Trọng tài Thương mại - Tăng thêm “tự tin” cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài

Diendandoanhnghiep.vn Sáng (11/5), Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức Hội thảo Trọng tài Thương mại - Tăng thêm “tự tin” cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hội thảo có sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước đến từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Toà Trọng tài Phòng Thương mại Quốc tế (ICC).

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo

Việt Nam hiện nay được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong khu vực và thế giới. Một trong những động lực lớn đóng góp vào sự tăng trưởng đó là hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể là nhóm doanh nghiệp FDI. FDI là một bộ phận cấu thành quan trọng và là động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy vậy, các dòng vốn đầu tư nước ngoài, các dòng chảy thương mại xuyên biên giới luôn rất “nhạy cảm” và luôn chuyển dịch phụ thuộc vào các yếu tố tại điểm đến đầu tư. Nhận thức rất rõ điều này, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp đã và đang có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài như thành công của Chính phủ Việt Nam.

Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, đầu tư và kinh doanh. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, tiếp tục minh bạch hóa hệ thống pháp luật, đảm bảo tính sẵn có và hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp, đảm bảo quyền được tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, đảm bảo hiệu lực thi hành của các bản án và phán quyết trọng tài.

Tỷ lệ tranh chấp nội địa có xu hướng gia tăng

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch Thường trực Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định, theo thống kê, các tranh chấp nội địa được giải quyết tại VIAC phần lớn luôn có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là doanh nghiệp FDI và trong 3 năm trở lại đây tỷ lệ tranh chấp nội địa luôn có xu hướng gia tăng. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã nhận thấy các ưu điểm nổi trội của phương thức trọng tài, tin tưởng lựa chọn trọng tài và VIAC để giải quyết tranh chấp. Về phía mình, VIAC đã nỗ lực để  trở thành địa chỉ giải quyết tranh chấp đáng tin cậy, giúp các doanh nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, an tâm bỏ vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

 ông Nguyễn Ánh Dương, Phó chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định: các tranh chấp nội địa được giải quyết tại VIAC phần lớn luôn có sự tham gia của ít nhất một bên là doanh nghiệp FDI 

Hội thảo được tổ chức với hy vọng rằng sẽ tạo ra một cơ hội để các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đang làm ăn kinh doanh với nhóm doanh nghiệp FDI, các luật sư đang làm việc với khách hàng là các doanh nghiệp FDI cũng như các chuyên gia có thể trao đổi về phương thức trọng tài thương mại: những ưu điểm, nhược điểm, những vấn đề cụ thể và thực tiễn, những rủi ro và bài học kinh nghiệm khi sử dụng phương thức trọng tài. Qua đó, hy vọng sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp đưa ra lựa chọn phù hợp về phương thức giải quyết tranh chấp cũng như sử dụng hiệu quả hơn các công cụ này để bảo toàn các dòng vốn đầu tư khỏi các rủi ro pháp lý luôn có thể gặp phải trong hoạt động làm ăn kinh doanh.

Tại hội thảo, ông Kevin Kim - Phó Chủ tịch Tòa trọng tài ICC khẳng định, Việt Nam là quốc gia năng động và có môi trường đầu tư an toàn, điều này đảm bảo là có hoạt động đầu tư thành công.

Ông Kevin Kim, Phó Chủ tịch Tòa trọng tài ICC.

Ông Kevin Kim - Phó Chủ tịch Tòa trọng tài ICC khẳng định: ICC mong muốn thúc đẩy hòa giải trọng tài trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam

ICC mong muốn thúc đẩy hòa giải trọng tài trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Xác định Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nên trong 5 năm qua các trọng tài của ICC đã đến với Việt Nam. Đồng thời, ICC sẽ tiếp đến và thúc đẩy và hỗ trợ VIAC hơn nữa trong việc thúc đẩy hòa giải trọng”, ông Kevin Kim nói.

Trọng tài thương mại được lựa chọn giải quyết tranh chấp thay tòa án

Ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng Thư ký VIAC cho biết, 40% các doanh nghiệp FDI đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án.

Các số liệu trích từ PCI 2017 phân tích về xu hướng sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp của nhóm doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho thấy, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp FDI không muốn sử dụng thủ tục tố tụng tại tóa án để giải quyết tranh chấp như khả năng như năng lực cán bộ tòa chưa đáp ứng được yêu cầu khi giải quyết tranh chấp phức tạp, các phán quyết của tòa chưa công bằng, thời gian giải quyết tranh chấp lâu, kéo dài phát sinh chi phí cho doanh nghiệp… Do đó, 40% các doanh nghiệp FDI đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án.

Ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng Thư ký VIAC: khoảng 24% số vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là doanh nghiệp FDI

Ông Đạt cập nhật các số liệu thống kê sự tham gia của các doanh nghiệp FDI trong các vụ việc trọng tài tại VIAC, khoảng 24% số vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là doanh nghiệp FDI. Trong số các tranh chấp này 32% thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa, 24% thuộc lĩnh vực xây dựng, 20% thuộc lĩnh vực Leasing.

Tại VIAC, với các tranh chấp có sự tham gia của ít nhất một bên là doanh nghiệp FDI các bên phải sử dụng luật Việt Nam theo đúng quy định tại Luật trọng tài thương mại 2010 nhưng các bên được quyền cùng nhau thỏa thuận sử dụng ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài là ngoại ngữ khác với tiếng Việt. Theo thống kê, tỷ lệ các vụ trọng tài tiến hành bằng ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh) tại VIAC luôn ở mức trên 50%.

Ông Đạt cũng cập nhật thông tin về một số hoạt động của VIAC trong năm 2017 vừa qua, trong đó nổi bật là việc ra mắt phiên bản 2017 của bộ quy tắc tố tụng trọng tài với 3 điểm mới chính: việc gộp vụ tranh chấp hoặc yêu cầu khởi kiện và thủ tục rút gọn.

“Phiên bản quy tắc tố tụng 2017 đã được tích hợp đầy đủ những vận động và thay đổi trong thực tiễn tố tụng trọng tài. Đồng thời, bổ sung thêm các quy định mới nhằm mục tiêu hoàn thiện hơn nữa thủ tục tố tụng trọng tài tại VIAC và tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp để đảm bảo tính hiệu quả của thủ tục trọng tài" - ông Đạt khẳng định.

Tại hội thảo, ông Đạt cũng thông tin thêm về những tổ chức trọng tài có ký kết thỏa thuận hợp tác với VIAC như Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC); Hiệp hội trọng tài Thương mại Nhật Bản (JCSA); Uỷ ban trọng tài Thương mại Hàn Quốc. 

Cần một thủ tục trọng tài minh bạch

Chia sẻ những thách thức hiện tại đối với hoạt động trọng tài quốc tế, ông Fan Mingchao - Giám đốc khu vực Bắc Á về trọng tài và ADR, ICC có hai thách thức lớn. Một là về hiệu quả. "Đây thực sự là một thử thách với chúng tôi khi các vụ tranh chấp ngày một lớn hớn, phức tạp hơn dẫn tới thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài hơn khiến tính hiệu quả bị giảm xuống. Tuy nhiên, tôi cũng rất mừng rằng cả ICC và VIAC rất nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng nhiều biện pháp trong đó có việc bổ sung thủ tục rút gọn vào phiên bản quy tắc mới nhất" - ông Fan Mingchao nói.

Ông Fan Mingchao

Ông Fan Mingchao cho rằng có hai thách thức mà định chế trọng tài cần vượt qua

Hai là về vấn đề bảo mật và minh bạch của thủ tục trọng tài. "Như đã biết bảo mật là đặc điểm cốt lõi của trọng tài quốc tế nhưng yêu cầu về sự minh bạch cũng ngày cũng ngày càng được đặt cao hơn để giải quyết vấn đề này chúng tôi đã phê duyệt và tham gia vào bộ nguyên tắc minh bạch của Liên hợp quốc" - ông Fan Mingchao thông tin thêm.

Một thách thức nữa theo ông Fan Mingchao  là vấn đề xung đột lợi ích. "Trọng tài là một cộng đồng tương đối nhỏ hẹp trên thế giới và việc kiểm soát các mối liên hệ các mối trọng tài viên với các bên tranh chấp và với các luật sư luôn gặp nhiều khó khăn. Với những trung tâm trọng tài có danh sách trọng tài viên thì vấn đề này lại càng khó khăn hơn, và rất may mắn rằng chúng tôi không sử dụng danh sách trọng tài tại tòa ICC". - ông Fan Mingchao nói.

Ông Fan cũng trình bày tới hội thảo quy trình rà soát phán quyết đang được áp dụng tài tòa trọng tài ICC như một phương pháp hữu hiệu để kiểm soát chất lượng phán quyết trọng tài. Theo ông Fan, tòa ICC sẽ rà soát các vấn đề sau của các phán quyết trọng tài: Các con số tính toán, tiền lãi, phân bổ chi phí, tính có thể thi hành của phán quyết, các quyết định của hội đồng trọng tài và quá trình tố tụng trọng tài.

Tòa ICC thậm chí đã áp dụng các mức phạt khấu trừ vào thù lao hội đồng trọng tài đối với các hội đồng trọng tài vi phạm thời hạn viết phán quyết trọng tài và khoản tiền này sẽ được chuyển lại cho các bên.

Trọng tài thương mại - Yếu tố nổi bật đảm bảo thu hút đầu tư nước ngoài

Tại hội thảo, các luật sư và các chuyên gia đã cùng thảo luận đưa ra cái nhìn tổng quan về trọng tài thương mại (trọng tài thương mại quốc tế) như là một cơ chế giải quyết tranh chấp "nhất định phải có" trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở một quốc gia đang phát triển và hội nhập sâu rộng như Việt Nam. Cùng với đó, là tổng quan ngắn gọn về khung pháp luật quốc gia/pháp luật quốc tế về trọng tài thương mại hiện nay.

Cụ thể, theo ông Phạm Mạnh Dũng - Trọng tài viên VIAC, Luật sư thành viên Cty Luật TNHH Rajah &Tann LCT Lawyers, tính đến tháng 12/2017, Việt Nam có 24.700 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 318,72 tỷ USD, vốn FDI chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. 

 

Ông Phạm Mạnh Dũng - Trọng tài viên VIAC, Luật sư thành viên Cty Luật TNHH Rajah &Tann LCT Lawyers phát biểu tại phiên thảo luận.

Nhận định về sự đóng góp của khu vực FDI trong thúc đẩy hội nhập, ông Dũng cho rằng FDI đã góp phần tác động lớn làm cho hội nhập có chiều sâu. “Đây cũng là nhân tố quan trọng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo cơ chế thị trường và dần phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Dũng nhấn mạnh. Tranh chấp trong hoạt động đầu tư có thể chia làm hai tầng, tầng cao là tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước tiếp nhận đầu tư, trong khuôn khổ các Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương hoặc các FTA. Cụ thể, tranh chấp về những vấn đề như thu hồi Giấy chứng nhận, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh.

Ông Dũng thông tin, theo thống kê của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đã có 4 vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước Việt Nam, trong đó Việt Nam tháng 3 vụ.  Ở tầng thấp là các tranh chấp thương mại giữa các nhà đầu tư với nhau dựa trên các hợp đồng liên doanh, hợp đồng giao thầu, hợp đồng BOT, PPP... “Các tranh chấp này thường có phạm vi tranh chấp tập trung hơn như mua bán, bảo hiểm, gia công, tranh chấp giữa nội bộ công ty, các bên hợp đồng...”, ông Dũng nói.

Lý giải về việc tại sao nhà đầu tư nước ngoài nên lựa chọn giải quyết tranh chấp của nhà đầu tư tại Việt Nam, ông Dũng cho biết, trọng tài tôn trọng ý chí thoả thuận của các bên, thủ tục nhanh chóng linh hoạt bảo mật thông tin, cơ quan trọng tài trung lập, chuyên môn trọng tài cao. “Và đặc biệt, trọng tài thương mại ở Việt Nam có ưu điểm lớn là có thể được thi hành trực tiếp tại cơ quan thi hành án Việt Nam mà không phải trải qua thủ tục công nhận thi hành như quy định tại Công ước NewYork 1958”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Kevin Kim - Phó Chủ tịch Toà trọng tài ICC, Luật sư thành viên Cty Luật TNHH Bae, Kim&Lee, Hàn Quốc cho biết tại ICC có cơ chế và hệ thống giải quyết tương đối ngắn gọn so với các tổ chức trọng tài nổi tiếng trên thế giới khác, ví dụ trong quy trình giải quyết chỉ có 1 phiên tranh tụng ngắn gọn. Hiện nay, không có danh sách của các trọng tài viên tại ICC, Uỷ ban quốc gia sẽ giới thiệu các trọng tài viên và toà ICC sẽ chỉ định theo mỗi vụ kiện. 

