Kết nối chuỗi cung ứng: Hàng hóa không liên quan đến dịch bệnh thì được phép lưu thông
Việc sản xuất bị đình trệ tại nhiều địa phương đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, khiến doanh nghiệp lúng túng trong việc khôi phục sản xuất.
Buổi tọa đàm trực tuyến “Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch COVID-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức phối hợp cùng, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và các Hiệp hội Doanh nghiệp.
Buổi tọa đàm nhằm tìm ra các giải pháp để doanh nghiệp duy trì sản xuất, góp phần duy trì sự ổn định của kinh tế và xã hội mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu chống dịch là nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Khó khăn từ doanh nghiệp
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và lưu thông hàng hoá.
Thứ nhất, giãn cách xã hội đang tạo áp lực cực kỳ lớn lên cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí làm tê liệt một số doanh nghiệp sản xuất của 19 tỉnh phía Nam.
Thứ hai, nhiều địa phương áp dụng quá chặt chẽ, máy móc khi áp dụng giãn cách khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa dù không có người lao động bị COVID.
Do vậy, ông Giang mong VCCI cùng VITAS sẽ cùng kiến nghị đến Chính phủ tính thống nhất trong các giải pháp phòng chống COVID tại các địa phương.
Thứ ba, việc kiểm soát việc đi lại của các doanh nghiệp. Việc vận chuyển qua các địa phương dọc tuyến QL 1 gặp nhiều khó khăn khi chuyển hàng từ Nam ra Bắc, có địa phương chấp nhận kết quả test PCR của tài xế 3 ngày, có nơi lại 5 ngày nên không có sự thống nhất. Nguyên liệu sản xuất từ phía Bắc vào miền Nam cũng không thực hiện được, điều này gây đứt gãy chuỗi cung ứng
“Nhiều địa phương, cán bộ đang hiểu máy móc “hàng thiết yếu” ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp đặc biệt là vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Do đó cần có sự hướng dẫn và thống nhất về quyết định đâu là hàng thiết yếu, đặc biệt mặt hàng xuất-nhập khẩu” – Chủ tịch VITAS cho biết.
Đồng quan điểm với ông Vũ Đức Giang, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Đông Hiệp, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA) kiến nghị: "cần có sự thống nhất trong giải pháp phòng chống COVID để giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng với ngành hàng thực phẩm".
“Hiện tại, giải pháp 3 tại chỗ đã không còn phù hợp. Thứ nhất, tâm lý người lao động, cán bộ nhân viên đều ngao ngán, ai cũng có gia đình và mong muốn trở về với gia đình, không muốn sản xuất. Thứ hai, về phía doanh nghiệp mặc dù doanh nghiệp đã có hỗ trợ ngày lo 3 bữa cơm, hỗ trợ cán bộ ở lại 3 tại chỗ 200.000 đồng/người/ngày, nhưng cũng không ai yên tâm sản xuất”, bà Lý Kim Chi cho hay.
“Việc không có giải pháp cụ thể sẽ rất lúng túng trong giai đoạn hiện nay”, bà Lý Kim Chi nói thêm.
Bà Lý Kim Chi cho biết thời gian qua các doanh nghiệp đang bán huề vốn hoặc lỗ nhưng 3 tháng qua vẫn giữ vững giá để ổn định thị trường. “Hôm nay, có anh chị đi làm từ thiện có gọi cho tôi xin mua 500 thùng mỳ để cứu trợ nhưng cũng không có bởi các doah nghiệp đã đứt gãy chuỗi cung ứng, không thể sản xuất”.
Việc sản xuất một gói mỳ cần hành, tiêu, tỏi, ớt, bột ngọt, bột mỳ dự trữ nhưng những hàng này không vận chuyển về được nên không sản xuất. Chủ tịch FFA cho biết đã trao đổi với thành phố HCM liệu có thể thay hành lá bằng gia vị khác không thì có được lưu hành không. Thành phố đã mời Ủy ban an toàn vệ sinh thực phẩm họp cùng, nhưng họ không chấp thuận.
“Như vậy nếu tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài, đến gói mỳ cũng không thể sản xuất được”, bà Lý Kim Chi cho biết.
Những giải pháp từ thực tế
Đồng tình với doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ ba giải pháp.
Thứ nhất, đề nghị các địa phương nên phát huy các sáng kiến của doanh nghiệp nếu như họ đảm bảo được an toàn về dịch bệnh. Cùng với đó là tăng tính tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp.
Nên có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền. Vì nếu trong doanh nghiệp có F0 mà không có sự hợp tác của chính quyền đôi khi sẽ gây ra sự rối loạn trong doanh nghiệp. Cần có một quy trình để doanh nghiệp có thể xử lý khi gặp trường hợp này, vừa trấn an tâm lý, vừa giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
Thứ hai, về vấn đề lưu thông hàng hóa và nguyên vật liệu hiện nay. Nên thay đổi “hàng hóa thiết yếu” mà thay vào đó là nguyên tắc hàng hóa không liên quan đến dịch bệnh thì được phép lưu thông, như vậy cần đặt mục tiêu lưu thông hàng hóa lên trước với điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Như vậy sẽ không còn khái niệm thiết yếu, bởi trong thời gian qua khái niệm nay còn đang được hiểu bằng cảm quan.
Thứ ba, liên quan tâm lý người lao động và vai trò của chính phủ trong việc bảo đảm người lao động thực sự yên tâm lao động.
Cuối cùng, rủi ro về kinh tế là rất lớn, không thể gọi là tạm đứt gãy chuỗi cung ứng, khi gãy rất khó để khôi phục vì vậy việc sống chung với dịch bệnh là một vấn đề cần tính toán kỹ càng.
Có thể bạn quan tâm