Hải Dương: Vì sao dự án đầu tư công bị điều chỉnh vốn?

Diendandoanhnghiep.vn Các dự án sử dụng vốn đầu tư công được xem là trọng điểm để phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh bị kéo dài. Nhiều dự án chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian thực hiện đã đội vốn đầu tư.

HĐND tỉnh Hải Dương vừa xem xét, thông qua nghị quyết về phương án kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước 5 năm 2021-2025 và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.

Dự án đường trục Đông – Tây đã được HĐND tỉnh Hải Dương xem xét, thông qua đã được điều chỉnh chủ trương đầu tư

Dự án đường trục Đông – Tây được HĐND tỉnh Hải Dương xem xét, thông qua quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư (Ảnh: Báo Hải Dương)

HĐND tỉnh Hải Dương vừa xem xét, thông qua nghị quyết về phương án kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước 5 năm 2021-2025 và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh là 22.544 tỷ đồng. Tổng vốn đã giao hàng năm trong giai đoạn là khoảng 21.989 tỷ đồng, bao gồm: vốn trong nước là 21.940 tỷ đồng; vốn ODA là 49 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, tỉnh Hải Dương đã giải ngân 21.228 tỷ đồng, đạt 96,5%.

Giai đoạn 2021-2025, Hải Dương sẽ cơ cấu lại đầu tư công cho phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu theo hướng tập trung, không dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Địa phương chỉ giao kế hoạch vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công.

Đơn cử như dự án đường Tây Nguyên kéo dài và đoạn tuyến thuộc đường trục chính thị trấn Tứ Kỳ (giai đoạn 1) do UBND huyện Tứ Kỳ làm chủ đầu tư. Dự án được HĐND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 234 tỷ đồng vào năm 2017. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành trong năm 2020 với tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, nhiều phần việc tăng chi phí và phải bổ sung thêm phần xử lý nền đất yếu nên một phần nhỏ khối lượng công việc của dự án mới được triển khai. Vì vậy, phía huyện Tứ Kỳ đã đề xuất điều chỉnh lại dự án.

Trước đề xuất đó, dự án đã được HĐND tỉnh Hải Dương xem xét, thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo đó, giai đoạn 1 của dự án tăng vốn đầu tư lên hơn 99,5 tỷ đồng; tăng thêm gần 20 tỷ đồng so với trước.

Lý giải về việc cần thiết phải điều chỉnh dự án này, theo ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Hải Dương, dự án đã được HĐND tỉnh Hải Dương điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 10/2017. Sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư đến nay, việc triển khai thực hiện dự án còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB và bố trí vốn như: Phát sinh tăng, giảm một số chi phí thực hiện dự án; điều chỉnh, bổ sung thiết kế một số hạng mục thuộc dự án; điều chỉnh không đưa giai đoạn 2 vào dự án để thực hiện… Ngoài ra còn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các địa phương phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội nên việc thi công không đảm bảo.

Còn dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, đây là dự án được HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2016. Theo hợp đồng thi công xây dựng giữa UBND huyện Thanh Miện với liên danh các nhà thầu, dự án sẽ hoàn thành vào đầu năm 2020. Tuy nhiên đến nay, mặc dù đã quá thời hạn thực hiện nhưng một số hạng mục của dự án vẫn chưa hoàn thành.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XVII, tỉnh Hải Dương đã quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, tổng vốn đầu tư dự án sau khi điều chỉnh tăng hơn 6,4 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu. Thời gian hoàn thành được kéo dài sang giai đoạn 2021-2025.

Theo tìm hiểu, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 45,8 tỷ đồng, trong đó 23 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ, còn lại là ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới được cấp gần 22,5 tỷ đồng và UBND huyện Thanh Miện đã giải ngân.

Theo UBND huyện Thanh Miện, nguyên nhân dẫn đến tiến độ các hạng mục công trình tại dự án bị chậm là do thiếu kinh phí thực hiện và phát sinh vướng mắc trong GPMB.

Cũng theo đại diện huyện Thanh Miện, tính đến tháng 7/2021, nhà thầu mới hoàn thành đắp đất mở rộng đảo 3A và 3B, kè gia cố đảo bằng rọ đá, nền gia cố bằng cọc tre. Đảo 4C mới thực hiện được khoảng 51% tổng khối lượng công việc. Các hạng mục khác như ươm cây, làm đường nhánh mới hoàn thành từ 5% - 25% khối lượng công việc.

Theo ông Nguyễn Đức Minh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam, hiện có một số người muốn đầu tư vào làm du lịch tại địa phương nhưng họ lại bỏ đi khi nhìn thấy cơ sở hạ tầng tại khu vực này chưa được hoàn thiện. Địa phương cũng mong công trình sớm hoàn thành để phát triển du lịch, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đường giao thông khu vực dự án đảo Cò, huyện Thanh Miện xuống cấp nghiêm trọng

Đường giao thông khu vực dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò, huyện Thanh Miện xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: Báo Hải Dương)

Ngoài các dự án trên, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn khá nhiều dự án đã được xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư gồm: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung huyện Ninh Giang (vùng sản xuất bắc và nam sông Cửu An); xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các huyện Cẩm Giàng, Kinh Môn, Tứ Kỳ, Gia Lộc; xây dựng đường trục Đông - Tây, tỉnh Hải Dương.

Ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương cho biết, đối với phân bổ vốn đầu tư công, tỉnh Hải Dương sẽ trung ưu tiên nguồn lực cho các công trình trọng điểm, mang tính động lực, kết nối liên vùng.

Cũng theo ông Thăng, đến ngày 31/10, tỉnh sẽ kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chưa giải ngân được sang các dự án đã có khối lượng thi công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đề nghị các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ GPMB, nhất là những dự án, công trình đã bố trí vốn, tập trung nguồn lực tiếp tục hoàn thành các công trình trọng điểm đã triển khai bảo đảm đúng tiến độ.

Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương sẽ kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chưa giải ngân được sang các dự án đã có khối lượng thi công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, nếu chủ đầu tư không giải ngân được sẽ bị xem xét trách nhiệm.

Theo ông Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, các dự án đầu tư công cần quy định rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện. Nếu trong quá trình triển khai, các đơn vị không hoàn thành đúng thời gian thì phải giải trình và có hình thức xử lý trách nhiệm cụ thể.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Hải Dương: Vì sao dự án đầu tư công bị điều chỉnh vốn? tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713455066 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713455066 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10