Đạo đức và văn hóa doanh nghiệp góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia
Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và phát huy. Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp góp phần vào xây dựng thương hiệu quốc gia.
>>>Giá trị đạo đức tốt đẹp là động lực để doanh nghiệp cống hiến cho sự thịnh vượng đất nước
Phát biểu kết luận hội thảo khoa học "Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới" do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện tôn vinh doanh nhân và kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, PGS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: sau 2 phiên làm việc nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả, các nhà khoa học, chuyên gia và các doanh nhân đã chia sẻ, thảo luận nhiều vấn đề lý luận về đạo đức danh nhân, văn hóa kinh doanh; tầm quan trọng và thực trạng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh ở Việt Nam hiện nay.
Văn hoá kinh doanh là một phần của văn hoá dân tộc
Tại hội thảo, theo PGS.TS Lê Văn Lợi, nhiều điểm tích cực được chỉ ra; một số hạn chế, khó khăn được định vị, nhiều nguyên nhân được kiến giải; nhiều giải pháp đã được các chuyên gia, nhà khoa học kiến nghị đối với các vấn đề xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới.
Tổng kết lại một số nội dung chính được thảo luận tại hội thảo, PGS.TS Lê Văn Lợi cho biết, thứ nhất, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích quan điểm, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam; đề cập những điểm căn cốt về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ hai, xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam gắn liền với phát triển bền vững doanh nghiệp và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đề cao vai trò của đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, các tham luận, ý kiến trao đổi cũng khẳng định, đây là những yếu tố giúp doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và tạo nên thương hiệu riêng, sức mạnh vô hình. Đạo đức và văn hoá kinh doanh được xem như yếu tố di truyền văn hóa nhưng không thể là bắt chước, sao chép. Yếu tố này được xây dựng từ nội lực bên trong, mang lại lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Để xây dựng đạo đức doanh nhân và phát triển văn hóa kinh doanh, truyền thống văn hóa dân tộc là cơ sở, là điểm tựa quan trọng. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa trọng đạo đức, nhân nghĩa, đề cao công lý, lẽ phải và gắn với gắn chặt thân thiện môi trường, luôn luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Những truyền thống văn hóa này đã thẩm thấu, lan tỏa trong các hệ doanh nhân Việt Nam và ngày càng được nhận diện rõ hơn để kế thừa, phát huy trong xây dựng các thế hệ doanh nhân Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, hội thảo đề cập đến chữ tín trong sản xuất kinh doanh và vai trò của đạo đức, văn hóa kinh doanh trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Xây dựng chữ tín của doanh nghiệp khó hơn nhiều xây dựng chữ tín của một con người. Xây dựng, gìn giữ lâu dài chữ tín, liêm chính trong sản xuất kinh doanh là một quá trình thay đổi tư duy, nhận thức và hiện thực hóa trong sự đóng góp bền bỉ, kiên trì, nhất quán từ người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp cho tới mỗi nhân viên.
Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp nên được thực hiện ngay từ đầu, trong đó người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp góp phần vào xây dựng thương hiệu quốc gia. Hiện nay, thương hiệu quốc gia của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và phát huy. Việt Nam trở thành thành viên có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng vào việc giữ giữ môi trường hòa bình, ổn định của khu vực ở thế giới.
Cùng với các nội dung trên, các khách mời là đại diện doanh nghiệp Việt Nam đã chia sẻ về những thành công, hạn chế và thách thức trong xây dựng văn hóa kinh doanh, cách thức thực hiện tốt Quy tắc đạo đức doanh nhân do VCCI khởi xướng trong thực tế hoạt động.
Hai nhóm giải pháp quan trọng
Dựa trên những phân tích khó khăn và bất cập, các chuyên gia, học giả và nhà khoa học đã kiến nghị nhiều giải pháp tâm huyết nhằm nâng cao đạo đức doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Về nội dung nâng cao đạo đức doanh nhân bao gồm 4 giải pháp. Một là, phát huy giá trị đạo đức, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu quê hương, đất nước nhằm khơi dậy động lực cống hiến và khát vọng thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nhân, nâng cao trách nhiệm cá nhân, tinh thần tập thể, tinh thần phục vụ khách hàng, phục vụ nhân dân của đội ngũ doanh nhân.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân và doanh nghiệp phát triển. Ba là, phát huy vai trò chủ động, tích cực của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế xã hội, tuyên dương những tấm gương doanh nhân điển hình trong khơi dậy động lực cống hiến và khát vọng thực hiện trách nhiệm xã hội; lên án, phê bình những doanh nhân vi phạm đạo đức kinh doanh.
Bốn là, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách pháp luật đối với doanh nhân, tạo điều kiện cho doanh nhân thực hiện tốt đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của mình.
Về nội dung xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam bao gồm 4 giải pháp.
Một là, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, nhân viên và người lao động về tầm quan trọng, vai trò của văn hóa kinh doanh đối với hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của nền kinh tế
Hai là, tuyển dụng nhân viên phù hợp với văn hóa kinh doanh, phát huy năng lực con người và cụ thể hóa tiêu chí văn hóa kinh doanh vào quá trình đánh giá hoạt động của doanh nghiệp.
Ba là, phát triển môi trường làm việc lành mạnh cởi mở, thân thiện môi trường, có đạo đức sinh thái trong doanh nghiệp và nâng cao văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp.
Bốn là, xây dựng những chuẩn mực chung về văn hóa kinh doanh và triển khai thực hiện Bộ Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam trong các doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Chữ "Tín" trong hoạt động sản xuất kinh doanh
14:49, 11/10/2022
Phát triển kinh tế tuần hoàn cũng là chuẩn mực đạo đức của doanh nhân
13:30, 11/10/2022
Đạo đức và văn hoá kinh doanh là tài sản của doanh nhân
12:27, 11/10/2022
Phát triển bền vững với các trụ cột văn hoá kinh doanh
12:00, 11/10/2022
Đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh gắn với phát triển bền vững
10:58, 11/10/2022
Đạo đức kinh doanh trong cơ chế thị trường
10:56, 11/10/2022
Phát huy truyền thống đạo đức văn hoá kinh doanh trong bối cảnh hội nhập
10:03, 11/10/2022
Xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh
09:37, 11/10/2022
Đạo đức và văn hoá kinh doanh là nguồn lực sức mạnh của doanh nghiệp
09:16, 11/10/2022