Hải Dương đầu tư mạnh vào sản phẩm OCOP

MINH HUỆ - HẢI NGÂN 14/08/2021 21:06

Theo kế hoạch năm 2021, Hải Dương phấn đấu xây dựng ít nhất một sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 20 sản phẩm đạt 4 sao và 30 sản phẩm đạt 3 sao.

Năm 2020, tỉnh Hải Dương có 10 huyện, thành phố, thị xã có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Tỉnh có 2 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao, gồm bánh đậu xanh Rồng vàng Hoàng Gia của công ty CP Hoàng Giang (TP Hải Dương) và vải tươi Queen Thanh Hà Lychee của công ty cổ phần Ameii Việt Nam (huyện Thanh Hà).

Vải Thanh Hà - sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu sang Nhật và châu Âu năm 2021

Vải Thanh Hà - sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu sang Nhật và châu Âu năm 2021

Đến nay, Hải Dương đã có 73 sản phẩm OCOP (2 sản phẩm kể trên là đại diện của tỉnh tham gia bình chọn sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia). Trong đó, có 37 sản phẩm 3 sao và 36 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm trên được sử dụng nhãn hiệu OCOP, thứ hạng sao trên bao bì sản phẩm và chủ sở hữu sản phẩm được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Trước đó, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt, xếp hạng thêm 60 sản phẩm OCOP thuộc đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương (OCOP Hải Dương) của 31 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm OCOP của tỉnh Hải Dương đã dần chiếm lĩnh thị trường, được người tiêu dùng trong nước và khu vực đánh giá cao. Mục tiêu của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.

Huyện Tứ kỳ là một minh chứng. Hiện toàn huyện có khoảng 500 ha diện tích khai thác rươi, tập trung ở các xã ven sông Thái Bình như An Thanh, Cộng Lạc, Nguyên Giáp, Quang Trung, Bình Lăng. Năm 2019, sản phẩm rươi cấp đông của huyện Tứ Kỳ được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Năm 2019, sản phẩm rươi cấp đông của huyện Tứ Kỳ được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao

Sản phẩm rươi  của huyện Tứ Kỳ được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao

Theo một hộ cá thể chuyên khai thác rươi cho biết: Ở huyện Tứ Kỳ, nghề khai thác rươi có từ lâu. Rươi Tứ Kỳ nổi tiếng toàn quốc, hiện rươi được phân phối đi các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TPvHCM và xuất khẩu. Thời gian qua, nhờ việc thực hiện chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo sức bật phát triển kinh tế doanh nghiệp.

Còn tại huyện Thanh Hà, năm 2020, huyện nằm trong tốp đầu các địa phương có sản phẩm OCOP đạt thứ hạng cao. Ngoài 7 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm 3 sao, thì vải tươi Lychee Queen là một trong 2 đại diện của tỉnh được đề nghị công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Theo lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà, điểm khác biệt của Thanh Hà so với những nơi khác trong tỉnh khi tham gia OCOP là sản phẩm chủ yếu là nông sản tươi như vải, ổi, bưởi, rau ăn lá... Thường những sản phẩm thô, chưa qua chế biến sẽ không có nhiều ưu thế trong OCOP, nhưng nông sản của huyện vẫn có thành tích cao. Đây là kết quả của việc định hướng phát triển sản phẩm OCOP trên cơ sở thực tế. Nông sản của huyện đa phần sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, lại hình thành được chuỗi liên kết, có hợp đồng bao tiêu, nên được đánh giá cao. Những sản phẩm tiềm năng, có thể trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, quốc gia sẽ được ưu tiên đầu tư.

Sản phẩm Vải OCOP Hải Dương

Sản phẩm Vải OCOP Hải Dương

Tiếp đến là đặc sản nếp quýt Kim Thành. Nếp quýt là giống lúa đặc sản được nông dân nhiều xã của huyện Kim Thành gieo cấy từ lâu với những ưu điểm vượt trội là hạt tròn, cơm ngon thơm. Từ lợi thế này, nhiều địa phương trong huyện đã mở rộng diện tích sản xuất; xây dựng mô hình sản xuất nếp quýt theo tiêu thuẩn VietGAP; tích cực quảng bá đặc sản nếp quýt... nhằm tạo lợi thế cạnh tranh với các loại gạo nếp khác trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Đầu tư dịch vụ nông sản sạch Nam Điền, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Thương mại nếp quýt Kim Thành cho biết, để thương hiệu gạo nếp quýt Kim Thành có chỗ đứng trên thị trường, quá trình gieo cấy đều được chúng tôi sản xuất theo quy trình khép kín, từ khâu ủ phân, gieo mạ, cày cấy đến điều tiết nước. Với mong muốn tìm kiếm thêm cơ hội giới thiệu và quảng bá đặc sản tới nhiều khách hàng hơn nữa, đầu năm 2021, HTX Đầu tư dịch vụ nông sản sạch Nam Điền đã đăng ký sản phẩm gạo nếp quýt Kim Thành tham gia chương trình OCOP. HTX đã đầu tư máy móc sơ chế, sấy khô và chế biến gạo nếp quýt, nhà kho bảo quản; đưa sản phẩm gạo nếp quýt Kim Thành đi tham gia tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua từ 130 - 150 tấn thóc nếp quýt của bà con địa phương để chế biến, đóng gói, cung cấp cho thị trường.

Hiện nay thương hiệu nếp quýt Kim Thành đang ngày càng được khẳng định chất lượng, từng bước có chỗ đứng trên thị trường. Nếu sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP thì bà con sản xuất nếp quýt nói chung, HTX nói riêng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ", ông Nam cho biết.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành cho biết, việc duy trì, phục tráng thành công giống gạo nếp quýt giúp diện tích sản xuất gạo nếp quýt trong huyện tăng dần hằng năm. Năm 2018, toàn huyện có trên 100 ha thì vụ mùa năm nay đã mở rộng ra gần 500 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp cho biết thêm thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mở rộng sản xuất nói chung, mở rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nói riêng. Huyện cũng sẽ có các chính sách hỗ trợ người dân tham gia quảng bá sản phẩm, mở các gian hàng trưng bày, bán sản phẩm nếp quýt Kim Thành...

xây dựng mô hình sản xuất nếp quýt theo tiêu thuẩn VietGAP

Sản phẩm nếp quýt Kim Thành được xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu thuẩn VietGAP

Năm 2021, việc xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường OCOP nông sản trong nước và xuất khẩu cũng được tỉnh chú trọng và đạt được những kết quả tốt trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường cao cấp đã khẳng định chất lượng của nông sản Hải Dương, như vải, nhãn xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, Pháp...; cà rốt sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông; bắp cải xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản; dưa chuột muối xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc; hành, tỏi xuất khẩu Malaysia...

Cũng trong năm nay, Hải Dương phấn đấu xây dựng ít nhất một sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 20 sản phẩm đạt 4 sao và 30 sản phẩm đạt 3 sao. Hiện tại, toàn tỉnh có 58 chủ thể tham gia OCOP năm 2021 với 95 sản phẩm. Các địa phương có nhiều sản phẩm được đăng ký là TP Hải Dương (17 sản phẩm), TP Chí Linh (14 sản phẩm), thị xã Kinh Môn (12 sản phẩm)...

Theo ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, việc xây dựng sản phẩm OCOP là cần thiết, xuất phát từ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của từng địa phương. Hải Dương phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề với nhiều sản phẩm thế mạnh. Vì thế, chương trình OCOP sẽ tạo động lực giúp các địa phương phát triển sản phẩm lợi thế theo chiều sâu. Qua đó, tạo dấu ấn riêng cho từng vùng, từng khu vực. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bằng nguồn lực tại chỗ, góp phần tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hiện nay. 

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    Hải Dương: Ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    17:49, 05/08/2021

  • Hải Dương: San lấp đất nông nghiệp trái phép, doanh nghiệp bị phạt 300 triệu đồng

    Hải Dương: San lấp đất nông nghiệp trái phép, doanh nghiệp bị phạt 300 triệu đồng

    04:00, 31/07/2021

  • Hải Dương công bố

    Hải Dương công bố "luồng xanh" cho ôtô chở hàng hóa và công nhân

    16:53, 30/07/2021

  • Hải Dương: Công ty cổ phần giầy Cẩm Bình khắc phục sự cố môi trường

    Hải Dương: Công ty cổ phần giầy Cẩm Bình khắc phục sự cố môi trường

    10:58, 29/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Dương đầu tư mạnh vào sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO