý quy định 20% quỹ đất nhà ở xã hội

    Vô lý quy định 20% quỹ đất nhà ở xã hội

    20:00, 16/04/2022

  • Cần tạo cơ chế thuận lợi cho nhà đầu tư để phát triển nhà ở xã hội!

    Cần tạo cơ chế thuận lợi cho nhà đầu tư để phát triển nhà ở xã hội!

    10:00, 09/04/2022

  • Nguy cơ “trắng tay” với nhà ở xã hội Evergreen

    Nguy cơ “trắng tay” với nhà ở xã hội Evergreen

    13:00, 02/04/2022

  • Mục sở thị khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh

    Mục sở thị khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh

    14:10, 08/02/2022

DIỆU HOA