KHỞI NGHIỆP QUẢNG NAM: Động lực để kinh tế miền Trung - Tây Nguyên phát triển bền vững
Đó là nhận định của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công tại "Diễn đàn cấp cao phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Nam 2023".
>>TRỰC TIẾP: Diễn đàn cấp cao Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Nam 2023
Phát biểu tại khai mạc Diễn đàn cấp cao: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Nam 2023 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam, Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA) tổ chức ngày 24/08/2023, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công khẳng định: diễn đàn hôm nay thể hiện sự quyết tâm của VCCI, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng các bộ ban, ngành và các tỉnh/thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên cùng nhau lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại các địa phương. Đây là Diễn đàn cấp cao lần thứ 2 về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức trong năm nay, tiếp theo Diễn đàn cấp cao dành cho vùng đồng bằng Sông Hồng (tổ chức tháng 5 vừa qua tại Nam Định).
Theo Chủ tịch VCCI, sau 21 năm bền bỉ với Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia được VCCI khởi xướng từ năm 2002 và duy trì cho đến nay, cùng với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI tự hào đã đi tiên phong trong hành trình thắp lửa khởi nghiệp và đóng góp vào sự lớn mạnh của phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam. Hàng vạn thanh niên đã tham gia vào hàng nghìn dự án khởi nghiệp sáng tạo cũng như hàng nghìn nhà khởi nghiệp đã trưởng thành từ chiếc nôi này.
Đến nay, Việt Nam đang xếp ở vị trí 48/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (theo Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO), chỉ đứng sau Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43) trong các nước Đông Nam Á. Theo Báo cáo thường niên của DO Ventures và Cento Ventures, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế top đầu ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.
"VCCI cũng đi đầu trong nỗ lực cùng với chính quyền các địa phương cải thiện môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn gặp khó khăn, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng phải đối mặt với những khó khăn chung của thị trường và do vậy việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh ở các tỉnh/thành phố là hết sức cần thiết. Môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp cũng như sự vào cuộc tích cực, sâu sát của lãnh đạo các tỉnh/thành trong công tác chỉ đạo sẽ giúp doanh nghiệp địa phương yên tâm vượt qua khó khăn", Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công thông tin.
Theo ông Phạm Tấn Công, khu vực miền Trung - Tây Nguyên là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, kinh tế biển xanh, năng lượng tái tạo, du lịch và nông - lâm nghiệp bền vững. Từ đó, việc thúc đẩy khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực tiềm năng và lợi thế kể trên sẽ là một động lực để kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên phát triển bền vững.
"Trong 3 năm qua, kể từ khi VCCI phối hợp cùng Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức bình chọn Danh hiệu Địa phương tiêu biểu trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, một số tỉnh miền Trung đã có vinh dự được nhận danh hiệu này như Quảng Nam (năm 2020), Thừa Thiên - Huế (năm 2021), Nghệ An (năm 2022). Cộng đồng khởi nghiệp miền Trung đã có cơ hội tham gia sâu hơn ở chuỗi các hoạt động của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia – do VCCI chỉ đạo triển khai như đào tạo dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đào tạo cố vấn, đào tạo giảng viên nguồn khởi nghiệp, các diễn đàn khởi nghiệp quốc gia và quốc tế, chương trình phát triển dự án (tiền thân là cuộc thi khởi nghiệp trước đây)...", Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Riêng với tỉnh Quảng Nam, VCCI ghi nhận đây là tỉnh có nhiều sáng tạo trong công tác hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, nỗ lực xây dựng các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương, mở rộng liên kết hợp tác ngoài tỉnh đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Đặc biệt, các doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh đã có cơ hội được tham gia ở chuỗi các hoạt động hàng năm của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia như hỗ trợ huấn luyện theo mô hình 1 -1 - 1 (1 huấn luyện viên – 1 cố vấn – 01 nhóm dự án) với thời gian 2 – 4 tháng cho 04 doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh Quảng Nam đã đạt giải Nhì, và lọt Top 10 của Chương trình Phát triển Dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2021 và 2022. Sự hỗ trợ của chương trình huấn luyện đã giúp doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh Quảng Nam gọi được vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm.
"Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Tôi tin tưởng rằng với chủ trương đúng đắn cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, với trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam, phong trào khởi nghiệp sẽ tiếp tục lan toả và Việt nam sẽ có những bước tiến mới trên bản đồ thế giới về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. VCCI cam kết sẽ tiếp tục sát cánh cùng các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên trong việc hỗ trợ hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, góp phần gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Là thành viên của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu - GEN, VCCI sẽ hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tham gia tích cực các hoạt động khởi nghiệp trong khu vực ASEAN và quốc tế", Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định.
Nhân sự kiện hôm nay, lãnh đạo VCCI cũng kỳ vọng các địa phương, các đơn vị liên quan cũng các chủ thể khởi nghiệp cùng liên kết hợp tác để hỗ trợ, dẫn dắt các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp, các startup vượt qua những khó khăn hiện tại và phát triển.
Dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức phối hợp với Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam, Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA) tổ chức Diễn đàn cấp cao: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các nội dung triển khai của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia 2023 và Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam lần thứ Tư - TechFest Quang Nam 2023 nhằm thực hiện các mục tiêu Đề án khởi nghiệp của Chính phủ. Sự kiện thu hút sự tham dự của Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ, Ngành, lãnh đạo cấp sở ban ngành của miền Trung –Tây Nguyên, khách quốc tế, các doanh nhân, các trường đại học – cao đẳng, các tổ chức thúc đẩy - hỗ trợ khởi nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh/thành, quỹ khởi nghiệp, cơ quan báo chí – truyền hình và sự tham dự của các startup, thanh niên. Đây là diễn đàn thứ 2 được tổ chức có chủ đề liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cho địa phương, tiếp nối diễn đàn đầu tiên được tổ chức dành riêng cho vùng đồng bằng sông Hồng, tháng 5/2023 tại Nam Định. |
Có thể bạn quan tâm
Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ cộng đồng Khởi nghiệp
11:16, 24/08/2023
Sắp khai mạc Diễn đàn cấp cao: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quảng Nam 2023
09:30, 24/08/2023
Hệ sinh thái khởi nghiệp miền Trung - Tây Nguyên: Liên kết để hỗ trợ
08:51, 23/08/2023
Nghệ An giao 100% cán bộ đoàn chuyên trách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
03:56, 22/08/2023