Hải Phòng có thêm một “siêu” cảng mới
Với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 40 nghìn tấn, cảng Nam Đình Vũ được đánh giá là cảng lớn nhất khu vực Đình Vũ, thuộc top bến cảng container lớn tại Hải Phòng, chỉ sau cảng Lạch Huyện.
Quy mô, hiện đại
Cảng Nam Đình Vũ nằm trong Khu kinh tế Cát Hải thuộc Khu phi thuế quan và KCN Nam Đình Vũ - là đầu mối vận tải hàng hóa thương mại quốc tế và nội địa quan trọng bậc nhất của toàn miền Bắc, ngay cửa sông Bạch Đằng với mớn nước sâu và vũng quay tàu rộng, là cửa ngõ thông ra biển gần nhất so với các cảng khác tại khu vực Hải Phòng. Dự án có tổng diện tích 65 ha, gồm 07 cầu cảng, tổng chiều dài cầu tàu là 1,5km và tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng; tổng công suất 2 triệu TEU và 3 triệu tấn; do Tập đoàn Gemadept và Tập đoàn Sao Đỏ đầu tư xây dựng. Cảng được đầu tư mới đồng bộ, trang thiết bị phương tiện hiện đại gồm 6 cẩu dàn RTG và 4 cẩu dàn QC tầm với 15 hàng container thuộc loại lớn nhất khu vực cùng phần mềm Catos hiện đại giúp quản lý và điều hành khai thác cảng theo thời gian thực.
Cảng có quy mô lớn gấp 3 lần cảng Nam Hải Đình Vũ (đang hoạt động vượt 27% công suất thiết kế) và lớn gấp 10 lần cảng Nam Hải hiện hữu (đang hoạt động vượt 43% công suất thiết kế). Việc đưa cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 vào khai thác sẽ góp phần không nhỏ trong việc giảm tải cho các bến cảng trong khu vực, đáp ứng nhu cầu hàng hóa luân chuyển qua cảng biển Hải Phòng trong thời gian tới.
Dù mới chính thức khai trương nhưng cảng Nam Đình Vũ đã có 3 tháng đi vào hoạt động với năng suất làm hàng thuộc hàng tốt nhất khu vực và đảm bảo mọi hoạt động khai thác đều thông suốt. Ngày 4-2 vừa qua, Cảng cũng đón chuyến hàng đầu tiên. Như vậy tính đến nay, Tập đoàn Gemadept đã đầu tư và hiện đang khai thác 4 cảng tại Hải phòng: Cảng Nam Hải (nằm ở khu vực thượng nguồn), Cảng Nam Hải Đình Vũ và Nam Hải ICD (nằm ở khu vực hạ nguồn), hàng năm tiếp nhận hàng trăm chuyến tàu, kết nối hàng triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu. Các dự án cảng của Gemadept hiện đang hoạt động hết công suất. Gemadept sẽ tiếp tục khởi công giai đoạn 2 của dự án Nam Đình Vũ ngay trong quý 3/2018 để đưa vào khai thác vào đầu năm 2020 với công suất tương đương giai đoạn 1.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Hạ thủy thành công tàu YN BUSAN 6.500 DWT
12:18, 06/05/2018
Grab taxi đang hoạt động “chui” tại Hải Phòng?
05:04, 05/05/2018
Cuối tuần đổi vị với đồ ăn vặt đậm chất Hải Phòng
23:00, 04/05/2018
Ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gemadept cho biết: Sự ra đời của Cảng Nam Đình Vũ sẽ cung cấp thêm cho các hãng tàu và khách hàng một điểm đến đáng tin cậy trên bản đồ hàng hải Việt Nam, một điểm đến với nhiều ưu thế, lợi ích, chính sách linh hoạt, chi phí hợp lý và chất lượng dịch vụ tốt nhất; đồng thời, góp phần tích cực thúc đẩy việc kết nối giao thương hàng hóa với thế giới của không chỉ riêng Thành phố cảng Hải Phòng mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Trong năm 2018, chúng tôi đề ra mục tiêu đảm bảo khai thác Cảng ổn định và hiệu quả, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng.
Vị trí chiến lược, tầm nhìn rộng mở
Hải Phòng là đầu mối xuất nhập khẩu của cả miền Bắc nhờ vào vị trí cửa ngõ giao thương của miền Bắc, cửa ngõ ra biển kết nối với thế giới; là thành phố nằm trong vùng kinh tế Duyên hải Bắc Bộ (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định...) với lợi thế thành phố cảng, có nhiều khu công nghiệp phát triển. Hải Phòng có lợi thế rất lớn trong việc phát triển dịch vụ cảng biển. Lượng hàng hóa qua cảng liên tục tăng cao, hệ thống cảng theo đó cũng không ngừng mở rộng. Hiện tại, khu vực cảng biển Hải Phòng có 38 bến cảng xếp dỡ hàng hóa, tổng chiều dài cầu cảng 10,86 km, trong đó có 12 bến cảng container. Sản lượng hàng hóa và tàu thuyền thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng luôn đạt mức cao so với cả nước. Năm 2013, hàng hóa thông qua cảng là 55,36 triệu tấn tương ứng với 16.800 lượt tàu thuyền, đến năm 2017 là 84,66 triệu tấn, tương ứng với 18.500 lượt tàu thuyền, đạt 104,6% so với tổng công suất thiết kế hàng hóa qua khu vực cảng biển Hải Phòng.
Hệ thống cảng biển ở Hải Phòng hiếm đến 90% lượng container và hơn 50% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực này. Trong các năm gần đây, các tỉnh phía Bắc luôn trở thành tâm điểm của hoạt động thu hút dòng vốn FDI cả nước. Do đó, Cảng Nam Đình Vũ ra đời sẽ song song vừa đón đầu vừa thúc đẩy cơ hội tăng trưởng, giúp miền Bắc trở thành mắt xích quan trọng kết nối các vành đai kinh tế trong chuỗi hoạt động Logistics của cả nước. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng sản lượng container tại khu vực Hải Phòng trong 5 năm gần đây đạt trung bình gần 15%/năm. Cảng Nam Đình Vũ ra đời có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động của cụm cảng nói riêng và trong chiến lược phát triển kinh tế cảng biển nói chung của thành phố, là bước đệm quan trọng thúc đẩu sự phát triển đột phá và chuyển mình đi lên của toàn Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải cũng như thành phố cảng Hải Phòng, từng bước khẳng định vị thế của một thương cảng lớn có công nghệ xếp dỡ hiện đại, tiên tiến xứng tầm khu vực.
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Nguyễn Xuân Sang – Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nhận định: Việc đưa cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 vào khai thác sau 1 năm khởi công xây dựng thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của Tập đoàn Gemadept và Tập đoàn Sao Đỏ trong việc giữ đúng lới hứa cam kết với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Thành phố Hải Phòng tại buổi lễ kí kết ghi nhớ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Hải Phòng năm 2016. Cục hàng hải Việt Nam đề nghị Tập đoàn Gemadept tiếp tục khẩn trương đầu tư các giai đoạn tiếp theo, cập nhật ứng dụng công nghệ cảng biển hiện đại nhất, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp để Cảng Nam Đình Vũ ngày càng khai thác hiệu quả với chi phí cạnh tranh nhất. Hi vọng thời gian tới, các cảng của Tập đoàn Gemadept cũng như các bến cảng khác tại Đình Vũ, Sông Cấm cùng với các bến cảng Lạch Huyện cho tàu trọng tải trên 100 nghìn tấn sẽ tạo thành chuỗi mắt xích liên hoàn, tương hỗ nhau tích cực để cảng biển Hải Phòng ngày càng phát triển hơn nữa.