Xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: TUẤN NGỌC 11/10/2022 09:37

Với tầm nhìn xa, sớm về vai trò sứ mệnh của của doanh nhân, Người đã luận giải cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới,… là khát vọng về một Việt Nam trở thành cường quốc công nghiệp và thương nghiệp…

>> [TRỰC TIẾP] Hội thảo khoa học "Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới"

Tham luận tại Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”, PGS.TS Bùi Đình Phong - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, về nhận thức, các Nghị quyết của Đảng liên quan tới doanh nghiệp, doanh nhân đều đích thực trở về với những giá trị căn cốt trong di sản Hồ Chí Minh về doanh nhân

Nghị quyết của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011) ra đời gần 70 sau Thư gửi các giới công thương Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khi bàn về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhấn mạnh “phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.

PGS.TS Bùi Đình Phong - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại hội thảo

PGS.TS Bùi Đình Phong - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại hội thảo

Các văn kiện của Đảng khẳng định, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước đối với sự phát triển đất nước nói chung, trong nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các chương trình vì cộng đồng, giải quyết việc làm cho người lao động và an sinh xã hội nói riêng. Nghị quyết ghi nhận, đánh giá cao tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, phẩm chất đạo đức, văn hóa kinh doanh, tinh thần dân tộc, trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân.

“Đảng ta nêu quan điểm chỉ đạo đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng tăng về số lượng và lớn mạnh về chất lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế… tinh thần căn cốt của những Văn kiện, Nghị quyết đã được đề cập ở các mức độ đậm nhạt, nông sâu khác nhau trong di sản Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân”, PGS.TS Bùi Đình Phong chia sẻ.

Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng cần phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm, chỉ dẫn của Hồ Chí Minh vào thực tiễn đất nước và tình hình thế giới. Học tinh thần xử trí mọi việc, học lập trường, quan điểm, phương pháp, những vấn đề có tính nguyên tắc trong di sản Hồ Chí Minh.

Trong di sản Hồ Chí Minh về doanh nhân, những vấn đề về đạo đức và văn hóa chiếm phần lớn và giữ một vị trí hết sức quan trọng. Quan điểm Hồ Chí Minh cho thấy nói đến văn hóa là nói đến ánh sáng soi đường; là đổi mới, sáng tạo và phát minh của con người; là lẽ sinh tồn, mục đích của cuộc sống; động lực phát triển đất nước. Khi văn hóa thấm sâu vào tâm lý con người thì sẽ sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, lãng phí, phù hoa, xa xỉ. Chiều sâu của những quan điểm đó chính là bàn tới vai trò, sứ mệnh cao cả của văn hóa mà người đứng đầu Đảng ta nhắc tới: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Nhiều đại biểu, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, doanh nhân tham gia hội thảo

Nhiều đại biểu, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, doanh nhân tham gia hội thảo

Đạo đức và văn hóa gắn liền với nhau, đạo đức đòi hỏi văn hóa và văn hóa lên đỉnh cao là đạo đức, doanh nghiệp phát triển, xét đến cùng là sự thăng hoa của văn hóa. Muốn vậy, doanh nhân phải có đạo đức với ý nghĩa là gốc, là nguồn, là sức mạnh của con người gánh nặng đường xa, là thước đo “chất người”, “trình độ người”.

“Đạo đức và tài năng phải hòa quyện. Đạo đức quan trọng nhất của doanh nhân là trên cơ sở không ngừng đổi mới, sáng tạo, phải phấn đấu năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả lớn, giữ vững uy tín và phát triển thương hiệu quốc gia, chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước, không làm ăn chụp giật. Doanh nhân Việt Nam yêu nước hôm nay phải biết đau xót, tìm cách xóa nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ các nguyên tắc, luật pháp quốc tế, hợp tác, cùng có lợi. 

Về hành động, học phải đi đôi với làm. Mỗi doanh nghiệp - tùy theo chức năng, nhiệm vụ, điều kiện làm việc và nhân lực - thực hành những triết lý kinh doanh mang bản sắc văn hóa riêng”, PGS.TS Bùi Đình Phong nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Bùi Đình Phong, điều quan trọng là khi xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh, mỗi doanh nhân phải tự tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày như chuyện rửa mặt; họ vừa là người hưởng thụ, vừa là người kiến tạo, mang chở những giá trị văn hóa để nhân lên sức mạnh của doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp từ thực tiễn đã ban hành những cuốn Sổ tay văn hóa mang chở thông điệp, tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp và triết lý kinh doanh. Mỗi một doanh nghiệp đưa ra hệ giá trị cốt lõi như “Tiên phong”, “Đổi mới”, “Tin cậy”, “Hiệu quả”, “Chuyên nghiệp”, “Chuẩn mực”, “Bền vững”, “Nhân văn”, v.v.. Đó là cách làm thực tế, được triển khai, vận hành hằng ngày trong mỗi doanh nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, qua đó chúng ta có thể tìm thấy những giá trị cơ bản đó ở những mức độ khác nhau trong di sản văn hóa Hồ Chí Minh.

“Cần phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ, có chất lượng khoa học rằng chúng ta đang sống, lao động, học tập trong bối cảnh mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Khái niệm về kinh doanh, doanh nghiệp, doanh nhân; về con đường và phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc cũng như các vấn đề khác có nhiều thay đổi. Nhưng trong mọi biến đổi cũng có nhiều điều quan trọng không hề thay đổi. Đó là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc; bổn phận và trách nhiệm công dân; v.v… mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, chiến sĩ cộng sản kiên cường, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất Việt Nam đã cống hiến trọn đời mình cho những lý tưởng đó”, PGS.TS Bùi Đình Phong khẳng định.

Hội nhập quốc tế, mở rộng đầu tư nước ngoài, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là đòi hỏi tất yếu khách quan của doanh nhân trong bối cảnh hiện nay, bởi thế giới vẫn có nhiều thế mạnh về công nghệ và quản trị. Nhưng doanh nhân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam thì phải mang bản sắc Việt Nam, cốt cách Việt Nam. Càng hội nhập toàn diện, sâu rộng càng phải giữ hồn cốt Việt, gốc rễ Việt, những giá trị vĩnh cửu của Việt Nam như ý thức cộng đồng, sống có tình có nghĩa, trọng nghĩa khinh tài, cần cù, sáng tạo, hết lòng vì bạn bè trong khó khăn, hoạn nạn, v.v.. Đó chính là câu chuyện văn hóa - đạo đức theo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh.

Khác với “Cải cách” (Trung Quốc), “Cải tổ” (Liên Xô), hai từ “Đổi mới” là tiếng Việt, tỏ rõ tinh thần sáng tạo, mang bản sắc Việt, là Made in Việt Nam. Đó cũng chính là định hình, định hướng của doanh nhân Việt Nam hôm nay.

Với nhận thức và hành động đó, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ quyết tâm, kiên trì, phấn đấu thực hiện để đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiến tạo và phát triển đất nước vì một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.

Có thể bạn quan tâm

  • [TRỰC TIẾP] Hội thảo khoa học

    [TRỰC TIẾP] Hội thảo khoa học "Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới"

    07:23, 11/10/2022

  • Lan toả đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh

    Lan toả đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh

    14:39, 06/10/2022

  • Vụ rau VietGAP dỏm vào siêu thị: Doanh nghiệp tự phá bỏ đạo đức và văn hoá kinh doanh

    Vụ rau VietGAP dỏm vào siêu thị: Doanh nghiệp tự phá bỏ đạo đức và văn hoá kinh doanh

    05:00, 25/09/2022

  • NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 8) Vun bồi đạo đức và văn hóa kinh doanh

    NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP: (Kỳ 8) Vun bồi đạo đức và văn hóa kinh doanh

    04:00, 27/08/2022

  • Xây dựng văn hóa kinh doanh góp phần xây dựng văn hóa dân tộc

    Xây dựng văn hóa kinh doanh góp phần xây dựng văn hóa dân tộc

    04:36, 15/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO