Đưa dịch vụ logistics trực tiếp đến với người sản xuất     

NGUYỄN TƯƠNG 13/06/2022 03:45

Việc thực hiện “đưa dịch vụ logistics đến với nông dân” - những người trực tiếp sản xuất và đưa hàng hóa vào luồng xuất nhập khẩu là cần thiết.

>>>Thúc đẩy cơ chế liên kết phát triển doanh nghiệp logistics

Tại Diễn đàn "Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, các ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia tham dự đã nêu bật vị trí quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Vùng có đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước; có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn mỗi năm.

Cần

Cần thực hiện ngay việc “đưa dịch vụ logistics đến với nông dân”.

Có thể thấy rằng, ĐBSCL mặc dù là trung tâm lớn trong sản xuất nông nghiệp của cả nước, nhưng chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics chưa phát triển tương xứng, là một nút thắt, cản trở sự tăng trưởng kinh tế của vùng. Đây cũng là một trong những cản trở chính làm cho khoảng 70% lượng hàng hóa này muốn xuất khẩu phải vận chuyển qua các cảng lớn ở TP Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa Vũng Tàu). Điều này cũng khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40%, tùy theo mặt hàng và từng chuyến, ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Qua đó làm cho chi phí logistics đang ở mức cao nhất và chiếm đến khoảng 30% giá thành sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy cần phải có những giải pháp tháo gỡ nút thắt một cách kịp thời nhằm tập trung vào việc giảm chi phí logistics xuống còn khoảng 15%.

Đặc điểm nổi bật hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch logistics khu vực ĐBSCL phần lớn các dịch vụ chỉ mới dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ, thiếu chuyên nghiệp, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các phương thức vận tải, nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, hoạt động theo 17 loại hình dịch vụ logistics được quy định của Nghị định số 163/2017/NĐ-CP “Quy định về kinh doanh dịch vụ logistics” ở 13 tỉnh ĐBSCL như sau: Thành phố Cần Thơ: 327, tình Kiên Giang: 211, tỉnh Long An: 179, tỉnh Tiền Giang: 169, tỉnh An Giang: 133, tỉnh Vĩnh Long: 83, tỉnh Đồng Tháp: 77, tỉnh Hậu Giang: 60, tỉnh Bến Tre: 56, tỉnh Cà Mâu: 56, tỉnh Bạc Liêu: 38, tỉnh Trà Vinh: 38 và tỉnh Sóc Trang: 34. Tổng cộng chỉ có 1.461 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 4.39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước (1.461 /33.276).

Số lượng rất it, nếu cùng tiêu chí này thì Hà Nội là 5.052, Thành phố Hồ Chí Minh là 10.778.  Vì vậy, khu vực ĐBSCL cần có Hiệp hội logistics để tập hợp và phát triển doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics đủ mạnh phục vụ hiệu quả cho hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu. Sự phối kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu còn là vấn đề cần phải cải thiện nhiều.

Nhiều trường hợp không giao dịch trực tiếp được giữa các nông dân sản xuất ra hàng hóa và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics mà phải qua khâu trung gian. ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, bãi container rỗng cũng như luồng lạch đủ sâu và các cảng nước sâu cho tàu vận chuyển hàng container xuất khẩu.

Để hoàn thiện và phát triển bền vững chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics của ĐBSCL ngoài những biện pháp mà các đại biểu đã đề nghị như vấn đề quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường liên kết vùng, phát triển nguồn nhân lực… thì phải thực hiện ngay việc “đưa dịch vụ logistics đến với nông dân” - những người trực tiếp sản xuất và đưa hàng hóa vào luồng xuất nhập khẩu, đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế. Đồng thời, kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam ngay từ sản xuất, thu hoạch, vận tải cho đến khâu kiểm định chất lượng cho tới thông quan xuất khẩu; gắn sản xuất với yêu cầu cụ thể của thị trường quốc tế, hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững cho nông sản của vùng.

>>>Logistics cho nông sản ĐBSCL: Liên kết phát triển logistics liên vùng

Theo đó, để đưa dịch vụ logistics trực tiếp đến với người sản xuất, ý kiến chuyên gia cho rằng cần tiến hành đồng bộ các biện pháp sau đây. Thứ nhất, trang bị cho nông dân, người sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu kiến thức cơ bản về vận tải, logistics trong đó có logistics xanh, logistics trong chuyển đổi số, e-commerce…Qua đó tạo ra sự hợp tác có hiệu qủa với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.

Thứ hai, xây dựng mối quan hệ chắt chẽ và trực tiếp giữa người sản xuất hàng hóa với doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nhằm loại bỏ dần vai trò trung gian, chân gỗ làm sai lệch thị trường dịch vụ logistics, để sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics gắn kết trong một dây chuyền cung ứng hoàn thiện.

Qua đó các doanh nghiệp logistics có điều kiện hướng dẫn người sản xuât và xuất khẩu hàng hóa cách vận chuyển sao cho chi phí thấp nhất trong những trường hợp chụ thể, nhất là hàng hóa xuất khẩu đi thị trường Mỹ khi có yêu cầu của Cục Hàng hải Mỹ đối với các doanh nghiệp chuyên chở, làm dịch vụ logistics cần phải có giấy phép và ký quỹ, qua đó tránh giao dịch lòng vòng qua nhiều doanh nghiệp tốn kém chi phí.

Hiện nay, trên địa bàn ĐBSCL có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của TP HCM. Đây là một điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác phát triển doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của bản thân ĐBSCL. Nổi bật là các doanh nghiệp như Tân Cảng Sài Gòn có các Cảng: Tân Cảng (TC) Cái Cui, TC Thốt nốt ở Cần Thơ; TC Sa Đéc, TC Cao Lãnh ở Đồng Tháp, TC Giao Long ở Bến Tre, TC Hòn Chông ở Kiên Giang với các dịch vụ tại các Cảng là đóng rút nông sản, làm hàng container. Hàng ngày có 10-12 chuyến sà lan chuyên chở 36-54 TEU hàng nông sản kết nối DBSCL với Cảng tại HCM.

Ngoài ra còn có kho tại TC Cái Cui và Cao Lãnh, có dịch vụ vận chuyển trucking. GEMADEPT đã hợp tác với doanh nghiệp Minh Phú kinh doanh kho lạnh, ngoài ra còn có dịch vụ chuyên chở hàng hóa bằng sà lan. Doanh nghiệp ACG, cung cấp dịch vụ chuyên chở hàng không cho hàng nông sản… Đây là những doanh nghiệp hội viên của VLA, cung cấp dịch vụ logistics nội địa và quốc tế hàng đầu của nước ta.

Xây dựng trung tâm logistics gắn với sản xuất.

Xây dựng trung tâm logistics gắn với sản xuất.

Thứ ba, hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất hàng hóa sau thu hoạch mà hiện nay tổn thất hàng hóa nông, thủy sản đang ở mức cao từ 25%-30%. Đây là một trong những nhân tố làm tăng chi phí sản xuất của người nông dân, nười sản xuất hàng hóa xuất khẩu ở ĐBSCL.

Một trong những biện pháp để hạn chế tổn thất này như ông Phạm Tiến Hoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang cho rằng, để nông sản miền ĐBSCL có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và đáp ứng yêu cầu khắt khe của thế giới, bắt buộc phải hình thành các Trung tâm logistics chuyên cho nông sản, hải sản gắn với sản xuất.

Tại các trung tâm này sẽ có đầy đủ các dịch vụ để phục vụ và hỗ trợ cho các loại nông sản từ khâu thu mua đến phân loại, lựa rửa, đóng gói, bảo quản lạnh cho đến thông quan xuất khẩu và dich vụ tài chính, giám định kiểm nghiệm hàng hóa, chiếu xạ tiệt trùng… để người sản xuất không phải đưa hàng hóa đi xa làm các thủ tục này vừa tốn kém chi phi vận tải, bốc xếp nhiều lần, qua đó góp phần làm giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu của khách hàng quốc tế, tăng giá trị hàng hóa. Qua đó loại bỏ tình hình phỏ biến hiện nay khi người nông dân thu hoạch nông sản sẽ phải mang tới một đầu cơ sở đại lý thu gom, đại lý thu gom lại mang tới mọi cơ sở sơ chế hoặc đóng gói, từ cơ sở sơ chế đóng gói này lại mang tới một cơ sở chiếu xạ, sau đó tới kho xuất khẩu.

Giai đoạn nhiều là vậy, thêm nữa trong mỗi giai đoạn này đều có khâu vận chuyển, bốc xếp khiến quá trình từ khi nông sản được thu hoạch phải trải qua 3-4 khâu. Nhưng khi tới trung tâm này, nông sản sẽ được xử lý trọn gói sau đó xuất khẩu trực tiếp đi nước ngoài. Có thể thấy, tất cả đều nằm ở trung tâm này giúp giảm rất nhiều công đoạn từ đó chi phí logistics giảm 50 %.

Thứ tư, phải đưa vận tải, logistics đến tận “bờ ruộng”. Ví dụ: như năm 2021 đã thử nghiệm đưa container lạnh chạy dầu đến với nông dân. Thiết lập depot container chuẩn trong hệ thống khai thác của hãng tàu cho khu vực ĐBSCL ở Cần Thơ hoặc lân cận để có địa điểm tập kết container rỗng, qua đó khuyến khích vận tải thủy.

Hiện nay, đã có hãng tàu cho mở Code ở Cần Thơ, qua đó có thể tận dụng việc lấy container rỗng và xếp hàng ở Cần Thơ, tránh được chi phí lấy container rỗng ở TP Hồ Chí Minh và tiết kiệm thời gian làm hàng xuất khẩu, tạo điều kiện thông thương hàng hóa nông sản. Muốn làm được điều đo thì việc tập trung nguồn hàng là hết sức quan trọng.

Có thể bạn quan tâm

  • “Nóng” cuộc đua smart logistics

    17:00, 12/06/2022

  • Doanh nghiệp logistics gặp “thế kẹt” hạ tầng

    04:00, 12/06/2022

  • Quảng Ninh thu hút nhà đầu tư vào hạ tầng logistics

    14:58, 09/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đưa dịch vụ logistics trực tiếp đến với người sản xuất     
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO