40% doanh nghiệp FDI lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay cho tòa án.
Theo đó, lý do được các chuyên gia lý giải, việc doanh nghiệp FDI không lựa chọn toà án có thể do năng lực cán bộ toà án chưa đáp ứng yêu cầu khi giải quyết tranh chấp phức tạp hoặc phán quyết của toà chưa công bằng. Điều này được thể hiện ở việc những tranh chấp lâu, kéo dài hoặc phát sinh chi phí cho doanh nghiệp vẫn đang tồn tại trong thời gian qua. Mặc dù vậy, 40% doanh nghiệp FDI đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho toà án.
Ngoài ra, Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 cũng cho thấy, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có xu hướng không muốn sử dụng thủ tục tố tụng tại tòa án để giải quyết tranh chấp.
Được biết phần lớn tranh chấp nội địa được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế bên cạnh VCCI đều liên quan đến doanh nghiệp FDI. Cụ thể, 24% số vụ tranh chấp được giải quyết có sự tham gia của ít nhất một bên tranh chấp là doanh nghiệp FDI. Trong đó, 32% số vụ tranh chấp thuộc lĩnh vực mua bán hàng hoá, 24% thuộc lĩnh vực xây dựng và 20% thuộc lĩnh vực cho thuê tài chính.
Một trong những ưu điểm hàng đầu của trọng tài thương mại là xây dựng được quy trình giải quyết tranh chấp đáp ứng tối đa quyền tự do thỏa thuận của các bên. Vì vậy để duy trì vị thế, “thỏi nam châm” thu hút đầu tư FDI của khu vực, Tổng thư ký VIAC Vũ Ánh Dương kiến nghị Chính phủ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, bảo đảm tính sẵn có và hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp cũng như bảo đảm quyền được tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp và hiệu lực thi hành của các bản án và phán quyết trọng tài.