Sửa Nghị định 82 về quản lý khu công nghiệp: Giảm tối đa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư
Đó là khẳng định của ông Trần Quốc Trung - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp năm 2022, tổ chức mới đây tại TP.HCM.
>>>Cơ hội cho bất động sản công nghiệp vùng Duyên hải Bắc Bộ
Trao đổi với các doanh nghiệp tại Diễn đàn, ông Trần Quốc Trung - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù bị ảnh hưởng khá lớn bởi đại dịch COVID-19 nhưng trên phạm vi tổng thể, các dự án phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam vẫn tiến triển rất tích cực.
Đến nay Việt Nam đã có khoảng gần 300 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động trên tổng số trên 400 khu công nghiệp được thành lập. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp vẫn tăng lên từ 71% lên đến 75% tính đến cuối năm 2021. Điều này cho thấy, các dòng vốn đầu tư cũng như các dòng vốn hiện hữu vẫn đang được triển khai rất tích cực để hỗ trợ cho việc phát triển sản xuất cũng như cung ứng hàng hóa cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong thời gian tới, với các dấu hiệu tích cực trong việc cấp phép đầu tư cho các khu công nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua thì nhu cầu đất nhà xưởng xây sẵn cũng như kho bãi, các dịch vụ logistic sẽ được đáp ứng tốt hơn.
"Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với khó khăn của các nhà đầu tư trong các vấn đề về đất đai, về điện, về nguồn nhân lực, đặc biệt là việc giữ chân công nhân lao động ở lại làm việc lâu dài cho các doanh nghiệp. Chính vì thế chúng tôi đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, hy vọng trong quý II/2022 Thủ tướng sẽ xem xét ban hành nghị định này”, ông Trung cho biết.
Theo ông Trung, trong phần sửa đổi, có nhiều nội dung các doanh nghiệp nêu như quy hoạch, thủ tục hành chính… sẽ được sửa đổi để giảm tối đa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, đặc biệt là thủ tục quy hoạch các khu công nghiệp, giảm bớt các thủ tục trùng lắp để nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh nhất.
Có thể bạn quan tâm |
Ngoài ra, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 82 cũng đưa vào một số quy định để khi phát triển khu công nghiệp đảm bảo phải cung cấp các dịch vụ cho người lao động sinh sống ổn định lâu dài trong khu công nghiệp.
“Dự thảo cũng bổ sung thêm một số cơ chế chính sách giao thẩm quyền cho các UBND cấp tỉnh có thể ban hành thêm cơ chế nhằm thu hút đầu tư cho các khu công nghiệp sinh thái, bổ sung thêm một số cơ chế chính sách để các nhà đầu tư có thể kết nối với nhau. Một số chính sách ưu đãi khác như tín dụng xanh, quỹ bảo vệ môi trường cũng được bổ sung vào Nghị định để các khu công nghiệp sinh thái có thể hướng tới”, ông Trần Quốc Trung thông tin thêm.
Góp ý kiến tại Diễn đàn, ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C cho rằng, Việt Nam không nhất thiết cần phải cạnh tranh với Trung Quốc mà nên tạo sự khác biệt. Theo ông, Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng tốt và ổn định. “Việt Nam hiện đang có chi phí logistics cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nên chăng, Việt Nam chỉ cần thay đổi điều đó thì chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt với Trung Quốc”, ông Bruno nhấn mạnh.
Hiện tại, khẩu vị các nhà đầu tư rất cao và đều có những lựa chọn riêng. Dù nhiều nhà đầu tư ra khỏi Trung Quốc nhưng đây vẫn là công xưởng lớn của thế giới. Nhưng theo ông Bruno, Việt Nam là quốc gia có vị trí tốt và nhiều lợi thế để trở thành người thắng cuộc trong việc đón nhận dòng vốn của xu hướng Trung Quốc + 1 này.
Về mặt logistics và chuỗi cung ứng, sắp tới sẽ có đường cao tốc kết nối Trung Quốc với Việt Nam. Đây sẽ là một “bom tấn”, là giải pháp về logistics rất hiệu quả. Sẽ không cần phải quá vất vả để vận tải bằng đường biển hay chờ đợi container, mà chỉ cần thông qua giao thông đường bộ để đưa hàng hóa từ Việt Nam đến Trung Quốc.
"Theo tôi, chúng ta cần phải thu hút và đầu tư để phát triển môi trường sống, phát triển dịch vụ, thương mại. Để không chỉ các dự án mà cả con người cũng muốn đến và ở lại Việt Nam. Như thế, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ đa dạng và tác động tốt hơn nữa tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam”, ông Bruno Jaspaert chia sẻ.
Ông Pao Jirakulpattana - Phó chủ tịch Warburg Pincus, Singapore cũng cho rằng, Việt Nam đang làm rất tốt để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể là đã xác định rõ những ngành ưu tiên phát triển tại từng khu vực. Về dài hạn, nên tiếp tục phát triển kinh tế trọng điểm, duy trì định hướng trong tương lai để thu hút đầu tư.
Việt Nam thường có kế hoạch phát triển trong 5 năm, 10 năm, 15 năm… nên mọi thứ đều rõ ràng. Do vậy, các nhà đầu tư có thể căn cứ vào kế hoạch phát triển này để lập kế hoạch cho mình. Tuy nhiên, ông cho rằng, điểm nghẽn trên thị trường vẫn còn và sẽ cần thêm thời gian để tháo gỡ, nhưng trên bình diện chung, thị trường Việt Nam vẫn rất là tích cực.
"Tôi biết nhiều nhà đầu tư hay than phiền về thủ tục, nhưng vấn đề bây giờ chúng ta phải tìm giải pháp để tháo gỡ. Trong đó, chúng tôi có thể hỗ trợ các nhà đầu tư để kết nối, ghép các mảnh ghép lại thành một bức tranh lớn, hỗ trợ doanh nghiệp qua các dịch vụ tốt…", ông Pao Jirakulpattana nói và bày tỏ mong muốn kết nối với các nhà đầu tư lớn để đem lại lợi ích song phương giữa nhà phát triển khu công nghiệp và các công ty lớn.
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội cho bất động sản công nghiệp vùng Duyên hải Bắc Bộ
01:00, 24/04/2022
Bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ấn tượng
14:00, 23/04/2022
Sonadezi đạt Top 10 Công ty bất động sản công nghiệp uy tín năm 2022
07:39, 23/04/2022
Bất động sản công nghiệp Hải Phòng: “Mỏ vàng” hấp dẫn nhà đầu tư
11:00, 22/04/2022
Bất động sản công nghiệp thế hệ mới
05:00, 10/04/2022