Không nên giao Tổng Liên đoàn lao động tham gia đầu tư nhà ở xã hội

VI ANH 30/08/2023 11:11

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), hiện còn nhiều quan điểm khác nhau về quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được làm chủ đầu tư nhà ở xã hội.

>>Lãi suất xuống thấp, dòng tiền nên về đâu?

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, một số đại biểu cho rằng không nên để Tổng Liên đoàn lao động đầu tư nhà ở xã hội bởi “chưa đảm bảo cơ sở thực tiễn, không khéo mất cán bộ”.

Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nên giao cho đơn vị khác

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị không nên giao cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuê.

Đại biểu Hòa cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị, không có chứng năng kinh doanh, do đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nhiều cách khác nhau để chăm lo cho đời sống của công nhân, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn nên giao cho các đơn vị chức năng khác.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Theo quan điểm của ông Hòa, dự án nhà ở xã hội công nhân có số lượng lớn, khu công nghiệp trong cả nước rất nhiều. Nếu đó Tổng Liên đoàn Lao động làm nhà ở xã hội, nguồn lực sẽ lấy từ nguồn thu phí công đoàn, tức có hạn. “Tổng liên đoàn lao động lo cho công dân nhiều mặt khác, chứ không riêng chuyện nhà ở. Cần nghiên cứu lại, không khéo mất cán bộ”, ông Hòa lo ngại.

Đối với đất ở để xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần có quy định rõ ràng đất ở để xây dựng nhà ở thương mại và đất ở để xây dựng nhà ở xã hội, không nên quy định chung. Cùng với đó, ông Hòa tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình.

Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thị Phúc – Phó trưởng đoàn đại biểu Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, "Tổng liên đoàn có vai trò là đại diện cho công nhân, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng không nhất định phải giao tổ chức tham gia làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân".

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) lo ngại, việc đầu tư nhà lưu trú công nhân cho công rất rủi ro, chậm thu hồi vốn và nếu quản lý không tốt thì có thể gây ra các hệ lụy khó lường… Do đó, bà Thủy đề nghị Tổng liên đoàn xây dựng đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho ý kiến về vấn đề này, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp và tác động trực tiếp đến người dân,  doanh nghiệp, chính sách an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô của quốc gia, liên quan đến nhiều luật, dự thảo Luật đang trình Quốc hội xem xét. Vì vậy, không tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

>>Không để người dân mua nhà bằng "niềm tin"

Tháo gỡ vưỡng mắc xây nhà ở xã hội cho công nhân

Về nhu cầu nhà ở cho công nhân hiện nay, TS. Vũ Minh Tiến - Viện Công nhân và Công đoàn – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, các khu công nghiệp phát triển tại những tỉnh, thành phố đang có nhu cầu cao về nhà ở, chiếm đến 70 – 80% nhưng việc mua nhà trở nên khó khăn do thu nhập thấp của công nhân.

 Một số đại biểu cho rằng không nên để Tổng Liên đoàn lao động đầu tư nhà ở xã hội bởi “chưa đảm bảo cơ sở thực tiễn, không khéo mất cán bộ”.

Một số đại biểu cho rằng không nên để Tổng Liên đoàn lao động đầu tư nhà ở xã hội bởi “chưa đảm bảo cơ sở thực tiễn, không khéo mất cán bộ”.

Cụ thể, tới 80 – 90% công nhân phải ở trọ trong các khu dân cư, do người dân xây cho thuê. Còn một số ít công nhân có thể ở trong ký túc xá hoặc chỗ lưu trú của các doanh nghiệp, và một phần nhỏ mua được nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho công nhân từ năm 2017. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo đề án của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án vẫn gặp khó khăn do nhiều vấn đề pháp lý.

Liên quan đến vấn đề này, LS. Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mang mục tiêu giải quyết vấn đề thiếu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, nhưng việc đưa ra kiến nghị cho một tổ chức với đặc quyền về chính sách có thể dẫn đến giảm tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng đến chất lượng công trình trong các dự án.

Hệ lụy đầu tiên là người lao động sẽ không được sử dụng các công trình có chất lượng đảm bảo quy chuẩn, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế thị trường và hệ thống pháp luật Việt Nam.

Cũng theo vị luật sư, sau khi đơn vị này xây dựng thí điểm Thiết chế Công đoàn thì đến nay chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội mà không giải quyết được các vấn đề pháp lý liên quan đến các Thiết chế Công đoàn trước đó, có thể gây lãng phí đất đai và làm đọng nguồn vốn. Điều này dẫn đến việc những người có nhu cầu sử dụng nhà ở xã hội không thể tiếp cận được với nhà ở như mục tiêu ban đầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Quyết tâm “giữ” thị trường bất động sản

    Quyết tâm “giữ” thị trường bất động sản

    18:10, 29/08/2023

  • Mua bán bất động sản hình thành trong tương lai: Cần quy định rõ tiền đặt cọc

    Mua bán bất động sản hình thành trong tương lai: Cần quy định rõ tiền đặt cọc

    13:41, 29/08/2023

  • Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 6: Công ty Nhật Nam và “cú lừa” phút chót

    Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 6: Công ty Nhật Nam và “cú lừa” phút chót

    03:10, 29/08/2023

  • Doanh nghiệp bất động sản nợ thuế tăng đột biến

    Doanh nghiệp bất động sản nợ thuế tăng đột biến

    03:00, 29/08/2023

  • CII muốn “lấn sân” sang lĩnh vực hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí

    CII muốn “lấn sân” sang lĩnh vực hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí

    17:17, 28/08/2023

VI ANH