Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp cùng các địa phương xây dựng Đề án sản xuất 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao tại vùng ĐBSCL để phục vụ xuất khẩu.
>>Đề xuất phát triển dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao ĐBSCL
Trả lời phỏng vấn DĐDN, ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, để Đề án thành công cần có một quy hoạch tổng thể, đồng thời có các bộ tiêu chí lúa “chất lượng cao”.
- Căn cứ nào để Tập đoàn Lộc Trời đề xuất được tham gia chủ trì vận hành Đề án, thưa ông?
Đề xuất của Tập đoàn Lộc Trời tham gia xây dựng, triển khai thí điểm và tiến đến vận hành dự án 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao không phải là một quyết định được đưa ra đột ngột. Trên thực tế, Lộc Trời đang cùng với bà con nông dân triển khai đến nay hơn 100 ngàn hecta trồng lúa theo tiêu chuẩn chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Chúng tôi luôn toàn tâm, toàn ý thực hiện cam kết “cùng nông dân phát triển bền vững”, Lộc Trời có đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp chuyên sâu về lúa, có khả năng tổ chức sản xuất lớn, có năng lực xử lý dịch bệnh trên cây trồng. Chúng tôi thực sự tin rằng, Đề án sẽ đem lại những chuyển đổi thực chất cho kinh tế lúa gạo. Đề án sẽ giúp làm rõ được vị thế của Việt nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.
- Việc triển khai Đề án sẽ gặp những thách thức gì, thưa ông?
Thách thức đầu tiên, quy mô của Đề án này không nằm trong phạm vi quản lý hành chính của một tỉnh. Do đó, chúng tôi đề xuất nên quy hoạch vùng trồng tập trung 1 triệu hecta ở những địa bàn cụ thể như 3 tỉnh chính là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, thêm vào đó là một số diện tích tại hai tỉnh Long An và Cần Thơ.
Thách thức thứ hai, khái niệm về vùng trồng lúa chất lượng cao chưa được cụ thế hóa, lượng hóa và có các tiêu chí cụ thể. Do đó, Lộc Trời đề nghị có các quy định cụ thể xác định tiêu chí đạt “chất lượng cao”.
Thách thức thứ ba, sự đồng bộ trong tổ chức sản xuất trên qui mô lớn. Với diện tích 1 triệu hecta, cần có sự đồng thuận của gần 1 triệu hộ nông dân, sự phối hợp quản lý của các cơ quan chức năng trên nhiều tỉnh, sự tham gia thu mua của hàng trăm thương nhân và các nhà máy sản xuất. Do đó, chúng ta cần có một quy hoạch tổng thể, có lộ trình và có các tiêu chí cho việc triển khai đồng bộ và phối hợp nhịp nhàng.
- Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” chưa thành công, Đề án cần làm gì để không “dẫm vào vết xe đổ” đó, thưa ông?
Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là bước khởi đầu của con đường đưa hoạt động sản xuất lúa gạo trở thành một trụ cột của nền kinh tế. Chỉ khi chúng ta đạt được quy mô như Đề án mới chuẩn hóa hoạt động của từng đơn vị sản xuất, kết nối đồng bộ để giảm thiểu chi phí.
Thực tế, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” thất bải bởi khi đạt hiệu quả về chi phí lại không có bước tiếp theo là liên kết trong một chuỗi canh tác, sản xuất và tiêu thụ. Nhưng nếu so sánh với cánh đồng nhỏ, hiệu quả của cánh đồng càng lớn thì giá thành của lúa càng giảm. Vấn đề quan trọng là kết nối các cánh đồng lớn này vào chuỗi sản xuất.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Lộc Trời đưa “hạt ngọc Việt” chinh phục thị trường "khó tính" bậc nhất
11:48, 01/07/2022
Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời và giấc mơ về những vùng nông thôn đáng sống
01:00, 31/05/2021
Chiến lược giá cho lúa gạo
11:00, 16/03/2022
Gỡ khó tiêu thụ lúa gạo cho Đồng bằng sông Cửu Long
18:00, 07/08/2021
Nghịch lý ngành lúa gạo: Nhu cầu quốc tế tăng cao nhưng doanh nghiệp không thể xuất hàng
13:37, 07/08/2021
Tái cơ cấu xuất khẩu lúa gạo
03:00, 19/05/2021