Dự kiến, Đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư khối Pháp ngữ do Tổng thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo dẫn đầu sẽ có chuyến thăm Việt Nam và Campuchia.
Chuyến thăm lần này dự kiến diễn ra trước thềm Diễn đàn kinh tế bên lề Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ XVIII (tại Djerba, Tuy-ni-di, tháng 11/2021), nhằm khảo sát thị trường và thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp các bên. Dự kiến sẽ có khoảng 70 doanh nghiệp và đại diện các cơ quan tổ chức đến từ Tây Âu, Bắc Mỹ, châu Phi và Ấn Độ Dương.
Đoàn dự kiến khảo sát thị trường, tìm kiếm, thúc đẩy các cơ hội kinh doanh-đầu tư và kết nối với hơn 350 doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia hoạt động trong các lĩnh vực: nông nghiệp-công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, hàng hóa và dịch vụ kĩ thuật số.
Bên cạnh đó, chuyến thăm lần này sẽ bao gồm các hoạt động chính như Diễn đàn đối thoại cấp cao với đại diện các bộ ngành sở tại; Gặp gỡ B2B với đại diện các tập đoàn và doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương. Gặp gỡ giữa các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư các nước Pháp ngữ; Thăm doanh nghiệp và các cơ quan tổ chức theo nhu cầu. Đồng thời, tổ chức các hoạt động kết nối với các doanh nghiệp đến từ châu Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, châu Phi, và Ấn Độ Dương.
Tùy theo tình hình biến chuyển của dịch bệnh Covid-19, lịch trình dự kiến của đoàn sẽ bắt đầu từ ngày 11-13/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội từ 14-16/10 và tại Phnom Penh từ 18-20/10. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) sẽ phối hợp cùng Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan chức năng dự kiến tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp nói trên để kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và khối Pháp ngữ.
Quý doanh nghiệp quan tâm tới kết nối giao thương với doanh nghiệp khối Pháp ngữ vui lòng đăng ký thông tin tại đây trước ngày 10/8/2021.
Được biết, Việt Nam và Campuchia nằm trong khu vực thuộc nhóm phát triển kinh tế năng động nhất thế giới, với mô hình tăng trưởng vừa hướng ngoại khi ngoại thương và đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, vừa dựa vào các động lực tăng trưởng nội địa như xuất hiện tầng lớp trung lưu, dân số trẻ và tập trung ở thành thị, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở tăng tỷ trọng công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp kỹ thuật cao, trong nền kinh tế…
Hai quốc gia này ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 hơn các khu vực khác. Đặc biệt, Việt Nam và châu Á-Thái Bình Dương có vai trò vị trí địa chiến lược quan trọng đối với OIF.
Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác với OIF, quyết tâm nỗ lực cùng tổ chức này và các nước thành viên tăng cường hợp tác kinh tế trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn là cầu nối để Pháp ngữ gia tăng vai trò trong khu vực và phát triển là điều kiện cơ bản để có hòa bình và ổn định.
Có thể bạn quan tâm