Khi hội đồng trọng tài đưa ra dự thảo phán quyết cuối cùng, ICC sẽ giám sát chứ không trực tiếp thực hiện. “Chúng tôi đang cố gắng thực hiện nhanh chóng các quy trình, đơn cử, ICC hiện đang tiến hành áp dụng thủ tục rút gọn (EPP) để giúp các bên coi đây là cơ chế đổi mới sáng tạo”, ông Kevin Kim nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Hồ Thúy Ngọc, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng: Trọng tài thương mại tại Việt Nam đã thực sự phát triển và hoàn thiện hơn, trở thành công cụ hữu hiệu cho nhà đầu tư.

Trước khi chúng ta xem xét về việc thu hút FDI còn nhiều yếu tố phải nghiên cứu: quan điểm nhà đầu tư, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư FDI, nền tảng pháp lý, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong số đó, cơ chế giải quyết tranh chấp là điều quan trọng mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm để bảo vệ khoản đầu tư của họ.

Nếu chúng ta không đảm bảo tính sẵn có và hiệu quả của phương thức giải quyết phương thức tranh chấp lựa chọn và giải quyết tranh chấp tại tòa án, để nhà đầu tư có thể an tâm rằng có được những phán quyết công bằng  cho các tranh chấp của họ. Tuy vậy, phương thức tòa án hiện nay được đánh giá là không hấp dẫn.

Tranh chấp trong hoạt động đầu tư có nhiều cơ chế để giải quyết: tòa án, trọng tài thương mại thực hiện các vụ kiện đầu tư tại trọng tài đầu tư, cơ chế ngoại giao…

Giải quyết tranh chấp thông qua các kênh ngoại giao có thể được sử dụng trong một số ít trường hợp tuy nhiên có bất lợi nhất định. Một số quan điểm cho thấy phương thức dùng kênh ngoại giao có thể gây căng thằng giữa các quốc gia. Và hiện nay, phương thức được ưa chuộng sử dụng là trọng tài thương mại và trọng tài đầu tư.

Khảo sát tiến hành trên 100 nền kinh tế thực hiện bởi trường Queen Mary thuộc đại học London năm 2015 - 2016 cho thấy cơ chế trọng tài thực sự được đánh giá là hiệu quả với hơn 70% doanh nghiệp lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp của mình.

Bà Ngọc cũng thông tin về một số thông kê về thủ tục giải quyết trọng tài, so sánh giữa một số trung tâm trọng tài đến từ một số nền tài phán. Đáng chú ý có tiêu chí, thời gian giải quyết tranh chấp.

“Điều quan trọng nhất là thời gian, trước đây tiến hành xét xử trọng tài thông thường phải mất 326, tại Ấn Độ quá trình này phải mất 569 ngày, còn VIAC chỉ chưa đến 200 ngày, rút gọn còn chưa đến trên 100 ngày. Con số này rất ấn tượng. Thêm vào đó sau khi có phán quyết thì phán quyết của VIAC có thể trực tiếp được thi hành bởi cơ quan thi hành án dân sự tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài Việt Nam ở nước ngoài thì cũng được đảm bảo do Việt Nam đã là thành viên của công ước New York 1958.

Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, Trọng tài viên VIAC cũng cho biết: Trọng tài (Trọng tài Thương mại và Trọng tài đầu tư) có thể giải quyết tất cả các tranh chấp phát sinh trong hoạt động đầu tư.

Luật sư cũng giải thích rõ hơn cho người nghe về các phương thức giải quyết tranh chấp có thể sử dụng với các loại tranh chấp này. Theo đó, khẳng định phương thức trọng tài có thể được sử dụng để giải quyết tất cả các tranh chấp trên.

Trọng tài thương mại - Công cụ hiệu quả để quản trị rủi ro kinh doanh

Các luật sư, chuyên gia đã đi vào cụ thể các vấn đề của phương thức trọng tài thương mại. Ông Paul Sandosham, Phụ trách Khu  vực Đông Nam Á về Năng lượng, Cơ sở hạ tầng, Tài nguyên và Giải quyết tranh chấp, Clifford Chance, Singapore tập trung làm rõ những điểm cần lưu ý khi soạn thảo một điều khoản trọng tài trong các hợp đồng giữa các bên trong hoạt động đầu tư.

Ông Paul Sandosham, Phụ trách Khup/vực Đông Nam Á về Năng lượng, Cơ sở hạ tầng, Tài nguyên và Giải quyết tranh chấp, Clifford Chance, Singapore tập trung làm rõ những điểm cần lưu ý khi soạn thảo một điều khoản trọng tài trong các hợp đồng giữa các bên trong hoạt động đầu tư.

Ông Paul Sandosham, Phụ trách Khu vực Đông Nam Á về Năng lượng, Cơ sở hạ tầng, Tài nguyên và Giải quyết tranh chấp, Clifford Chance, Singapore tập trung làm rõ những điểm cần lưu ý khi soạn thảo một điều khoản trọng tài trong các hợp đồng giữa các bên trong hoạt động đầu tư

Ông Paul Sandosham cho biết, vấn đề thẩm quyền luôn phức tạp. Cơ sở của thẩm quyền là thoả thuận và thống nhất giữa các bên, như vậy mới sử dụng được phương thức sử dụng trọng tài.

Ông Paul Sandosham cũng cho biết một lưu ý khác khi viết những điều khoản về sử dụng trọng tài là vấn đề ngôn ngữ, luật của mỗi nước, do đó cần rõ ràng khi viết các điều khoản này để thuận lợi cho giải quyết tranh chấp và thực thi. “Tôi đã rất nhiều lần khi đọc phải những điều khoản không tốt. Tất nhiên không nhất thiết luôn phải có luật sư tham gia ngay từ khi soạn thảo điều khoản, tuy nhiên, chúng ta có thể tham khảo điều khoản mẫu của các trung tâm trọng tài quy chế như ICC, SIAC, LCIA, ICSID, VIAC… tránh thiếu sót”, ông Paul Sandosham ví dụ.

So với việc giải quyết tại các tổ chức trọng tài quy chế như ICC và VIAC, thì việc sử dụng trọng tài vụ việc có một số điểm bất lợi nhất định như vấn đề về thu phí. “Ở Trung Quốc, theo tôi được biết, phán quyết trọng tài phải được ban hành bởi các tổ chức trọng tài quy chế thì mới được thi hành, còn phán quyết trọng tài vụ việc vẫn chưa được chấp nhận thi hành”, ông Paul Sandosham ví dụ.

Ông Paul Sandosham cũng cho biết, vấn đề địa điểm trọng tài là một vấn đề cũng quan trọng không kém. Theo quy định, địa điểm trọng tài không nhất thiết phải cùng địa điểm tổ chức các phiên xử trọng tài. “Vấn đề địa điểm ảnh hưởng tới vấn đề thực thi. Ví dụ, nếu đặt địa điểm trọng tài tại Việt Nam, do VIAC thực hiện chẳng hạn, thì phán quyết trọng tài có thể được thực thi tại Singapore theo Công ước New York 1958. Trong khi đó cũng có nhiều nơi trên thế giới hình thức trọng tài chỉ mới phát triển, do đó vấn đề thực thi cần có quy định về địa điểm hội đồng trọng tài”, ông Paul Sandosham nói.

Về vấn đề lựa chọn quy tắc tố tụng, ông Paul Sandosham đã nêu một trường hợp các bên thoả thuận chọn giải quyết tại  Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore SIAC nhưng lại chọn theo quy tắc của ICC. Đây là điểm gây khó cho quá trình giải quyết”, ông Paul Sandosham cho biết. Đồng quan điểm của vấn đề này, ông Ngô Thanh Tùng cho rằng nên để các luật sư viết các điều khoản khi lựa chọn quy tắc tố tụng và tổ chức trọng tài thì nên để “việc ai người đó làm”.

Ông Nicolas Wiegand, Luật sư điều hành CMS Hasche Sigle Hồng Kông thì chia sẻ, thu hồi lại được khoản tiền mới là quan trọng nhất khi phải khởi kiện. Như vậy làm thế nào để có thể tăng niềm tin của nhà đầu tư?

Ông Nicolas Wiegand khẳng định: quan trọng nhất là cơ chế thực thi phán quyết trọng tài

Ông Nicolas Wiegand khẳng định: quan trọng nhất là cơ chế thực thi phán quyết trọng tài

Ông Nicolas Wiegand cũng đã nhấn mạnh các ưu điểm của phương thức trọng tài thương mại đối với loại tranh chấp nhà đầu tư – nhà đầu tư. Thủ tục tòa án không chỉ ở Việt Nam, như các diễn giả khác đã trình bày, mà trên thế giới cũng có nhiều điểm không phù hợp với yêu cầu của các tranh chấp thương mại và do đó ông Nicolas Wiegand khẳng định: “tôi cho rằng các Luật sư ở đây đều đồng ý rằng nên chọn trọng tài thương mại khi xử lý tranh chấp”.

