Hải Dương: Doanh nghiệp chủ động thực hiện mục tiêu “kép”
Với việc chủ động xây dựng kịch bản phòng chống dịch, các doanh nghiệp Hải Dương đã giúp người lao động yên tâm, góp phần duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng nhiều doanh nghiệp Hải Dương đã không chờ rơi vào tình trạng báo động mới phòng dịch. Sự chủ động từ sớm, từ xa đã giúp doanh nghiệp thực hiện được mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế .
Dù đang ở vùng an toàn nhưng công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch luôn chủ động thực hiện nghiêm quy định phòng dịch như tổ chức truy vết các trường hợp có liên quan đến dịch COVID-19, triển khai xét nghiệm PCR. Doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án phòng dịch theo từng cấp độ. Trường hợp phát sinh dịch bệnh, công ty sẽ áp dụng phương án sử dụng khoảng 70% số lao động làm việc, còn lại làm việc trực tuyến. Hiện hơn 200 công nhân có hộ khẩu ở Quảng Ninh, 40 chuyên gia ở ngoài tỉnh và người nước ngoài được doanh nghiệp hỗ trợ chỗ ở lại và 50% tiền ăn.
Theo lãnh đạo công ty TNHH Vietory cho biết: Công ty hiện có 100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất giầy thể thao theo các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ. Hiện công ty có trên 3.500 lao động, phần lớn là người địa phương và 52 chuyên gia người Trung Quốc. Công ty đã thành lập 115 tổ "An toàn COVID", hằng ngày giám sát người lao động thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch. Tất cả công nhân viên ngoài cam kết thực hiện nghiêm quy định 5K, còn phải tuân thủ yêu cầu "1 cung đường, 2 điểm đến". Công ty yêu cầu 64 công nhân có hộ khẩu ở Hải Phòng phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 2 lần/tuần mới được vào làm việc; bố trí chỗ ăn, ở lại trên địa bàn cho 16 công nhân có hộ khẩu ở Quảng Ninh. Để giãn cách người lao động, công ty chuyển từ sản xuất 1 ca/ngày sang 3 ca/ngày. Các bộ phận, dây chuyền sản xuất, thiết bị máy móc được bố trí khoa học, giãn cách, có tấm kính chắn.
Với 5.300 cán bộ, công nhân viên, người lao động, công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương thành lập 32 tổ “An toàn COVID” với 129 thành viên. Các tổ này luôn hoạt động hết công suất, giám sát yêu cầu đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, thực hiện giãn cách, khử khuẩn... đối với tất cả người, phương tiện vào doanh nghiệp. Yêu cầu công nhân làm việc ở các phân xưởng đều thực hiện giãn cách, hạn chế nói chuyện, tiếp xúc gần, không được tụ tập khi hết ca.
Trong những ngày gần đây, việc Hải Phòng siết chặt kiểm soát dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình lao động Hải Phòng sang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn điểm giáp ranh giữa 2 địa phương và ngược lại. Công ty TNHH Bai Hong thuộc cụm công nghiệp Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) có 298 công nhân người Hải Phòng trong tổng số khoảng 1.700 lao động. Chị Vũ Thị Tươi - Trưởng phòng nhân sự công ty này chia sẻ: Hải Phòng yêu cầu rất nghiêm ngặt qui định ra vào thành phố nếu người Hải Phòng muốn đi làm tại doanh nghiệp ở Hải Dương thì phải chấp nhận thuê trọ ở lại chứ không được quay về. Công nhân Thái Bình và Nam Định cũng bị ảnh hưởng vì đường đi làm của họ cũng phải qua địa phận của huyện Tiên Lãng - Hải Phòng rồi mới sang được huyện Tứ Kỳ. Muốn đi qua, phải có giấy xác nhận đã tiêm hai mũi vaccine; test PCR của địa phương và phải xin giấy này hàng ngày. Điều này rất khó đáp ứng nên doanh nghiệp phải bố trí chỗ ăn nghỉ thực hiện qui định 5K của Bộ Y tế.
Còn theo đại diện công ty CP Tân Hà Kiều (phường Minh Tân): công ty đã chủ động chuyển từ sản xuất bình thường sang trạng thái sản xuất “3 tại chỗ”, sẵn sàng chấp nhận chi phí phát sinh để bảo đảm an toàn cho người lao động và chuỗi sản xuất không bị đứt gãy. Hiện có 68 trong tổng số 160 cán bộ, công nhân lao động đang lưu trú tại công ty. Công ty quan tâm hỗ trợ, động viên người lao động về chi phí sinh hoạt, điều kiện làm việc, thời gian nghỉ ngơi nên công nhân đồng lòng thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, yên tâm ở lại sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân công ty CP Tân Hà Kiều chia sẻ: “Tính từ đầu đợt dịch đến nay, đây là lần thứ năm tôi ăn, ở tại công ty. Chúng tôi ở đây động viên nhau cùng cố gắng góp sức cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 của địa phương và sát cánh cùng doanh nghiệp duy trì sản xuất”.
Theo ông Lưu Văn Bản – PCT UBND tỉnh Hải Dương: Hải Dương có hơn 14.000 doanh nghiệp thì đến nay đã các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã hoạt động ổn định. Sau đại dịch toàn tỉnh Hải Dương tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa chủ động phòng, chống dịch COVID-19 vừa tích cực khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, Hải Dương cũng tiếp tục siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp. UBND tỉnh giao cho các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra việc cam kết đảm bảo các tiêu chí phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp và xử lý nghiêm các vi phạm; định kỳ, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với các chuyên gia, người lao động trong các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện nguy cơ về dịch bệnh. Hải Dương cũng tập trung quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài trên địa bàn toàn tỉnh; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép. Tất cả các trường hợp nhập cảnh phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày và tiếp tục tự cách ly tại doanh nghiệp hoặc tại nơi tạm trú trong 7 ngày và phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi trở lại làm việc.
Với sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch sản xuất, kinh doanh cùng với các biện pháp phòng chống dịch an toàn, các doanh nghiệp Hải Dương tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh, ổn định thu nhập cho người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Tạo cơ chế để thu hút doanh nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp
12:59, 21/08/2021
Hải Dương: Yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động vì nhiều sai phạm
04:10, 25/08/2021
Hải Dương: Vì sao dự án đầu tư công bị điều chỉnh vốn?
01:03, 18/08/2021
Hải Dương đầu tư mạnh vào sản phẩm OCOP
21:06, 14/08/2021