“Cần quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa quan điểm chỉ đạo của Đảng là đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu, trước hết là trong xây dựng doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp”.
>>[TRỰC TIẾP] Hội thảo khoa học "Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới"
Phát biểu tại Hội thảo Khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh việt Nam trong bối cảnh mới” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, PGS.TS Phạm Duy Đức, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là đầu máy, là động lực tạo nên tốc độ phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, để xây dựng đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, vấn đề xây dựng đạo đức doanh nhân, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh đã và đang được xã hội quan tâm đặc biệt.
Theo vị PGS.TS Phạm Duy Đức, truyền thống văn hóa dân tộc là cơ sở, là điểm tựa để xây dựng đạo đức doanh nhân và phát triển văn hóa kinh doanh, là "bộ gien" di truyền văn hóa mà mất nó thì dân tộc sẽ bị tha hóa, biến dạng. Truyền thống văn hóa được thể hiện sinh động và đa dạng trong các giá trị văn hóa vật thể, giá trị văn hóa phi vật thể, được thể hiện trong hoạt động sống của cá nhân và cộng đồng, trong đó có hoạt động sản xuất vật chất và sáng tạo tinh thần.
Tuy nhiên, bảo vệ truyền thống văn hóa luôn luôn đi liền với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và đấu tranh khắc phục những yếu kém, tiêu cực, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ. Đây cũng chính là vấn đề có tính quy luật trong sự vận động và phát triển của văn hóa Việt Nam.
“Đội ngũ doanh nhân Việt Nam được nuôi dưỡng và thừa kế một gia sản đồ sộ và quý báu là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Truyền thống đã được lan tỏa và thâm sâu vào môi trường giáo dục của gia đình, dòng tộc, làng xã, quê hương, đất nước, trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong môi trường văn hóa chung của đất nước.
Con người vừa là chủ thể sáng tạo ra các giá trị văn hóa, vừa là sản phẩm của môi trường văn hóa. Truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập, tự chủ, khát vọng vươn lên, tinh thần yêu thương gắn kết gia đình - cộng đồng, tinh thần tôn trọng lẽ phải, công bằng, trọng đạo lý, đề cao trách nhiệm xã hội đối với dân, với nước luôn luôn là những giá trị được các thế hệ doanh nhân đất Việt kế thừa và phát huy trong mọi thời điểm khác nhau của lịch sử. "Sự thành đạt của các doanh nhân Việt Nam không chỉ được đánh giá về mức độ phát triển của doanh nghiệp, ở kết quả của thu nhập mà còn đặc biệt thể hiện ở sự đóng góp cho đất nước, cho nhân dân và khẳng định vị thế của họ trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế. Các giá trị đạo đức luôn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các hoạt động của các thế hệ doanh nhân và là điểm tựa vững chắc cho thành công của họ trên thương trường”, PGS. TS. Phạm Duy Đức nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, PGS.TS Phạm Duy Đức cho biết, về những tấm gương sáng đại diện cho thế hệ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam được hình thành cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX trong điều kiện thực dân Pháp xâm lược nước ta, tiến hành du nhập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tiến hành khai thác thuộc địa, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa; buôn bán, kinh doanh để phục vụ cho lợi ích của ''chính quốc"; tiêu biểu cho đội ngũ doanh nhân thành công và có đóng góp tích cực đối với đất nước là Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trương Văn Bền, Trịnh Văn Bô…
Một trong những người đã đóng góp công rất lớn vào sự hình thành và phát triển nghề kinh doanh ở Việt Nam thời kỳ đầu tiên là Lương Văn Can. Giới doanh nhân ngày nay đều khẳng định: Ông là bậc thầy về kinh doanh những năm đầu thế kỷ XX. Suốt cuộc đời mình, ông đã dành cho sự nghiệp Duy Tân về văn hóa và đặc biệt là về kinh doanh thương mại. Ông đã khẳng định kinh doanh, thương mại là những nguồn lực trọng yếu của xã hội, có liên quan đến sự thịnh, suy của đất nước.
Hay như doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874-1932) đã luôn giương cao ngọn cờ dân tộc, khát vọng cải tạo xã hội. Trong cuộc chiến ''thương mại" đầu thế kỷ XX. Ông đã đánh bại các nhà tư bản Pháp, Hoa…, mở đầu cho phong trào "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam". Ông đã dùng đến một thứ vũ khí mà đối thủ của mình không có, đó là tinh thần dân tộc, tinh thần đoàn kết cộng đồng của người Việt.
