1. Bánh mì cay. Nằm đầu tiên trong danh sách những món ăn vặt nhất định phải thưởng thức khi đặt chân đến thành phố Cảng phải kể đến bánh mì cay. Món bánh mì cay Hải Phòng có nguồn gốc từ một quán nhỏ ở ngõ Khánh Nạp trên đường Hàng Kênh. Đến nay, bánh mì cay được bán ở khắp Hải Phòng và lan rộng ra nhiều địa phương khác, trong đó có Hà Nội với tên gọi khác là bánh mì que.

Bánh mì cay là một trong những món ăn đã trở thành thương hiệu của Hải Phòng. Cái giòn tan của bánh mì quyện với vị thơm, béo ngậy của pate, đậm đà hơn bởi vị cay của tương ớt khiến không ít người “mê mẩn”. Những địa chỉ bán món ăn ngon này phải kể đến Lê Lợi, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Kênh hoặc ngõ Khánh Nạp ở Chợ Con...

2. Lẩu cua đồng có quanh năm ở Hải Phòng nhưng mùa đông lại được yêu thích hơn cả vì hương vị hấp dẫn và không khí quây quần ấm áp mà nó mang lại. Hầu như tuyến phố nào của Hải Phòng cũng có quán lẩu cua đồng. Người dân ở đây thường đi ăn lẩu với gia đình, nhóm bạn bè thân thiết tại những quán bình dân ven đường. Tuy chỉ là quán bình dân nhưng mỗi quán lại có cách chế biến riêng, rất thơm ngon và mùi vị đặc trưng.

Một nồi lẩu ngon chính là ở cách chế nước lẩu sao cho có vị ngọt đậm đà của nước lọc cua ninh cùng nước cốt xương, cho thêm gia giảm để dậy mùi. Khi ăn nhúng kèm thịt bò, đậu rán, chả cá, trứng vịt lộn, các loại rau như rau muống, bắp cải, rau sống…Cuối tuần được ngồi bên người thân cùng thưởng thức nồi lẩu cua đồng ấm cúng, ta bỗng thấy yêu thương và trân trọng cuộc sống gia đình nhiều hơn.

 3. Bánh đa cua. Nhắc đến Hải Phòng không thể không nhắc đến bánh đa cua. Hương vị của các loại chả cá, thịt, lá lốt cùng hành ngò hòa quyện, kết hợp nước cua sánh đậm ngọt vị, ăn kèm rau sống làm nên một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng đất biển.

Món ăn được lòng thực khách bởi vị ngon lạ, phù hợp thời tiết các mùa

Món ăn được lòng thực khách bởi vị ngon lạ, phù hợp thời tiết các mùa

Bánh đa cua đòi hỏi chế biến cầu kì, tinh tế. Bánh đa đỏ được trần qua nước nóng rồi đổ vào bát to, cùng với rau muống chín tái, các loại chả, thêm gạch cua chưng, thả ít hành khô thái mỏng trên cùng. Hơn nữa, món ăn còn giàu chất dinh dưỡng, thích hợp với mọi lứa tuổi.

4. Bánh bèo. Nhìn bánh bèo Hải Phòng nhiều người nghĩ ngay tới bánh giò Hà Nội khi cùng có nguyên liệu từ bột gạo với nhân thịt lợn xay, mộc nhĩ, hành tím... Tuy nhiên, món ăn này lại có lớn vỏ mềm hơn, bên trong nhiều nhân thịt đậm đà.

Những chiếc bánh nóng hổi được cắt nhỏ dọn cùng chén mắm ớt, vắt thêm quả quất xanh chua chua, vừa ăn vừa húp mắm...làm say mê cả những thực khách khó tính nhất

Những chiếc bánh nóng hổi được cắt nhỏ dọn cùng chén mắm ớt, vắt thêm quả quất xanh chua chua, vừa ăn vừa húp mắm...làm say mê cả những thực khách khó tính nhất

Bánh được ăn kèm với thứ nước chấm đặc biệt, làm từ nước ninh xương, lúc ăn đun nóng nước chấm với ớt bột, hạt tiêu, vài miếng thịt viên. Chính thứ nước chấm này khiến cho bánh bèo Hải Phòng có một sức sống bền bỉ trong tâm trí của bất kỳ ai đã từng nếm qua một lần. Bánh thường được bán trong những gánh hàng rong, thực khách quây quần quanh gánh bánh bèo rồi từ từ thưởng thức những miếng bánh nóng hổi, thơm ngọt…

5. Sứa đỏ cuốn bỗng chỉ xuất hiện từ khoảng tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Vì thế nhiều người thường nói, sứa đỏ giống như rươi, đều là những món ăn ngon, chỉ có vào một thời điểm nhất định trong năm và cùng kén người ăn như nhau.

Sứa mát như thạch, phần chân dai giòn, phần thân mọng nước cùng với miếng dứa chín, lát cùi dừa bùi bùi ăn ngon không dứt miệng

Sứa mát như thạch, phần chân dai giòn, phần thân mọng nước cùng với miếng dứa chín, lát cùi dừa bùi bùi ăn ngon không dứt miệng

Sứa đỏ thường được ngâm trong nước cây sú vẹt để khử mùi tanh mà vẫn giữ được độ mọng nước, ăn vào có công dụng thanh nhiệt, mát, giúp hạ huyết áp hay giảm ho khá hiệu quả…

Miếng sứa tươi kẹp trong lá tía tô, kinh giới thêm một miếng cùi dừa, miếng dứa chua. Tất cả cuốn gọn lại thành miếng vừa ăn, chấm đẫm giấm bỗng chưng cùng sốt cà chua với mẻ rồi chầm chậm thưởng thức. Sứa đỏ không có vị gì ngoài độ giòn vì vậy khi ăn kèm với các loại rau tạo ra hương vị vô cùng ấn tượng, hoà quyện vị chua, chát, cay, thơm của lá rau, giấm bỗng.  

6. Giá bể được bán ở khắp Hải Phòng. Hàng giá bể lúc nào cũng đông, mà giá bể xào là được ưa chuộng nhất. Bán giá bể chẳng cầu kỳ, chỉ cần một cái nồi hấp thủy, bên trên đổ đầy giá bể vàng ươm, bốc khói nghi ngút. Giá bể là loài nhuyễn thể, thịt ngọt, sống vùi dưới lớp cát trên bãi biển. Điểm nổi bật của con giá bể chính là cái chân nhìn như cọng giá đỗ.

Giá bể khi nấu xong có màu vàng của nghệ, hòa quyện trong nước sốt chua ngọt, thơm, sánh mịn. Khi ăn, người ta múc giá bể ra bát, rắc chút rau thơm, tương ớt và đặc biệt là một nắm chân giá bể vàng tươi, giòn sần sật.

Chân giá bể chính là thứ làm lên thương hiệu của món ăn này. Chân giá bể dài khoảng 5cm, có hình thù giống cọng giá đỗ, ăn rất giòn. Người ta thường cắt riêng chân giá ra, chần qua nước sôi, rồi xào tái. Chân giá có thể làm nộm với hoa chuối, rau thơm hoặc ăn kèm với giá bể xào rất ngon.

7. Bánh đúc tàu. Đúng như tên gọi, bánh đúc tàu có nguồn gốc từ Trung Quốc,. được lưu truyền và trở thành món ăn đặc trưng của người Hải Phòng. Một bát bánh đúc tàu bao gồm phần bánh đúc cắt nhỏ, ăn cùng tôm, thịt, đu đủ rán kỹ, và nước mắm giấm được chan vào trong bát.

Với hương vị vừa chua chua ngọt ngọt, lại có vị mặn và cay của dấm ớt, hương vị kết hợp trở nên thanh tao nhẹ nhàng, ấn tượng rất khó quên. Hàng lâu đời và nổi tiếng nhất là hàng ở gần ngã tư Cát Dài - Cát Cụt hay quán bánh đúc ở chợ An Dương.

“Ăn vặt vỉa hè” đã trở thành thói quen vô cùng dân dã, bình dị của người dân đất Cảng. Với vô vàn món ăn đủ hương vị, thiên đường ẩm thực của Hải Phòng vô cùng phong phú, đa dạng. Ngoài những món ăn trên, còn có rất nhiều các món ăn khác như nem cua bể, bánh cuốn, cháo sườn, cháo cay, các loại ốc, bún cá cay, cháo khoái...cũng góp phần tạo ra “bản đồ ẩm thực” khác biệt và mang đậm hương vị biển.