“Cục máu đông” làm nghẽn sự phát triển ngành logistics Việt Nam
Logistics được ví như huyết mạch của nền kinh tế, tuy nhiên, lại đang bị vướng bởi nhiều rào cản đặc biệt là kết cấu hạ tầng logistics.
>>Tập đoàn Nhật Bản đầu tư hạ tầng logistics tại Việt Nam
Bốn trụ cột chính
Bốn trụ cột chính của hệ thống logistics của một quốc gia bao gồm: Cơ chế, chính sách điều chỉnh, Kết cấu hạ tầng logistics, Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics.
Hiện nay, đối với chúng ta đều có những rào cản trong cả 4 trụ cột đó tuy ở mức độ khác nhau. Trong đó trước hết là kết cấu hạ tầng logistics của cả 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thủy nội địa và đường không), mặc dù trong thời gian qua được Chính phủ ưu tiên phát triển, nhưng chưa phát triển đồng bộ và còn yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải đa phương thức, phát triển gia tăng của chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics nhất là đối với hàng nông hải sản, hoa quả tươi xuất khẩu, làm cho chi phí logistics của nước ta còn ở mức cao (tương đương 16,8% GDP) so với thế giới (10, 7%).
Bên cạnh hạ tầng cứng đó, hạ tầng mềm là ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động dịch vụ logistics tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Khoảng 46% trong số 600 hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) hiện nay ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động logistics, chủ yếu là các dịch vụ khai báo hải quan, quản lý kho bãi,cảng biển, giao nhận vận tải, thanh toán, theo dõi hành trình xe tải.
Vấn đề thứ hai là hiện nay cả nước mới có khoảng 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa, trong đó có trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp xuyên quốc gia, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tích hợp (3PL và 4PL) chưa nhiều và đủ mạnh cạnh tranh được với các Doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trên thị trường Việt Nam. Sự hợp tác, kết nối giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics (nhà sản xuất, chủ hàng hóa xuất nhập khẩu) còn nhiều vấn đề cần kịp thời tháo gỡ. Trung tâm logistics chưa phát triển, nhất là trung tâm logistics mang tính chất vùng để tập trung hàng hóa và phục vụ trực tiếp cho hàng nông sản, thủy sản sau thu hoạch và xuất nhập khẩu…
>>Chuyển đổi số - Chìa khoá phát triển ngành logistics
Ví dụ điển hình
Tôi xin nêu một ví dụ về rào cản hạ tầng đang được Chính phủ quan tâm tháo gỡ tại Hội nghị công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Định hướng triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN; là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 90% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng hạn chế, thiếu tính liên kết do chưa làm tốt công tác quy hoạch vùng là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí logistics hàng nông sản hiện nay ở mức cao, khoảng 30% giá thành sản phẩm. Cả khu vực chưa có đến 100 km đường cao tốc.Vận tải thủy là phương thức vận chuyển chính của ĐBSCL nhưng chỉ có một số cảng sông, quy mô nhỏ, chất lượng thấp.
Bên cạnh đó, chưa có hệ thống kho tập kết hàng hóa gần cảng, đồng thời, hạn chế trong đầu tư công nghệ chuỗi lạnh (cold chain). Sân bay Cần Thơ, sân bay Cà Mau hay Rạch Giá (Kiên Giang) có công suất thấp, sân bay Phú Quốc công suất khai thác cao nhưng chủ yếu phục vụ khách du lịch. ĐBSCL chưa có trung tâm logistics mang tính chất vùng để tập trung hàng hóa và phục vụ trực tiếp cho hàng nông sản, thủy sản sau thu hoạch và xuất nhập khẩu. Hạ tầng là điểm nghẽn ở ĐBSCL cần được tháo gỡ ngay.
>>LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Hạ tầng cảng biển là một yếu tố quan trọng
Rào cản liên kết
Như phần trên đã đề cập, Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics là hai trụ cột trong hệ thống logistics quốc gia. Vì vậy, sự liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đóng một vai trò mang tính chất quyết định trong sự thành công của hoạt động logistics nước ta, vì đây là yếu tố con người.
Hiện nay, tuy có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua, nhưng sự liên kết giữa hai trụ cột này còn nhiều vấn đề cần cải thiện để góp phần làm giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và việc thực hiện các hiệp định FTA thế hệ mới, nhất là các hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP và sắp tới là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF).
Rào cản liên kết này có nhiều nguyên nhân. Nhưng trước hết là chưa có sự nhận thức đúng đắn về vai trò của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Ở đâu đó vẫn còn nhận thức là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chỉ là khâu trung gian ăn hoa hồng và làm tăng chi phí trong tiến trình xuất nhập khẩu mà chưa thấy dịch vụ logistics là một dịch vụ gia tăng làm nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu.
Từ đó dịch vụ thuê ngoài chưa được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu coi trọng. Dịch vụ thuê ngoài càng cao thì trình độ cung cấp dịch vụ logistics càng phát triển. Dịch vụ này càng cao thì doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu càng tập trung tốt vào việc nâng cao chất lượng hàng hóa và công tác xuất nhập khẩu. Và cũng từ nhận thức đó hiện nay vẫn còn trên 90% hàng hóa xuất khẩu của nước ta bán theo hình thức FOB và hàng hóa nhập khẩu theo hình thức C&F.
Chính vì vậy các dịch vụ logistics ngoài do chủ hàng nước ngoài quyết định và họ giành cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của họ là chính. Hiện nay, Bộ Công thương và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đang nỗ lực cải thiện thình thức mua bán và mối quan hệ này. Khi có quan hệ hai bên được tốt thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là trong khâu giao nhận vận tải sao cho hợp lý với giá thành thấp nhất có thể.
Tháo gỡ nút thắt
Để tháo gỡ nút thắt cần có những giải pháp toàn diện với quyết tâm thực hiện cao trên cả 4 trụ cột của hệ thống logistics nước ta. Trong đó các giải pháp liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng logistics cả phần cứng và nhất là phần mềm là cấp bách hiện nay. Phát triển đường cao tốc kết nối giữa các trung tâm sản xuất, xuất nhập khẩu kết nối với các cảng biển nước sâu ở hai đầu đất nước như Chính phủ đã đề ra dến năm 2030 đạt 3.000km đường cao tốc. Trong phát triển kết cấu hạ tầng cần chú trọng kết hợp công tư, huy động tối đa nguồn vốn tư nhân như các địa phương đã huy động để phát triển sân bay, đường cao tốc, bến cảng, kho bãi… Phát huy tối đa vai trò của vận tải đa phương thức, vận tải đường thủy nội địa và đường sắt liên vận.
Cần đầu tư phát triển các trung tâm logistics hoàn thiện phục vụ hàng nông sản với những dịch vụ chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng như khai báo hải quan, kiểm nghiệm, chiếu xạ hàng hóa, kho lạnh….
Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, chất lượng nguồn nhân lực logistics, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu Cách mạng Công nghiệp 4.0, hiện đại hóa trong hoạt động sản xuất, chế biến và hoạt động dịch vụ logistics.
Phát triển các Hiệp hội logistics ở các tỉnh thành, khu vực kinh tế trọng điểm để hỗ trợ việc phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cả về số lượng và chất lượng, là tiếng nói của doanh nghiệp phản biện chính sách phát triển logistics và kinh tế. Phát triển nhanh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trọn gói 3PL, 4PL; đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và các doanh nghiệp chủ hàng nhằm tận dụng dịch vụ logistics gia tăng đi đôi với đẩy mạnh hợp tác quốc tế có hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh thu hút nhà đầu tư vào hạ tầng logistics
14:58, 09/06/2022
Giảm chi phí logistics cho nông sản: Mô hình liên kết hãng tàu và doanh nghiệp
04:30, 28/06/2022
Chuyển đổi số - Chìa khoá phát triển ngành logistics
01:09, 27/06/2022
Bến Tre: Đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông và logistics
15:35, 24/06/2022
Đưa dịch vụ logistics trực tiếp đến với người sản xuất
03:45, 13/06/2022
Phát triển Trung tâm logistics tại TP. Thủ Đức, tại sao không?
04:45, 12/06/2022
Doanh nghiệp logistics gặp “thế kẹt” hạ tầng
04:00, 12/06/2022