Một triệu héc ta lúa chất lượng cao (Kỳ III): Khẳng định vị thế gạo Việt
1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có lợi thế trên thị trường quốc tế khi tham gia đấu thầu cũng như giới thiệu sản phẩm.
>>Một triệu héc ta lúa chất lượng cao (kỳ II): Giải pháp "6 thông minh"
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Võ Hồng Tú – Đại học Cần Thơ khẳng định, nếu đề án sản xuất 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ xuất khẩu được thực hiện thành công sẽ định vị cho ngành lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
- Thưa ông, nếu được thực hiện thành công, dự án sẽ tạo bước ngoặt như thế nào cho ngành kinh tế lúa gạo của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thưa ông?
Như chúng ta đã biết đồng bằng sông Cửu Long đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên về cơ cấu giống, chất lượng gạo, sản xuất an toàn thực phẩm vẫn chưa ổn định. Để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới cũng như cạnh tranh về mặt giá cả so với các đối thủ cạnh tranh, rất cần một chiến lược rõ hơn đó là 1 triệu hecta lúa chất lượng cao.
Do vậy, nếu dự án thành công sẽ giúp định vị cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trên thị trường xuất khẩu lúa gạo quốc tế. Thêm vào đó, sinh kế của người nông dân trồng lúa sẽ được cải thiện đáng kể nhờ vào sự liên kết trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ tập trung.
- Ông đánh giá, chúng ta có thể sẽ gặp phải những khó khăn và thách thức nào khi triển khai dự án?
Mặc dù là vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo của cả nước nhưng chắc chắn còn không ít những khó khăn trong quá trình triển khai dự án, cụ thể, trước hết là tính liên kết ngang giữa những nông dân trong sản xuất và tiêu thụ tập trung còn chưa cao.
Một điều rất quan trọng khác là mối liên kết dọc giữa nông dân và doanh nghiệp mặc dù đã được thiết lập nhiều nhưng thiếu tính bền vững và gắn kết cũng như chia sẻ trách nhiệm, lợi ích trong toàn chuỗi giá trị ngành hàng.
Bên cạnh đó, một bộ phận nông dân còn sản xuất theo kinh nghiệm nên việc tuân thu theo quy trình sản xuất chất lượng cao sẽ tốn nhiều thời gian để thay đổi. Nông dân trồng lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sở hữu nhiều mẫu đất nhưng không tập trung và manh mún, nhỏ lẻ nên gặp khó khăn trong quản lý cũng như canh tác
Đặc biệt, để thực hiện thành công dự án, các hợp tác xã lúa gạo đóng vai trò khá quan trọng nhưng thực trạng cho thấy năng lực quản lý của Hội đồng quản lý và Giám đóc/Phó giám đốc các hợp tác xã còn khá hạn chế.
>>Một triệu héc ta lúa chất lượng cao (kỳ I): Để liên kết lớn không còn… “chậm lớn”
- Theo ông “Dự án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao” lần này cần rút kinh nghiệm như thế nào từ mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã triển khai trước đó?
Bản thân chương trình “cánh đồng mẫu lớn” triển khai thời gian qua cũng nảy sinh nhiều khó khăn và thách thức như không phát huy hiệu quả do những trở ngại về liên kết và áp lực doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện, nông dân trồng lúa đã dần thay đổi thói quen và tích lũy khá đầy đủ thông tin, kiến thức và quan trọng nhất là nhận thức về tầm quan trọng của sự hợp tác trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Do vậy, chương trình “cánh đồng mẫu lớn” có thể xem là nền tảng quan trọng, giúp hoàn thiện “nền móng” cho các bước phát triển tiếp theo.
Thêm vào đó, các chính sách về phát triển hợp tác xã của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua cũng đã tạo tiền đề quan trọng cho nông dân, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp.
- Vậy làm sao đảm bảo được mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong hiện thực hoá mục tiêu 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao cho xuất khẩu vừa được Chính Phủ giao, thưa ông?
Để mối liên kết bền vững thì cần có một cơ chế chia sẻ hài hòa và các bên đều thấy được lợi ích sự hợp tác. Do vậy, về khía cạnh doanh nghiệp cần xem hợp tác xã, nông dân là khách hàng và cố gắng giữ được khách hàng. Hay nói cách khác là hợp tác trên tinh thần cầu thị và cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro với hợp tác xã, nông dân.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế về thị trường như đấu thầu nông sản để các hợp tác xã, nông dân có quyền tham gia đàm phán về giá cả và thị trường.
Đối với hợp tác xã, nông dân cần tiếp tục thay đổi tư duy từ sản xuất sang kinh tế thị trường và tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn cũng như các nguyên tắc trong hợp đồng.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Một triệu héc ta lúa chất lượng cao (kỳ II): Giải pháp "6 thông minh"
04:00, 13/07/2022
Một triệu héc ta lúa chất lượng cao (kỳ I): Để liên kết lớn không còn… “chậm lớn”
04:20, 11/07/2022
Bước ngoặt cho lúa gạo Việt Nam
00:20, 11/07/2022
Đề xuất phát triển dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao ĐBSCL
09:45, 21/06/2022
Chiến lược giá cho lúa gạo
11:00, 16/03/2022
Cổ phiếu lúa gạo nổi sóng do lo ngại chiến sự Nga - Ukraine
05:00, 05/03/2022