Vì sao chọn trọng tài thương mại?

Luật sư Châu Huy Quang - TRỌNG TÀI VIÊN VIAC 12/05/2018 17:17

Các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân còn khá dè dặt với cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại (TTTM) thì FDI lại coi TTTM là phương thức ưu tiên.

Theo thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH%ĐT), cả nước hiện nay có khoảng 25.500 dự án FDI, tổng số vốn đăng ký đạt trên 300 tỷ đô la Mỹ, và mức vốn thực hiện đạt khoảng 50%.

p/Một khóa học về trọng tài thương mại do VIAC tổ chức.

Một khóa học về trọng tài thương mại do VIAC tổ chức.

Không hành chính hóa khi giải quyết tranh chấp

Đầu tư FDI tăng trưởng cao cũng đặt ra những vấn đề pháp lý phát sinh, một trong những quan tâm của nhà đầu tư là tìm kiếm một cơ chế phù hợp để giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư phát sinh. Mô hình trọng tài thương mại (TTTM) được coi là cơ chế giải quyết tranh chấp hữu hiệu hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI, với những ưu điểm nhất định so với cơ chế giải quyết tranh chấp tại tòa án. Khu vực doanh nghiệp FDI đã lựa chọn TTTM vì cơ chế này đã bổ sung khắc phục một số hạn chế cố hữu của hệ thống tòa án.

Chủ thể tranh chấp là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Lĩnh vực phát sinh tranh chấp thường liên quan tới hoạt động thương mại, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp thay vì các vấn đề dân sự, hành chính hay hình sự. Theo đó, các yêu cầu về giữ gìn uy tín, bảo mật thông tin kinh doanh, thời gian giải quyết nhanh chóng, thủ tục đơn giản và hiệu quả thi hành cao thường là ưu tiên của nhà đầu tư.

Cụ thể, so với hệ thống xét xử tư pháp tòa án truyền thống, trọng tài thương mại có một số điểm nỗi bật như:
Thứ nhất, tạo cho các bên cơ hội lựa chọn một diễn đàn “tài phán trung lập” để giải quyết tranh chấp cho mình. Theo đó, cơ chế này không bị tác động bởi các cơ chế hành chính, yếu tố văn hóa, chính trị, xã hội hay tập quán địa phương như khuôn khổ của một vụ tranh chấp tại tòa quốc gia. Phương thức giải quyết tranh chấp tại TTTM thường linh hoạt, phụ thuộc vào sự thỏa thuận. nên giảm tính thiên vị giữa các đương đơn.

Thứ hai, các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên có năng lực, phù hợp với vụ việc của mình. Ngày nay, đội ngũ trọng tài viên thường được chỉ định từ các chuyên gia uy tín đầu ngành trong và nước ngoài, có chuyên môn phù hợp vấn đề tranh chấp. Nên việc lựa chọn chuyên gia đủ công tâm, năng lực là điều các nhà đầu tư có thể kiểm soát được, thay vì bị động hơn nếu tham gia thủ tục tố tụng tại hệ thống tòa án. Thực tiễn cho thấy, chọn được một trung tâm trọng tài uy tín, và lập được một hội đồng trọng tài tốt thì đã góp phần lớn vào việc kỳ vọng có một kết quả giải quyết chung thẩm tốt.

Ưu thế thời gian và bí mật

Thứ ba, đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, thời gian là yếu tố tiên quyết trong kinh doanh. Quy trình giải quyết tại trọng tài có thủ tục nhanh, gọn hơn so với tòa án. Quyết định trọng tài có tính chung thẩm, không có thủ tục kháng cáo, kháng nghị như thủ tục tố tụng tại tòa án. Theo thống kê của VIAC, thời gian trung bình giải quyết một vụ tranh chấp là 153 ngày, có những vụ được giải quyết chỉ trong 25 – 30 ngày, nhanh hơn rất nhiều so với thời gian giải quyết tranh chấp lên tới 2 năm hoặc kéo dài hơn trong thực trạng án quá tải ở các hệ thống tòa án hiện nay.

Thứ tư, giải quyết tranh chấp tại trọng tài giúp các bên giữ được bí mật kinh doanh cũng như uy tín trên thương trường. Nguyên tắc xét xử kín bởi trọng tài giúp bảo đảm tối đa việc giữ uy tín, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, nguyên tắc chung của xét xử tại tòa án là công khai. Đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp FDI, cơ chế xét xử kín được coi là có lợi và hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp, trong khi đó, việc xét xử công khai tạo ra nhiều rủi ro hơn về bảo mật thông tin và uy tín trên thị trường.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, việc lựa chọn pháp luật nước ngoài là luật nội dung điều chỉnh giao dịch của doanh nghiệp FDI là phổ biến. Theo đó, cơ chế trọng tài cho phép các bên thỏa thuận lựa chọn trọng tài viên, chuyên gia (nhân chứng) am tường về pháp luật liên quan, để giải quyết tranh chấp. Do có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ tố tụng bằng một tiếng nước ngoài, do các bên lựa chọn, thay vì chỉ một ngôn ngữ mẹ đẻ, cũng là ưu điểm trong tố tụng trọng tài thương mại, giúp việc giải quyết tranh chấp hiệu quả, công bằng hơn.

Hiện nay, với gần 20 trung tâm trọng tài thương mại được cấp phép hoạt động ở Việt Nam, trong đó, nếu tính riêng VIAC, các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài chiếm khoảng 30% trong tổng số các vụ tranh chấp được giải quyết. Số vụ giải quyết tranh chấp do VIAC thu lý cũng tăng đều qua các năm, với khoảng 155 vụ được giải quyết trong năm 2016. Từ thực tế trên, có thể thấy rằng thiết chế trọng tài thương mại sẽ phát triển nhanh ở Việt Nam, và sớm là một công cụ hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao chọn trọng tài thương mại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO