Khủng hoảng "kép", doanh nghiệp thiết lập “mặt trận phòng ngự”

Nhà báo NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG – Cố vấn trưởng Tổ chức giáo dục đào tạo PTI 04/07/2022 12:00

Đầu tiên là đại dịch Covid-19, sau là xung đột Nga – Ukraine, hai cuộc khủng hoảng lớn như tảng băng trôi đứng trước mũi thuyền kinh tế toàn cầu.

>>Ngành du lịch Việt: Định hình vòng quay kinh tế số

Xuất hiện lần đầu vào cuối năm 2019, dịch bệnh Covid-19 đã lan nhanh trên toàn thế giới và hiện được xem là đại dịch nguy hiểm nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Xuất hiện lần đầu vào cuối năm 2019, dịch bệnh Covid-19 đã lan nhanh trên toàn thế giới và hiện được xem là đại dịch nguy hiểm nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Doanh nghiệp chưa kịp gỡ rối về chuỗi cung ứng, nay lại phải gấp rút lo tìm giải pháp tình thế và đối tác thương mại tin cậy.

Khủng hoảng có dự báo

Dịch bệnh và chiến tranh vốn là những điều thế giới không còn xa lạ. Những dấu hiệu manh nha trong khoảng một thập kỷ gần đây đều quy về một nhận định chung: Thế giới sẽ tiếp tục hứng chịu ít nhất một sự kiện “thiên nga trắng” (nghĩa là sự kiện có thể dự đoán và chắc chắn sẽ diễn ra, đối lập với khái niệm “thiên nga đen” của nhà phân tích kinh tế Nassim Nicholas Taleb).

Với Covid-19, tỷ phú Bill Gates được xem như một “nhà tiên tri” khi nhiều năm liên tục cảnh báo cả thế giới về một đại dịch toàn cầu. Ông cho rằng cơn khủng hoảng này “ngang hàng với biến đổi khí hậu và chiến tranh”, khiến toàn nhân loại phải chật vật ứng phó.

Thực tế, trước Covid-19, hàng trăm chuyên gia y tế trên thế giới đã từng cảnh báo về khả năng xảy ra khủng hoảng của mầm bệnh thế kỷ. Covid-19 xuất hiện đột ngột, nhưng về bản chất đã được đoán ra từ sớm. Toàn thế giới bị đình trệ hoạt động và gần như “bó tay” trước loài siêu vi bé nhỏ.

Với câu chuyện Nga – Ukraine, có thể nói mọi diễn biến xảy ra như quy luật tất yếu quen thuộc trong sách giáo khoa ngoại giao và lịch sử: Khi đối mặt với một điều được coi là mối đe dọa sống còn, một cường quốc sẽ sử dụng vũ lực. 

“Lung tù” địa chính trị - sự đóng băng về hải cảng và sự bằng phẳng của đồng bằng Bắc Âu – đã khiến vô số thế hệ lãnh đạo Nga từ thời Peter Đại đế đến Vladimir Putin luôn đau đáu phải tìm cách đối mặt. Và hiển nhiên, Nga chưa bao giờ ngần ngại tận dụng vũ khí mạnh nhất của mình ngoài tên lửa hạt nhân. Vũ khí này không phải quân đội và không quân, mà là khí đốt và dầu mỏ. 

Sức mạnh vàng đen của Nga chi phối gần như toàn châu Âu, và cũng là nguồn cơn chao đảo của kinh tế toàn cầu. “Đây là một cuộc chiến kinh tế đặt căn bản trên địa lý và là một trong những ví dụ của thời hiện đại, khi công nghệ được tận dụng để vượt qua những câu thúc về địa lý của các thời đại trước”, Tim Marshall, ký giả nổi tiếng người Anh, đã nhận định trong cuốn sách Prisoners of Geography về nỗ lực của EU trong việc thoát phụ thuộc nguồn khí đốt từ Nga.

>>Ngành F&B "vượt bão" (Kỳ 2): Chuyển đổi để đón đầu một chu kỳ tăng trưởng mới

Giá của nhiều mặt hàng trong đó có dầu đã tăng vọt do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine. Ảnh: Bloomberg

Giá của nhiều mặt hàng trong đó có dầu đã tăng vọt do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine. Ảnh: Bloomberg

Tác động trung và dài hạn

Kinh tế thế giới chưa kịp rảo bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thì đã nhận đòn giáng tiếp theo từ xung đột Nga - Ukraine. Thảm họa thứ cấp do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga làm suy yếu nghiêm trọng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.

Hiện tại, giá xăng dầu, giá nhà đất, thực phẩm, ô tô mới và cũ tại Châu Âu và Hoa Kỳ tiếp tục tăng, trong đó xăng tăng hơn 30%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính xung đột giữa Nga và Ukraine có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu hơn 1 điểm phần trăm và làm tăng lạm phát 2,5 điểm phần trăm trong năm 2022.

Theo thống kê của các Ngân hàng Trung ương, lạm phát tại Mỹ sẽ lên tới 9% trong tháng 6/2022, lạm phát tại khu vực Eurozone trong tháng 5/2022 ước tính tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ, mở đường cho việc tăng lãi suất cơ bản từ tháng 7/2022.

