PCI 2018: Cải cách mùa vàng ở địa phương và những chùm quả ngọt của khu vực tư nhân!

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo PCI, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính c 28/03/2019 09:34

Bức tranh khởi sắc của PCI 2018 với điểm trung vị cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, hy vọng về sự cải cách ở địa phương sẽ có mùa vàng và khu vực tư nhân ở Việt Nam sẽ gặt hái những chùm quả ngọt.

Sáng nay (ngày 28/3), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố báo cáo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tình (PCI 2018). Báo DĐDN xin phép trích đăng bài phát biểu khai mạc của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Trưởng ban chỉ đạo PCI, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

công bố báo cáo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tình (PCI 2018)

Lễ công bố báo cáo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tình (PCI 2018) sáng ngày 28/3

Tiếng nói của khu vực tư nhân

“Đến hẹn lại lên”, như thường lệ, tôi vẫn muốn mở đầu bài phát biểu của mình bằng việc mượn tên một bộ phim kinh điển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, kể về câu chuyện tình gian nan nhưng có hậu của một cặp đôi trai tài gái sắc. Với niềm tin rằng, câu chuyện PCI hay tiếng nói của khu vực tư nhân và hành động của chính quyền cũng sẽ là một câu chuyện tình có hậu như vậy trong lịch sử cải cách kinh tế của Việt Nam.

Bây giờ thì chúng ta đã quen với những tầm nhìn và thông điệp: khu vực tư nhân là động lực quan trọng, kinh tế tư nhân là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và tự chủ của nền kinh tế, phải tận tâm, tận lực phát triển kinh tế tư nhân … Nhưng 14 năm trước đây, khi chúng ta mới bắt đầu hành trình PCI thì đó là những điều xa lạ.

PCI là tiếng nói của khu vực tư nhân, là cảm nhận và niềm tin của họ đối với môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh; Là “Hàn thử biểu” của cải cách, là “thước đo” nỗ lực của chính quyền; Là thể chế ở cấp địa phương - một trong ba mũi đột phá cho tăng trưởng: thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

PCI đã được ghi vào Nghị Quyết của Chính phủ Việt Nam, trở thành chương trình hành động cho công cuộc cải cách ở cơ sở. PCI chỉ ra dư địa và lan toả những mô hình cải cách. PCI như ngọn hải đăng cho công cuộc cải cách ở các địa phương. Đúng như PGS TS Trần Đình Thiên nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, đã nhận xét: “ Ở Việt Nam, trong quá trình đổi mới kinh tế, cho đến nay, hiếm thấy công trình nào thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và trực tiếp đến như vậy”

Báo cáo PCI 2018 là một bức tranh có nhiều khởi sắc. PCI 2018 đã có những cải thiện đáng kể so với những năm trước đây. Tỉnh trung vị đã đạt điểm số PCI 61,76 điểm, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu tiến hành PCI.

TS Vũ Tiến Lộc cho biết Báo cáo PCI 2018 là một bức tranh có nhiều khởi sắc.

TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, Báo cáo PCI 2018 là một bức tranh có nhiều khởi sắc

Điểm trung vị tăng lên và xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các các tỉnh, thành phố đi sau với các tỉnh, thành phố dẫn đầu đã cho thấy sức lan toả và bao trùm hơn trong nỗ lực cải cách và nâng cao năng lực điều hành kinh tế ở các địa phương. Dàn nhạc cải cách ở các địa phương đã đồng thanh, đồng điệu hơn.

Các xu hướng nổi bật đáng mừng của năm 2018 là: chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham những vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp tư nhân trong nước đã giảm đáng kể. Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến. Đặc biệt việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp đã giảm đáng kể so với mấy năm trước. Đó là các tín hiệu cho thấy các nỗ lực cải cách hành chính và chống tham nhũng đã phát huy tác dụng.

Mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao. 49,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh. 42,4% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại. Chỉ có 8,3% dự kiến giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa (riêng đối với FDI thì tỷ lệ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh cao hơn đạt tới 56%).

Có thể bạn quan tâm

  • Điểm đặc biệt của Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018

    Điểm đặc biệt của Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018

    08:41, 28/03/2019

  • PCI 2018: Cảm hứng và áp lực cải cách ở địa phương

    PCI 2018: Cảm hứng và áp lực cải cách ở địa phương

    07:00, 28/03/2019

  • PCI bật tung “rào cản” cải cách

    PCI bật tung “rào cản” cải cách

    05:30, 28/03/2019

  • PCI thúc đẩy sáng tạo trong thu hút đầu tư

    PCI thúc đẩy sáng tạo trong thu hút đầu tư

    05:27, 28/03/2019

  • PCI góp phần thay đổi tư duy quản lý

    PCI góp phần thay đổi tư duy quản lý

    18:31, 27/03/2019

Cốt lõi cải cách thể chế

Bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh là tích cực. Nhưng vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại. Chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có tới 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và FDI hơn các doanh nghiệp tư nhân.

Việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% doanh nghiệp cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác. Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải …

Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp, còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao. Các doanh nghiệp dân doanh nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đang rất khó khăn. Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân, việc khắc phục những điểm nghẽn thể chế và chính sách nêu trên vẫn cần là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ và cơ quan chính quyền các cấp.

Chúng ta xin chúc mừng các địa phương đứng đầu bảng xếp hạng, đặc biệt là Quảng Ninh vẫn giữ vững được vị trí dẫn đầu năm thứ hai liên tiếp. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao ba tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp, Long An, Bến Tre đã tiếp tục có được sự tiến bộ vượt bậc. Các doanh nghiệp cũng ghi nhận nỗ lực cải cách của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước như Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.... và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Đã có những tín hiệu rất tích cực từ Hà Nội, lần đầu tiên Thủ đô - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh. Đây là thứ hạng cao nhất mà Hà Nội có được từ trước đến nay, đã đưa Hà Nội vượt khỏi nỗi ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu” để tiến lên phía trước, là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế của cả nước và hướng tới một tầm nhìn trở thành một Thành phố có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ASEAN trong thời gian tới.

Chúng ta biết rằng đằng sau những con số thứ hạng cao PCI là rất nhiều nỗ lực, rất nhiều tâm huyết, rất nhiều những sáng kiến cải cách hay, những mô hình mới hiệu quả đã được lãnh đạo các tỉnh thành phố trăn trở ngày đêm, để thai nghén và hiện thực hóa: Đó là trung tâm hành chính công với phương châm bốn tại chỗ: nhận hồ sơ, thẩm định, giải quyết và trả hồ sơ; Là cơ quan xúc tiến đầu tư độc lập với phương châm theo sát bước chân của nhà đầu tư; Là hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nhất thể hoá; Là DCCI và hành trình truyền lửa từ cải cách từ tỉnh, thành phố về cấp quận, huyện, sở ban ngành; Là cafe doanh nhân và những cuộc đối thoại thân tình giữa doanh nhân và chính quyền; Là ngày thứ 2 đầu tuần dành cho doanh nghiệp; Là chương trình nghị sự của mỗi cuộc họp giao ban chính quyền; Là hội quán nông dân và các cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp với nông dân; Là xã hội hoá đầu tư và đối tác công tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng; Là đầu tư tư sử dụng công: chính quyền về nhà ở dân và doanh nghiệp; Là cơ chế bảo lãnh của chính quyền để tích tụ đất của các nhà nông dân cho doanh nghiệp; Là bác sỹ doanh nghiệp và những cuộc chuẩn đoán tiếp sức cho doanh nghiệp; là chương trình đồng khởi trong khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp… Và dự án PCI là một hành trình phát động phong trào, mỗi địa phương một cách làm hay để tổng kết và lan rộng trong cả nước. Phong trào thi đua yêu nước đang hội tụ ở những mô hình và sáng kiến cải cách. Và nếu không có những sáng kiến như vậy thì chúng ta chắc chẵn sẽ không thể có được một bức tranh phát triển kinh tế địa phương tốt đẹp như hiện nay.

a

Báo cáo PCI 2018 chứng kiến lần thứ hai tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí đứng đầu

Nhưng chúng ta cũng không khỏi lo âu, khi chỉ số PCI mấy năm qua, đã cho thấy sự chững lại của các ngôi sao cải cách và sự gian nan của những nỗ lực bứt phá, đột phá của nhóm dẫn đầu. Điểm số PCI của các nhà vô địch vẫn chỉ mới qua ngưỡng 70/100 điểm kỳ vọng. Điều này cho thấy, một mặt, dư địa cải cách vẫn còn nhiều, mặt khác cũng cho thấy những khâu, những việc cải cách dễ dàng các tỉnh, thành phố đều đã triển khai và bây giờ chúng ta đụng đến những khâu, những việc khó khăn hơn, thậm chí là cốt lõi cần phải được tháo gỡ từ trần thể chế, từ cấp trung ương, từ các bộ ngành.

Vì vậy, đẩy mạnh xã hội hoá, đẩy mạnh phân cấp, thực hiện định hướng các bộ ngành tập trung làm thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế để tiếp tục mở đường cho những nỗ lực cải cách ở cấp địa phương và cơ sở đang là một nhu cầu cấp thiết đặt ra cho làn sóng cải cách lần thứ 2 trong nền kinh tế nước ta mà chúng ta hy vọng Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta sẽ khởi động và thúc đẩy quá trình này.

Năm nay hình ảnh bức tranh “Sắc Thu” của hoạ sỹ Phạm Hoàng Anh được chọn làm ý tưởng cho thiết kế Báo cáo PCI. Sắc Thu bao giờ cũng gắn với mùa vàng. Hy vọng cải cách ở địa phương sẽ có mùa vàng và khu vực tư nhân ở Việt Nam sẽ gặt hái những chùm quả ngọt.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo PCI, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính c