“Tuần trăng mật" qua nhanh, người tiêu dùng không còn hào hứng với xe điện nữa
Thị trường xe điện đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại. “Tuần trăng mật" đã qua nhanh, khi người tiêu dùng nhận ra những nhược điểm cố hữu của xe điện
>>Cuộc cách mạng xe điện đang đứng trước khủng hoảng
“Tuần trăng mật” qua nhanh
Theo nghiên cứu mới của tổ chức S&P Global, yếu tố lớn nhất khiến người tiêu dùng trên toàn thế giới, không lựa chọn xe điện, chính là giá bán cao. Ngay cả ở những nước có giá rẻ hơn như Trung Quốc, người tiêu dùng cũng khó tiếp cận với xe điện.
Tại thời điểm này, có lẽ bất cứ người nào có ý định mua xe điện đều biết rằng chúng có giá khó tiếp cận hơn đáng kể so với xe chạy động cơ, nhất là xe có tầm vận hành 500 km mỗi lần sạc trở lên.
Theo các hãng xe, dù đã giảm nhiều, nhưng hiện tại chi phí trung bình với pin vẫn ở mức 150 USD/kWh. Với chi phí này, một pin xe điện trung bình có dung lượng 60 kWh đã ngốn 9.000 USD. Kết hợp với chi phí để sản xuất một chiếc ô tô cùng các chi phí khác, giá xe điện trung bình rơi vào khoảng 41.500 USD/chiếc, đó là chưa tính lãi cho nhà sản xuất. Đây vẫn là con số quá cao với nhiều người dùng. Trong khi đó, mua một chiếc xe xăng thường có giá khởi điểm khoảng 20.000 USD.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, để có một mẫu xe điện ở tầm giá chấp nhận được, chi phí sản xuất pin phải giảm xuống còn khoảng 80 USD/kWh. Tuy vậy, công nghệ chế tạo pin đang trong giai đoạn chậm lại vì đã chạm tới giới hạn. Hiện tại, có thể giảm giá xe điện bằng cách giảm dung lượng pin. Với pin 24 kWh cho phép các hãng hạ giá xe xuống 20.000 USD mà không lỗ. Tuy nhiên, tầm vận hành xe khi đó rất kém, lại khiến người tiêu dùng dè chừng.
Xe điện dùng pin nhỏ không phải là vấn đề quá lớn, nếu thời gian sạc nhanh và có hệ thống trạm sạc dày đặc, phủ kín khắp mọi nơi. Tuy nhiên, đến nay chưa quốc gia nào có cơ sở hạ tầng đạt được mức này, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ.
Trong số những người tham gia khảo sát của S&P Global, 46% cho biết họ lo lắng về thời gian sạc pin, và 44% lo lắng về độ phủ của trạm sạc. Mặc dù phần lớn người tiêu dùng tham gia khảo sát, sẵn sàng đợi 30-60 phút cho xe sạc pin, nhưng thực trạng cơ sở hạ tầng sạc còn yếu và thiếu, là điều gây e ngại.
Không những thế, sau khoảng 5 năm sử dụng, ô tô điện có tỷ lệ mất giá nhanh hơn so với các dòng ô tô dùng động cơ đốt trong. Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu của iSeeCars, công ty chuyên nghiên cứu, khảo sát thị trường ô tô đã qua sử dụng, có trụ sở tại Mỹ cho thấy, sau 5 năm sở hữu, xe điện trung bình mất giá tới 49,1%. Điều này bổ sung thêm vào danh sách dài, những nhược điểm của xe điện trong hiện tại.
Theo nghiên cứu của iSeeCars, Tesla Model S là mẫu xe điện mất giá nhiều nhất, tới 55,5% giá trị sau 5 năm. Trong khi đó, Tesla Model 3, có mức giảm giá thấp nhất trong số các xe điện với mức 42,9%.
Xe điện trở nên ít được ưa chuộng hơn sau 5 năm sử dụng. Rất ít người hiện nay tìm mua xe điện đã qua sử dụng sau 5 năm. Xe điện sẽ còn mất giá nhanh hơn trong những năm tới, khi công nghệ ngày càng phát triển, khiến sản phẩm lạc hậu nhanh.
Thực tế khó khăn
>>Tồn kho xe điện ngày càng chồng chất
Giờ đây những lăn tăn về giá bán, về sạc pin và mất giá nhanh, đã kéo tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng mua xe điện giảm mạnh. Đã qua thời "trăng mật", thị trường xe điện đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại, khi người tiêu dùng có những đòi hỏi cao hơn. Hầu hết các nhà sản xuất xe điện trên thế giới đều đang thua lỗ.
Andy Palmer, cựu CEO của hãng Nissan cho biết, vào năm 2010 khi mẫu xe điện Nissan Leaf bán ra, có chi phí sản xuất pin lên tới 1.000 USD/kWh. Giá bán xe lúc đó còn không đủ để bù tiền mua chất liệu chế tạo, chưa nói tới công sản xuất. Nay chi phí pin giảm còn 150 USD/kWh, là nỗ lực lớn. Tuy nhiên, chỉ khi nào đưa chi phí về mức 80 USD/kWh, thì xe điện mới có triển vọng.
Một giải pháp được người Trung Quốc áp dụng khá thành công là thay pin lithium-ion bằng pin lithium sắt phốt phát (LFP). Chất liệu này giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất pin. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời, nó mới giải quyết được vấn đề giảm chi phí một phần. Pin rẻ thì tuổi thọ cũng thấp và xe điện đã qua sử dụng lại càng mất giá nhanh.
Một trong số công nghệ đang được các hãng xe phát triển đó là pin thể rắn. Loại pin này được cho sẽ cải thiện đáng kể phạm vi hoạt động và thời gian sạc của xe điện. Nó cũng có độ bền bỉ cao, giúp xe điện hoạt động dài lâu và không bị mất giá nhanh. Nhưng pin này ban đầu có chi phí rất cao, để hạ giá thành sẽ mất thời gian dài.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, doanh số bán xe điện toàn cầu, phải đạt 47 triệu chiếc/năm vào năm 2030, mới đảm bảo lượng khí thải giao thông phù hợp với "kịch bản phát triển bền vững". Điều này sẽ giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức thấp hơn 2 độ C. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, đạt được doanh số bán 28 triệu xe điện vào năm 2030 đã là một kịch bản khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
Lúng túng phát triển trạm sạc, xe điện gặp khó
04:50, 13/11/2023
Xe điện không phải con đường duy nhất tiến tới giao thông xanh
04:40, 07/11/2023
Ô tô điện mất giá quá nhanh, khách hàng sợ "rỗng" túi
04:25, 25/10/2023
Ô tô điện sạc 10 phút đủ chạy hơn 1.000km, không lo cháy nổ, sắp ra đường
04:39, 22/09/2023
Ô tô điện Trung Quốc và nỗi lo máy do thám 4 bánh
11:00, 07/08/2023