Trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2024 – 2030, CII muốn đầu tư sang các lĩnh vực mới là hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp với chăm sóc y tế.
>>>CII xoay xở dòng tiền
Theo Tài liệu ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 mới công bố, HĐQT Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) sẽ trình cổ đông Định hướng phát triển chiến lược giai đoạn 2024 – 2030 với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, doanh nghiệp trình phương án nghiên cứu 6 dự án giao thông có vốn đầu tư lên đến 75.000 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng muốn “lấn sân” sang lĩnh vực hạ tầng y tế.
Theo đó, CII xác định đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên của công ty. Công ty cho biết, Chính phủ hiện đang ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc giai đoạn 2023 - 2025. Công ty đánh giá đây là động lực lớn thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức PPP. Các dự án PPP khi kết nối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ tạo thành một tuyến giao thông hoàn chỉnh, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư PPP.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 98/2023/QH15 mở ra cơ hội lớn về đầu tư hạ tầng. CII cho rằng, trước đây, Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 ban hành ngày 21/10/2017 chỉ được áp dụng đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với các tuyến đường mới. Do vậy, việc triển khai đầu tư theo hình thức BOT gặp nhiều khó khăn bao gồm: vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; đánh giá khả năng hoàn vốn của dự án; và huy động vốn cho dự án.
“Tuy nhiên, khi Nghị quyết 98 được Quốc hội ban hành vào ngày 24/6/2023, trong đó, cho phép TP.HCM đầu tư theo hình thức PPP (BOT hoặc BT) trên tuyến đường hiện hữu. Từ đó, các khó khăn nói trên đã phần nào được giải quyết cũng như mở rộng cơ hội để đầu tư cho CII”, lãnh đạo CII đánh giá.
Dựa trên các cơ sở đã nêu, CII đề xuất nghiên cứu 6 dự án hạ tầng giao thông dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2024 - 2030 với tổng mức đầu tư gần 75.000 tỷ đồng, trong đó, dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 là dự án có mức đầu tư lớn nhất với 22.000 tỷ đồng. Tiếp đến là Dự án Nâng cao năng lực thông hành tại khu vực tây Bắc TP.HCM, với tổng mức đầu tư 19.059 tỷ đồng; Dự án nâng cấp mở rộng QL 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An, với tổng mức đầu tư 11.982 tỷ đồng ...
Theo CII, 6 dự án trên được Công ty lựa chọn dựa trên các tiêu chí: dự án có thể giải quyết ách tác giao thông một cách tổng thể; dự án có thể kết nối với các dự án hiện hữu của CII; dự án đã có quy hoạch phát triển; và dự án có thể hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp BOT và người dân.
Một nội dung đáng chú ý khác trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2024 – 2030 là CII sẽ mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực mới là hạ tầng y tế và bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế.
Đối với hạ tầng y tế, CII đánh giá, trong bối cảnh quá tải trầm trọng của hệ thống khám chữa bệnh tại TP.HCM, việc nhà nước cho phép thực hiện các dự án PPP trong lĩnh vực y tế cũng mở ra một hướng nghiên cứu mới vào lĩnh vực này.
Cụ thể, CII đang nghiên cứu hợp tác với các bệnh viện tên tuổi tại TP.HCM, bao gồm khối nhà nước và tư nhân, để đầu tư hạ tầng dịch vụ trong lĩnh vực khám chữa bệnh như: hợp tác xây dựng phòng khám, cơ sở lưu trú y tế đặt tại các khu vực cửa ngõ kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận, tận dụng các tuyến cao tốc để bệnh nhân ngoại tinh có thể thuận tiện di chuyển, đồng thời giảm tải cho những khu vực khám nội thành.
Đối với bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế, CII cho rằng, loại sản phẩm này sẽ hướng đến tập khách hàng trung niên, sắp về hưu, các gia đình có người cao tuổi, cũng như Việt kiểu và người nước ngoài có mong muốn lựa chọn Việt Nam làm nơi nghỉ hưu, an dưỡng diễn viên cùng con cháu.
Theo CII, loại hình bất động sản này sẽ được đặt ở những vị trí có khả năng kết nối với các tuyến cao tốc đã và đang được hình thành nhằm rút ngắn thời gian di chuyển tới TP.HCM; nhờ đó, việc đi lại và thăm viếng của gia đình, con cháu cũng như khám chữa bệnh sẽ không còn là vấn đề quan ngại lớn.
“Đặc biệt, việc trực tiếp sở hữu những căn nhà trong mô hình bất động sản này cũng tạo tâm lý thoải mải, xóa bỏ cảm giác ức chế và góc nhìn định kiến so với việc sống trong các viện dưỡng lão truyền thống”, lãnh đạo CII nhấn mạnh.
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2023, CII ghi nhận doanh thu đạt hơn 1.591 tỷ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỷ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 43,5 tỷ đồng, giảm mạnh tới 94% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, doanh nghiệp chỉ mới hoàn thành 9,3% so với kế hoạch lợi nhuận năm.
Bên cạnh kết quả kinh doanh lao dốc, trong 6 tháng đầu năm 2003, dòng tiền kinh doanh của CII đã âm trở lại, với việc ghi nhận âm hơn 368 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 405 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư cũng ghi nhận âm gần 7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 1.054 tỷ đồng, chủ yếu do tăng vay nợ và bán cổ phiếu quỹ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt
Một điểm đáng lưu ý khác, trong 6 tháng đầu năm 2003, CII ghi nhận việc tái phát hành cổ phiếu quỹ với 737 tỷ đồng, đồng thời, ghi nhận âm hơn 173 tỷ đồng vào mục thăng dư vốn cổ phần, dẫn tới giảm thặng dư cổ phần từ hơn 500 tỷ đồng về còn hơn 387 tỷ đồng. Như vậy, việc tái phát hành cổ phiếu quỹ với giá thấp hơn giá mua dẫn tới việc Công ty đã điều chỉnh giảm thặng dư vốn cổ phần trực tiếp tương ứng với phần lỗ do bán cổ phiếu quỹ.
Có thể bạn quan tâm