BASF “ngấm đòn” của Nga!
BASF, công ty hóa chất lớn nhất thế giới của Đức, đang gặp phải những đe dọa nghiêm trọng khi nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị thu hẹp.
>>>EU xoay xở giải “bài toán khí đốt”
BASF được thành lập vào ngày 6 tháng 4 năm 1865 tại Mannheim. Ngày nay, tập đoàn này bao gồm các công ty con và công ty liên doanh tại hơn 80 quốc gia với sáu địa điểm sản xuất tổng hợp và 390 địa điểm sản xuất khác ở Châu Âu, Châu Á, Úc, Châu Mỹ và Châu Phi. Trụ sở chính được đặt tại Ludwigshafen, Đức.
Trong nhiều năm, BASF đã xây dựng mô hình kinh doanh của mình xoay quanh khí đốt tự nhiên giá rẻ và dồi dào của Nga. Khí đốt này được sử dụng để tạo ra năng lượng và làm nguyên liệu cho các sản phẩm chế biến thành vô số thứ từ kem đánh răng, thuốc cho đến ô tô…
Nhưng, đầu tháng này, Nga bắt đầu cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho Đức và các nước châu Âu khác. Hệ quả là các giám đốc điều hành công ty đang buộc phải xem xét có khả năng đóng cửa khu phức hợp hóa chất tích hợp lớn nhất thế giới với khoảng 200 nhà máy, nếu nguồn cung cấp khí đốt giảm thêm.
Nếu BASF phải đóng cửa?
Tuần trước, Berlin đã khởi động kế hoạch khí đốt khẩn cấp thứ hai trong ba bước, trong đó bước cuối cùng có thể là cắt nguồn cung cấp khí đốt của một số công ty. Động thái này diễn ra sau khi Nga giảm lượng hàng giao cho Đức qua đường ống Nord Stream xuống 40% công suất. Matxcơva đổ lỗi cho sự thiếu hụt các bộ phận tuabin do các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, ai cũng hiểu đó là một đòn trả đũa từ Điện Kremlin. Các quan chức Đức gọi đây là một cuộc “tấn công kinh tế”.
Các công ty hóa chất như BASF là dễ bị tổn thương nhất vì khí tự nhiên rất quan trọng đối với hầu hết các quy trình của họ. Khoảng 60% lượng khí mà BASF tiêu thụ được sử dụng để sản xuất điện và hơi nước. 40% còn lại được sử dụng làm nguyên liệu thô hoặc nguyên liệu cho các sản phẩm của mình.
Nhưng, mối đe dọa không chỉ đến với BASF và 39.000 nhân viên của họ tại Đức. Bởi vì BASF và các công ty hóa chất khác nằm ở đầu của hầu hết các chuỗi cung ứng công nghiệp, sự gián đoạn của họ sẽ ảnh hưởng lớn ra ngoài lĩnh vực này, đe dọa nền kinh tế châu Âu trong thời điểm lạm phát cao và tăng trưởng chậm.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích còn cho rằng, việc giảm sản lượng amoniac của BASF, một thành phần quan trọng trong phân bón, có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực đang gia tăng trên thế giới.
Peter Westerheide, nhà kinh tế trưởng của BASF, cho biết: “Việc dừng sản xuất ở đây sẽ tạo ra hệ lụy vô cùng lớn. Chúng tôi chưa bao giờ phải đối mặt với tình huống như vậy trước đây. Thật khó tưởng tượng”.
Công ty cho biết, nếu nguồn cung cấp khí đốt giảm xuống dưới mức đáng kể trong một thời gian dài, họ sẽ phải ngừng sản xuất. Nhưng, việc toàn bộ khu phức hợp ngừng hoạt động ngay lập tức có thể dẫn đến các hư hỏng nghiêm trọng của nhà máy và rủi ro đáng kể.
Ông Westerheide cho rằng: “Mọi thứ đều được kết nối với nhau và phụ thuộc vào các phần khác của khu phức hợp. Phải mất chi phí rất cao để dừng lại và bắt đầu. Đây là một viễn cảnh cực đoan mà chúng tôi rất muốn tránh”.
>>>Châu Âu có thể chống đỡ trong cuộc chiến khí đốt với Nga?
>>>“Đông tiến” sẽ là mục tiêu chiến lược của dầu và khí đốt Nga?
Các giải pháp thay thế?
"Nói một cách đơn giản là không có giải pháp ngắn hạn nào để thay thế khí đốt tự nhiên từ Nga", Giám đốc điều hành của BASF Martin Brudermuller cho biết vào hồi tháng 4. Nhưng, với việc khí đốt ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ, BASF đang chạy đua để tìm ra các giải pháp thay thế. Và họ cũng chợt nhận ra một thực tế rằng, có rất ít giải pháp phù hợp trong ngắn hạn.
Về lâu dài, BASF đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo trong nguồn cung cấp điện. Tuy nhiên, nguồn cung cấp năng lượng tái tạo vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.
Trong bối cảnh những thách thức ở châu Âu, công ty đang tìm đến Trung Quốc. Họ đã và đang xây dựng một địa điểm sản xuất trị giá 10 tỷ USD ở Trạm Giang, miền nam Trung Quốc. Nhưng, việc xoay trục sang Trung Quốc cũng sẽ mất nhiều thời gian, công ty hiện thu được khoảng 14% doanh thu từ Trung Quốc, theo FactSet, so với khoảng 40% từ châu Âu.
Bên cạnh đó, có vẻ như người Đức không hoàn toàn tin tưởng vào mối quan hệ đối tác với Trung Quốc. Họ luôn ở trong trạng thái lo ngại và đề phòng với sự độc đoán của Bắc Kinh ở trong nước và tư thế hung hăng ở nước ngoài.
Sinischa Horvat, chủ tịch hội đồng công trình của BASF cho biết: “Trung Quốc là một thị trường hóa chất khổng lồ. Nhưng chúng tôi cũng phải cân nhắc: Liệu có đang khiến bản thân phụ thuộc nhiều hơn vào thứ gì đó hay không".
Có thể bạn quan tâm
EU xoay xở giải “bài toán khí đốt”
07:00, 22/05/2022
Châu Âu có thể chống đỡ trong cuộc chiến khí đốt với Nga?
04:30, 29/04/2022
“Đông tiến” sẽ là mục tiêu chiến lược của dầu và khí đốt Nga?
05:10, 21/04/2022
Châu Âu sẽ ra sao nếu không thanh toán khí đốt bằng đồng Rúp?
05:00, 03/04/2022
Mỹ ra kế hoạch mới “ghìm cương” giá khí đốt
13:00, 31/03/2022