Máy ATM hết thời?
Số lượng cây ATM trên toàn thế giới đang có xu hướng giảm dần trước xu thế không dùng tiền mặt. Đứng trước bối cảnh này, ngành ngân hàng cần có hướng đi nào?
Theo Nikkei, số lượng máy ATM trên toàn thế giới đã giảm lần đầu tiên trong năm 2018 xuống mốc 3,24 triệu máy (giảm khoảng 1%) vào thời điểm cuối năm, dẫn báo cáo của Retail Banking Research, một công ty nghiên cứu chuyên về công nghệ ngân hàng, thẻ và thanh toán.
Giảm thói quen dùng tiền mặt
Còn tại Việt Nam theo số liệu NHNN, tính đến cuối tháng 9/2018, toàn quốc có khoảng 18.173 ATM và khoảng 294.500 POS (tăng tương ứng 4,5 % và 13% so với cùng kỳ năm 2017) được lắp đặt. Như vậy số lượng máy ATM vẫn có sự tăng trưởng nhẹ.
Số liệu thống kê cho thấy mặc dù tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM vẫn tăng qua các năm, nhưng tốc độ tăng trong năm 2018 có xu hướng giảm dần (tỷ lệ số lượng, giá trị giao dịch rút tiền mặt qua ATM 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016 là 17% và 22%, trong khi tỷ lệ này 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 là 12% và 16%).
Theo chuyên gia công nghệ Fintech ông Nguyễn Quang Trung, ở Việt Nam, trong giai đoạn đầu triển khai trả lương qua thẻ ngân hàng nhằm giảm tiêu dùng tiền mặt, hầu hết mọi người lại ra cây ATM để rút hết tiền, như vậy đã phản tác dụng. Tuy nhiên, phải xét bối cảnh thời điểm đó vẫn còn quá ít dịch vụ chấp nhận thẻ, việc thanh toán thẻ trở nên vô cùng bất tiện. Nhưng đến nay, với sự bùng nổ của các trung gian thanh toán, các ví điện tử như Momo, ZaloPay hỗ trợ liên kết với các ngân hàng, thanh toán qua QR code đã dần thay đổi hành vi thanh toán của người dùng, giúp người dân dần từ bỏ thói quen rút tiền mặt.
Mặc dù vậy, rất khó để các cây ATM biến mất hoàn toàn. Thứ nhất, ở vùng sâu vùng xa khi mà thói quen dùng ví điện tử, thanh toán bằng thẻ của người dân vẫn còn chưa phổ biến thì nhu cầu của họ vẫn còn rất lớn. Thứ hai, về kết nối internet ở các vùng sâu, xa vẫn chưa thực sự đảm bảo tốc độ truy cập, mạng 3G-4G còn bị cản trở do địa hình vùng núi, thậm chí nhiều nơi không có cả sóng điện thoại, dẫn đến các giao dịch điện tử là một trở ngại lớn.
Máy ATM sẽ bị thay thế
Hiện nay, trên toàn cầu và tại Việt Nam, các ngân hàng đều đang đẩy mạnh việc chuyển đối số. “Ví dụ như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) là một trong những ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số, họ không làm quá nhiều cây ATM, thay vào đó là xây dựng những kiot giao dịch (live bank). Các kiot này cho phép người dùng giao dịch, làm việc trực tuyến rút tiền, gửi tiền thông qua ki ốt rất nhanh chóng ” - ông Nguyễn Quang Trung cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Fintech hay câu chuyện "hết thời" của ATM
07:30, 06/08/2019
21 triệu thẻ ATM đổi sang thẻ chip: Ai sẽ chịu phí?
11:39, 26/05/2019
Phòng ngừa rủi ro mất tiền trong thẻ ATM dịp nghỉ lễ
00:02, 01/05/2019
Giải mã ẩn số tài chính của Tổng công ty VATM
10:26, 12/04/2019
Trước đó, DongA Bank đã áp dụng mô hình Auto banking - mô hình ngân hàng tự động không cần nhân viên, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chủ động mọi giao dịch.
Auto Banking được thiết kế tương tự các buồng ATM nhưng rộng hơn, được trang bị máy ATM, màn hình cảm ứng, điện thoại… Dịch vụ này cho phép khách hàng có thể thực hiện hầu hết giao dịch ngân hàng. Đặc biệt, khách hàng sẽ là những người chủ động thực hiện mà không hề phải phụ thuộc vào nhân viên ngân hàng.
Theo các chuyên gia, xu hướng của các ngân hàng khi số hóa sẽ tiên phong làm các ví điện tử, xây dựng hệ thống trung gian thanh toán, nhằm phát triển hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng. Tiêu biểu như ví điện tử Bank Plus ra đời là sự kết nối giữa Viettel và MBBank “bảo trợ”. VPBank với Timo và Maritime Bank với MEED, LienVietPostbank với Ví Việt, Sacombank với Sacombank Pay...