Ngành lúa gạo đang đứng trước thời cơ mới cho việc tái cơ cấu, tạo những bước đột phá trong điều kiện bối cảnh quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu.
Mặc dù xuất khẩu quý I giảm 30,4% về lượng và 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, cánh cửa thị trường vẫn đang mở cho các doanh nghiệp xuất khẩu của ngành lúa gạo Việt Nam. Đặc biệt, tạo cơ hội cho việc tái cơ cấu ngành hàng này.
Ngoài các yếu tố liên quan đổi mới sản xuất, hình thành liên kết, chuỗi giá trị…, để phát triển ổn định và bền vững ngành lúa gạo, cần thiết phải hoàn thiện thể chế và các chính sách liên quan. Nói như ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT: “Các mục tiêu tái cơ cấu ngành lúa gạo sẽ khó thực hiện được nếu không sớm hoàn thiện các nội dung về thể chế, chính sách”.
Theo đó, việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế điều hành xuất khẩu gạo và quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân phù hợp diễn biến tình hình thị trường, tạo thuận lợi cho thương nhân tham gia xuất khẩu gạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu cũng đang là yêu cầu cấp bách. Bởi trên thực tế, từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, thay thế cho Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, có nhiều điểm mới thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý, là những bước tiến mới về thể chế theo hướng mở, tạo thuận lợi cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này.
“Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những ưu đãi về thuế sẽ giúp mặt hàng gạo Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng lượng hàng xuất khẩu và cạnh tranh tốt với các nhà xuất khẩu gạo khác. Đơn cử như với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), EU sẽ miễn thuế nhập khẩu cho 80.000 tấn gạo từ Việt Nam, xấp xỉ 3,3% sản lượng nhập khẩu hằng năm của EU. Việc miễn thuế này đem lại lợi thế cho gạo Việt Nam so với một số quốc gia xuất khẩu khác như Campuchia và Myanmar...”, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết. Đồng thời khẳng định, các cơ quan chức năng cần rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách để ứng phó linh hoạt, phù hợp những biến động thường xuyên từ thị trường xuất khẩu gạo.
Nâng tầm sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không bị ràng buộc về điều kiện năng lực vốn, bảo đảm vùng nguyên liệu, quy mô kho bãi tồn trữ, quy mô trang thiết bị xay xát chế biến. Vì vậy, có quá nhiều doanh nghiệp thương mại tham gia xuất khẩu gạo như là các nhà trung gian. Sự lệ thuộc của các doanh nghiệp xuất khẩu vào hệ thống cung ứng gạo đã tạo ra một cơ chế thu mua, chế biến thông qua nhiều tầng trung gian nên lợi nhuận của nông dân bị giảm.
Về mặt kỹ thuật, quy trình chế biến gạo xuất khẩu dựa trên dự trữ gạo nguyên liệu, sau đó phối trộn, lau bóng, sấy và phân cấp theo hợp đồng xuất khẩu của hệ thống thu mua - chế biến - thương mại hiện nay có bản chất là quy trình ngược, thay vì dự trữ lúa nguyên liệu và xay xát đến gạo thành phẩm. Quy trình ngược này dẫn đến chất lượng gạo thấp, tỷ lệ hao hụt và hư hỏng cao, tăng chi phí trong công đoạn chế biến.
Do đó, chuyên gia cho rằng, cần sớm nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo hướng tôn trọng cơ chế thị trường, phát huy vai trò tập hợp, hỗ trợ thương nhân và hợp tác, liên kết vững chắc, hiệu quả các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo.
Cụ thể, cần thiết coi hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành kinh doanh có điều kiện để thúc đẩy việc hoàn thiện quy trình thu mua, dự trữ, chế biến, xuất khẩu nhằm mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất và đạt được phân phối giá trị gia tăng hợp lý.
Đặc biệt, cần thiết phải có một cơ quan độc lập có chức năng giám sát, đánh giá, phân tích về chi phí, giá thành và hiệu quả kinh tế của từng hoạt động và toàn bộ ngành hàng lúa gạo ở Đồng Bằng Sông Cửu Long để cung cấp thông tin tin cậy. Cơ quan này có thể là một viện nghiên cứu hoặc trường đại học ngành kinh tế làm đầu mối để phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác trong thu thập thông tin.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 09/05/2021
11:00, 15/04/2021
04:00, 12/04/2021
11:00, 04/04/2021