“Địa phương hóa” Luật Trọng tài Thương mại và Hoà giải

Lê Mỹ 29/11/2018 11:37

Không chỉ là Luật và Nghị định, hoạt động Trọng tài Thương mại và Hòa giải ngày càng sâu sát vào đời sống thực tế của cộng đồng doanh nghiệp, được “địa phương hóa” đến các địa bàn.

Tại TP HCM, hoạt động Trọng tài Thương mại và Hòa giải được các cơ quan quản lý Nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ.

p/Hội trọng tài thương mại TP HCM được thành lập đầu năm 2018.

Hội trọng tài thương mại TP HCM được thành lập đầu năm 2018.

Sớm ra mắt và nhanh chóng đi vào hoạt động

Đầu năm 2018, TP HCM đã chính thức ra mắt Hội Trọng tài Thương mại TP HCM. Hội ban đầu có 12 trọng tài viên, Chủ tịch hội trọng tài là ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC)-Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM. Các Phó chủ tịch hội là trọng tài viên Lê Hoài Trung (VLCAC)-nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM; ông Nguyễn Ngọc Điện, thành viên sáng lập Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Thái Bình Dương (PIAC) –Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), Vũ Xuân Phong- Giám đốc chi nhánh Trung tâm trọng tài quốc tế Việt nam tại TP…

Tại cuối 2017, Sở Tư Pháp TP HCM thống kê qua thời gian triển khai Luật Trọng tài thương mại, địa bàn kinh tế TP HCM -khu vực có kinh tế năng động dẫn đầu cả nước và cũng có nhiều hoạt động thương mại diễn ra, đã có sự thích ứng, đón nhận tích cực từ phía các tổ chức tham gia và doanh nghiệp. Theo đó, TP HCM hiện nay có 496 trọng tài viên tham gia hoạt động tại 15 Trung tâm trọng tài thương mại và 02 Chi nhánh Trung tâm trọng tài thương mại.

Theo Sở Tư pháp TP HCM, các tổ chức trọng tài đã có trụ sở hoạt động ổn định, trang thiết bị, máy móc đảm bảo cho hoạt động thường xuyên; các trọng tài viên của các Tổ chức trọng tài thương mại đều có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ trong lĩnh vực hoạt động trọng tài, một số trọng tài viên là những cán bộ, công chức đã có nhiều năm công tác trong các lĩnh vực pháp luật, quản lý hành chính; nhiều trọng tài viên là giảng viên pháp luật tại các trường đại học, luật sư...

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao doanh nghiệp FDI

    Vì sao doanh nghiệp FDI "thích" trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp?

    04:59, 08/06/2018

  • Vì sao chọn trọng tài thương mại?

    Vì sao chọn trọng tài thương mại?

    17:17, 12/05/2018

  • Trọng tài Thương mại - Tăng thêm “tự tin” cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài

    Trọng tài Thương mại - Tăng thêm “tự tin” cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài

    09:15, 11/05/2018

Mở rộng các lĩnh vực, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp

Hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ngày càng được nâng cao, trung bình một năm các trung tâm trọng tài tiếp nhận 539 vụ việc. Sau gần 1 năm từ cuối 2017 đến 2018, số lượng các trọng tài viên chắc chắn đã được tăng lên. Nhiều Luật gia chia sẻ với báo giới, họ quan tâm và mong muốn cùng tham gia vào các Trung tâm, các Hội hoạt động trọng tài thương mại.

Trong đó, Trung tâm trọng tài Quốc tế VN là một trong những “địa chỉ” mà các Luật gia đang đặc biệt muốn tìm đến.

Mặc dù vậy, cũng theo Sở Tư pháp TP HCM, tại cuối năm 2017, sau 8 năm thực hiện Luật Trọng tài thương mại năm 2010 còn một số tồn tại, bất cập như chưa có quy định pháp luật về sự hỗ trợ, phối hợp giữa hoạt động trọng tài thương mại và các hoạt động tư pháp khác (luật sư, công chứng, thừa phát lại, tư pháp phường, xã …); việc thi hành phán quyết trọng tài thương mại chưa được thuận lợi như thi hành án dân sự (án dân sự có thể do Chi cục thi hành án dân sự quận huyện, thừa phát lại, Tư pháp phường xã giải quyết nhưng Phán quyết trọng tài bắt buộc phải được thi hành bởi Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh),….

Một Luật sư, trọng tài viên cho biết để giải quyết “nút thắt” thực thi phán quyết của Trọng tài và Hòa giải thương mại, đã được công nhận, được Luật hóa, vẫn cần có cả sự nỗ lực của các bên, đặc biệt sự chủ động của các doanh nghiệp -một phần chủ thể giải quyết tranh chấp thương mại, vì lợi ích của chính doanh nghiệp.

Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng nghĩa với việc doanh nghiệp trong nước “bước chân” vào sân chơi toàn cầu đầy cơ hội cũng như sự cạnh tranh khốc liệt.

Bên cạnh sự tự tìm hiểu, sẽ mất nhiều thời gian và khó chuyên sâu của các doanh nghiệp đối với các quy định và hội nhập quốc tế để dự phòng các tranh chấp thương mại trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp luôn có các trọng tài và hòa giải viên “đứng phía sau”, sẵn sàng hỗ trợ khai thác cơ hội sẵn có từ các FTA cũng như sử dụng hiệu quả tính ưu việt của trọng tài khi xảy ra tranh chấp thương mại.

Lê Mỹ