Vấn đề lớn nhất là thu hồi lại được các khoản tiền sau khi thắng kiện, tức là vấn đề thi hành phán quyết trọng tài. Việt Nam hiện đã là thành viên của Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài quốc tế nên điều này sẽ khá thuận lợi. Ở một số quốc gia chưa tham gia công ước này, thường phải dùng các thủ tục phức tạp hơn; thường gặp phải là quy tắc có đi có lại, nhưng quy tắc này không phải lúc nào cũng có tác dụng.

Các điều kiện để phán quyết trọng tài được công nhận và cho thi hành ở một quốc gia khác đã được nêu khá đầy đủ, dễ hiểu tại Công ước New York khác với việc công nhận và thi hành bản án của Tòa khá dài dòng theo các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa các nước. 

Ông Ngô Thanh Tùng, Trọng tài viên VIAC, Luật sư thành viên Cty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF), một lần nữa nhấn mạnh vấn đề quan trọng mà các nhà đầu tư cần lưu ý khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp cho các tranh chấp của mình.

Ông Ngô Thanh Tùng, Trọng tài viên VIAC, Luật sư thành viên Cty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF), cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các quốc gia có doanh nghiệp muốn tham gia xét xử trọng tài thì đều ưu tiên sử dụng trọng tài trong nước.

“Toà án hay trọng tài, trọng tài nước ngoài hay trọng tài Việt Nam, việc lựa chọn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng tôi tin tưởng rằng trọng tài thương mại nên là phương án được các luật sư và doanh nghiệp sử dụng”, ông Tùng nhấn mạnh và cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các quốc gia có doanh nghiệp muốn tham gia xét xử trọng tài thì đều ưu tiên sử dụng trọng tài trong nước.

Tại phiên thảo luận, một luật sư chia sẻ: "Tôi đã có cơ hội trao đổi với một số luật sư tư vấn nội bộ công ty nước ngoài đang muốn đầu tư vào Việt Nam, một trong những lo ngại của họ là Việt Nam chưa phải là thành viên của ICSID? Theo các chuyên gia, trong thời gian này (khi Việt Nam chưa gia nhập ICSID) thì đâu là các phương thức thay thế nhà đầu tư nước ngoài có thể dùng để thuyết phục các nhà đầu tư này vì theo tôi được biết cả ICC và VIAC chưa có một thủ tục dành riêng cho loại tranh chấp nhà đầu tư?".

Trả lời câu hỏi trên, ông Phạm Mạnh Dũng cho biết, Việt Nam đúng là chưa ra nhập ICSID và vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để quyết định gia nhập. Về quy trình tại ICSID thì thực sự nó rất phù hợp với tranh chấp nhà đầu tư vì nó được soạn ra dành riêng cho chỉ loại tranh chấp này chứ không dùng giải quyết tranh chấp thương mại khác. Rất may, ICSID có các cơ chế phụ trợ để sử dụng cho các tranh chấp giữa nhà đầu tư với quốc gia chưa là thành viên của ICSID và Việt Nam có thể sử dụng cơ chế này.

Bổ sung thêm, bà Hồ Thuý Ngọc cho biết, trước hết, cần khẳng định, tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước không thể sử dụng các quy tắc tố tụng thiết kế cho tranh chấp thương mại. Việt Nam chưa là thành viên ICSID nhưng tính đến năm 2017, Việt Nam đã ký khoảng 60 Hiệp định bảo hộ đầu tư và trong các Hiệp định này đều có cơ chế giải quyết ICSDS nên bà Ngọc không cho rằng việc Việt Nam chưa là thành viên của ICSID có thể là điểm bất lợi khi thu hút đầu tư vào Việt Nam. 

Ông Nguyễn Mạnh Dũng cho biết thêm, hiện nay các trung tâm trọng tài thương mại đã bắt đầu ban hành các quy tắc trọng tài đầu tư để dành riêng cho các tranh chấp đầu tư và đây cũng là những phương án hấp dẫn mà nhà đầu tư và Việt Nam có thể xem xét.

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Trọng tài Thương mại - Tăng thêm “tự tin” cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714285284 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714285284 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10