Nga đã bắt đầu ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho một số quốc gia Châu Âu và đe dọa ngừng giao hàng cho các quốc gia "không thân thiện" khi từ chối thanh toán bằng đồng Rúp.
>>Chiến sự Nga- Ukraine sắp tới hồi kết?
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Bulgaria và Ba Lan sau khi hai quốc gia này từ chối thanh toán bằng đồng Rúp. Động thái này đánh dấu sự leo thang mới trong cuộc xung đột kinh tế giữa Nga và phương Tây, đồng thời đây cũng là phản ứng đáp trả mạnh mẽ nhất của Moscow đối với một số vòng trừng phạt của châu Âu kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraine vào tháng 2/2022.
Ngay sau đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các nước thành viên EU đã gặp nhau để đàm phán khẩn cấp vê tình hình hiện tại, và một số nước đã bắt đầu gửi khí đốt đến Ba Lan và Bulgaria.
"Kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch của Nga ở Châu Âu sẽ kết thúc. Châu Âu đang tiến về phía trước để đảm bảo an ninh năng lượng", bà Leyen nhấn mạnh.
Theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp cơ sở hạ tầng khí đốt Châu Âu, các cơ sở lưu trữ khí đốt của EU đã đầy khoảng 32%. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu 80% mà khối đã đặt ra cho các quốc gia thành viên vào tháng 11/2021.
Các nhà phân tích tại Berenberg dự đoán rằng Châu Âu sẽ có thể nhanh chóng cạn kiệt nguồn khí đốt nếu Nga đột ngột cắt nguồn cung. Tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu (EC) cho rằng các công ty EU sẽ không vi phạm quy định nói trên của Nga khi thanh toán hợp đồng với đối tác Nga, nếu họ chuyển euro hoặc USD vào tài khoản ngân hàng Gazprombank của Nga, rồi để đối tác này tự quy đổi sang Rúp.
>>EU toan tính gì trong gói trừng phạt Nga lần thứ 6?
Khẳng định trên của EC là tín hiệu ban đầu cho thấy EU sẵn sàng chấp nhận một phần yêu cầu của Tổng thống Putin. Nhưng điều này khó có thể thực hiện được nếu như đối tác Nga không chấp nhận tự quy đổi.
Trên thực tế, Ba Lan và Bulgaria có thể có khả năng đối phó khi các quốc gia này có thể tìm được nguồn cung khác và bắt đầu cắt giảm phụ thuộc nguyên liệu từ Moscow. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt cho các nước EU khác, đặc biệt là Đức và Italy, thì châu Âu sẽ phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng.
Đức thường nhập khẩu khoảng 55% lượng khí đốt từ Nga. Mặc dù họ đã cố gắng giảm tỷ trọng nhập khẩu xuống 40% trong những tuần gần đây, nhưng nếu Nga ngừng đột ngột nguồn cung sẽ là thảm họa đối với ngành công nghiệp nặng của Đức vốn đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu nguyên liệu thô.
Ngân hàng trung ương Đức tuần trước cho biết việc ngừng hoạt động đột ngột sẽ đẩy nền kinh tế Đức vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Theo phân tích của 5 viện kinh tế hàng đầu của Đức, khoảng 550.000 việc làm và 6,5% sản lượng kinh tế hàng năm của Đức có thể bị mất trong năm nay và năm sau.
Ông Ole Hvalbye, nhà phân tích tại ngân hàng Thụy Điển SEB nói với CNN Business, Nga đã giành được lợi thế ban đầu trong cuộc đấu khí đốt với EU. Tuy nhiên, nếu Đức và Italy cùng tung ra chiến lược cứng rắn quyết tâm thoát phụ thuộc năng lượng Nga, cục diện cuộc chiến sẽ thay đổi hoàn toàn.
Có thể bạn quan tâm
“Đông tiến” sẽ là mục tiêu chiến lược của dầu và khí đốt Nga?
05:10, 21/04/2022
Châu Âu sẽ ra sao nếu không thanh toán khí đốt bằng đồng Rúp?
05:00, 03/04/2022
Mỹ ra kế hoạch mới “ghìm cương” giá khí đốt
13:00, 31/03/2022
G7 không đồng ý thanh toán khí đốt bằng Rúp cho Nga
15:24, 29/03/2022
Yêu cầu thanh toán khí đốt bằng Rúp, các quốc gia triển khai như thế nào?
09:45, 29/03/2022