Các cường quốc thắt chặt chính sách tiền tệ, diễn ra cùng thời điểm với tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm tốc, trong khi giá cả hàng hóa vẫn tăng lên. Đây là hiện tượng được gọi là lạm phát đình trệ, tác động mạnh mẽ và tiến một bước làm suy thoái nền kinh tế.

Một ví dụ tiêu biểu khác là xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam bị giảm đáng kể. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tháng 5/2022 đạt 1,38 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng 5/2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 925,1 triệu USD, giảm 17,1% so với tháng 5/2021.

Những xung đột về địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng nguồn và giá gỗ nguyên liệu, chi phí logistics tăng cao... gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gỗ. Giá cả hàng hóa tăng mạnh sẽ khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhất là đối với các mặt hàng tương đối lâu bền như đồ nội thất bằng gỗ.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam được công bố vào trung tuần tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước.

fd

Sau khủng hoảng, tình huống mà các doanh nghiệp gặp phải có thể khác nhau, nhưng tư duy nhất quán luôn là “tự lực cánh sinh”

Hướng đi cho doanh nghiệp Việt Nam

Theo diễn biến của tình hình, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng công tác kinh tế năm nay cần tập trung đề phòng và có phương án giảm thiểu nhỏ nhất ảnh hưởng và nguy cơ đến từ trạng thái “lạm phát đình trệ”. Chính phủ cần chuẩn bị đầy đủ hệ thống công cụ chính sách và nguồn lực kiểm soát vĩ mô, đồng thời kiên quyết kiềm chế xu hướng lạm phát đặc trưng bởi giá các sản phẩm sơ cấp tăng cao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được khuyến khích tìm kiếm định hướng linh hoạt để phát triển, thay vì chỉ trông chờ hiệu quả từ các giải pháp tài chính, giảm thuế. Đặc biệt, doanh nghiệp cần biết tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.

“Chính sách và quản lý thuế có tác động khá lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, nhưng thuế không phải là chìa khóa vạn năng để mở các cánh cửa”, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), chia sẻ tại hội thảo “Diễn đàn Kinh tế & Doanh nghiệp 2022: Thích ứng và Tự chủ”.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng, cải tiến công nghệ sản xuất. Chiến lược kinh doanh trong thời gian tới của các doanh nghiệp nên xoay quanh việc đa dạng hóa quốc tế về nhập khẩu sản phẩm chính, giảm sự phụ thuộc nguyên liệu nhập từ thị trường một nước.

Điều quan trọng nhất, doanh nghiệp cần thiết lập một cơ chế phòng ngừa rủi ro thị trường quốc tế hiệu quả - một “mặt trận phòng ngự” trước khủng hoảng kép. Mặt trận này nằm tập trung ở hai chiến tuyến “cung” và “cầu”.

Về phía cung, doanh nghiệp tiếp tục tăng cường sử dụng và phát triển năng lượng, sản phẩm nông nghiệp và tài nguyên khoáng sản trong nước. Về phía cầu, doanh nghiệp nỗ lực bám sát thị trường, tìm kiếm các đối tác thương mại hiệu quả, yên tâm và ổn định để tạo thành mối liên hợp cũng như chỗ dựa bền chắc.

Trước khủng hoảng, các nhà quản lý cần suy nghĩ sâu sắc về hai vấn đề trong tổ chức: một là làm thế nào để giải quyết công việc quản lý theo phương thức thích nghi với khủng hoảng; hai là làm thế nào để doanh nghiệp có thể sử dụng chính sách cổ tức để tự tìm kiếm lợi nhuận.

Sau khủng hoảng, tình huống mà các doanh nghiệp gặp phải có thể khác nhau, nhưng tư duy nhất quán luôn là “tự lực cánh sinh”, mà không phải chỉ biết chờ đợi sự trợ giúp từ bên ngoài. Đối diện với mọi thách thức, doanh nghiệp Việt không còn cách nào khác là chuyển mình và tiếp tục tạo ra giá trị mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Tư duy người lãnh đạo quyết định thành công của doanh nghiệp

    Tư duy người lãnh đạo quyết định thành công của doanh nghiệp

    00:21, 04/07/2022

  • DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: “Thời buổi nào còn mở cửa hàng thực địa”

    DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: “Thời buổi nào còn mở cửa hàng thực địa”

    11:00, 03/07/2022

  • Doanh nghiệp dệt may trước áp lực lạm phát

    Doanh nghiệp dệt may trước áp lực lạm phát

    12:00, 02/07/2022

  • Doanh nghiệp

    Doanh nghiệp "dồn lực" làm mới sản phẩm du lịch MICE

    03:00, 02/07/2022

  • Doanh nghiệp muốn đi xa và bền vững thì cần phải có sự hợp tác

    Doanh nghiệp muốn đi xa và bền vững thì cần phải có sự hợp tác

    01:30, 01/07/2022

Nhà báo NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG – Cố vấn trưởng Tổ chức giáo dục đào tạo PTI