Đặc biệt, xuất thân từ tầng lớp nghèo, doanh nhân Bạch Thái Bưởi luôn luôn thấu hiểu và chia sẻ khó khăn, giúp đỡ đời sống của thợ thuyền, dành chế độ an sinh cho họ, trợ cấp cho học sinh nghèo có chí du học. Những tôn chỉ nghiêm túc của ông trên thương trường của Bạch Thái Bưởi như thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao tiếp, tiết kiệm, coi trọng hàng nội hóa, đề cao tính đoàn kết dân tộc… được các thế hệ doanh nhân Việt Nam tôn vinh và là tấm gương cho họ trên con đường dựng nghiệp.
Riêng với doanh nhân Trịnh Văn Bô (1914-1988) là một thương nhân Việt Nam giữa thế kỷ XX. Ông là nhà tư sản theo chủ nghĩa dân tộc, từng ủng hộ cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng, gần gấp đôi số tiền trong ngân khố Chính phủ lúc bấy giờ. Hiệu buôn tơ lụa Phúc lợi tại số nhà 48 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là nhà riêng của Ông trước cách mạng Tháng Tám. Đây cũng là nơi Hồ Chí Minh ở dịp cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1945 và cũng là nơi ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ông cũng là người đề cao giá trị dân tộc, lấy lợi ích quốc gia làm đại nghĩa. Triết lý kinh doanh của ông là: Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức. Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả.
Còn với doanh nhân Nguyễn Sơn Hà (1894-1980) là một doanh nhân, nhà kỹ nghệ hàng đầu của Việt Nam thời Pháp thuộc. Ông đã vượt lên bao khó khăn thử thách để trở thành doanh nhân thành đạt với sự tôn vinh của xã hội là Ông Tổ của nghề sơn ở Việt Nam. Là doanh nhân, ông luôn đề cao tinh thần yêu nước, đề cao phẩm giá, đạo đức, danh dự của con người. Ông từng nói: "Ăn no, mặc lành là tốt. Nhưng quan trọng là danh dự con người. Ăn no mà không có danh dự thì con người cũng như con gà, con vịt, chết đi cũng được”.
Như vậy, nhìn lại một số tấm gương tiêu biểu của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX, chúng ta có thể khẳng định đây là những doanh nhân yêu nước và cách mạng, họ đã dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh trên nền tảng kế thừa và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, làm nên sự nghiệp lớn đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, ủng hộ kháng chiến, kiến quốc thành công.
>>Khát vọng dân tộc và đạo đức doanh nhân
Phát huy truyền thống trong bối cảnh hội nhập
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đất nước Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới đã tạo nên thế và lực mới trong quan hệ quốc tế. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới.
PGS.TS. Phạm Duy Đức khẳng định, vai trò của đội ngũ doanh nhân đã được khẳng định thông qua việc Nhà nước chọn ngày 13/10 hàng năm là ngày tôn vinh Doanh nhân Việt Nam (từ năm 2004). Luật Doanh nghiệp (2000) đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi để doanh nhân Việt Nam phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, chung tay đưa nền kinh tế Việt Nam ra khỏi tình trạng nước nghèo, đứng vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình.
Nhận thức chung về vai trò của đạo đức trong xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp ngày được hiểu thấu đáo và toàn diện hơn. Đạo đức của doanh nhân và đạo đức trong văn hóa doanh nghiệp không phải chỉ là trách nhiệm xã hội mà trở thành mục tiêu, động lực để phát triển doanh nhân và doanh nghiệp. Đây chính là nhân tố bên trong, là nguyên nhân, là điều kiện bất biến để để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Trong đó, những nguyên tắc cơ bản của đạo đức doanh nhân, đạo dức kinh doanh là đề cao sự trung thực, tôn trọng con người (người sản xuất, tiêu thụ …), tôn trọng luật pháp trong nước và quốc tế, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, đề cao trách nhiệm xã hội…luôn luôn được nhắc đến và thực hành để xây dựng đội ngũ doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp.
Đồng thời chúng ta cần đặc biệt đề cao truyền thống yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, đề cao tinh thần yêu thương, cố kết cộng đồng, giúp nhau làm giàu chính đáng trong cuộc cạnh tranh quyết liệt trên thương trường quốc tế hiện nay. Cần quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa quan điểm chỉ đạo của Đảng là đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc là hàng đầu, trước hết trong xây dựng doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp.
Cùng với đó, Nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội cần phát hiện và tôn vinh những tấm gương tiêu biểu của doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tăng cường đấu tranh lên án và xử lý nghiêm khắc những hiện tượng làm ăn vi phạm luật pháp và đạo đức xã hội, xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh để phát huy hết năng lực và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Viêt Nam trong bối cản hội nhập quốc tế hiện nay”, vị PGS khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm