Thị trường lớn giảm đơn hàng, doanh thu xuất khẩu gỗ giảm gần 40%

HẠNH LÊ 29/07/2022 03:30

Ảnh hưởng của lạm phát, các thị trường Mỹ, châu Âu đã giảm đơn hàng nhập khẩu gỗ khiến doanh thu của doanh nghiệp xuất khẩu giảm gần 40%.

>>>Xuất khẩu gỗ bất ngờ “giảm tốc” do bão lạm phát

Bức tranh thị trường ảm đạm

Tại hội nghị giao ban ngành gỗ quý 3 tổ chức tại Đồng Nai, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, thị trường thế giới đang chứng kiến những thay đổi vĩ mô vô cùng lớn do tác động của đại dịch Covid -19, cuộc xung đột Nga - Ukraine, mức lạm phát cao tại nhiều quốc gia, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, khu vực đồng tiền chung Châu Âu và Anh.

Tại các nước trên, giá tiêu dùng tăng mạnh, lạm phát ở mức cao, hàng hóa trở nên đắt đỏ, cầu tiêu dùng về các sản phẩm không thiếu yếu giảm, trong đó có mặt hàng gỗ. Điều này đã tác động trực tiếp đến ngành gỗ Việt Nam với 80% sản lượng sản xuất để xuất khẩu.

Xuất khẩu gỗ tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp do ảnh hưởng của lạm phát

Xuất khẩu gỗ tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp do ảnh hưởng của lạm phát

Ông Đỗ Xuân Lập dẫn chứng kết quả khảo sát nhanh tại 52 doanh nghiệp do các hiệp hội và nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends thực hiện trong 2 tuần qua. Theo đó, 33/45 doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm; có 10 doanh nghiệp có doanh thu tăng so với các tháng trước đó nhưng mức tăng rất ít (11%).

Tương tự tại thị trường EU, 24/38 doanh nghiệp giảm trên 41% doanh thu so với các tháng trước đó; có 4 doanh nghiệp có nguồn thu tăng ở mức 14%. Tại thị trường Anh, 17/25 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm ở mức trên 41%. Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm; 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

“Các con số này cho thấy bức tranh thị trường rất ảm đạm” - ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.

Cầm cự vượt qua khó khăn

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Thời gian qua, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ sụt giảm đã tác động đến hoạt động xuất khẩu của toàn ngành và cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu gỗ trong nửa cuối năm nay.

Cùng với thị trường Mỹ, nhiều thị trường khác trong khối EU cũng đang đối mặt với lạm phát tăng cao nên xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa cuối năm 2022 sẽ đối mặt với nhiều thách thức cả về thị trường lẫn chuỗi cung ứng, khi tình hình lạm phát thế giới tăng cao khiến sức mua hàng giảm, chi phí vận chuyển tăng cao.

Các doanh nghiệp đang thực hiện nhiều giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn

Các doanh nghiệp đang thực hiện nhiều giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn

Tình hình trên đã khiến doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Theo ông Võ Quang Hà - Phó Chủ tịch thường trực Hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, qua khảo sát nhanh trong tháng 7, giá các sản phẩm gỗ xuất khẩu giảm 30% khiến doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm một nửa, thậm chí một vài doanh nghiệp đóng cửa. Trong tháng 8, dự báo tình hình tiếp tục khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho biết: ngoài xuất khẩu dăm và viên nén sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng thì các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều sụt giảm đơn hàng hơn 40%.

Tại các cuộc gặp với đối tác nước ngoài, ông Nguyễn Liêm thông tin, hiện hàng tồn kho tương đối lớn. Thông thường các năm, thời điểm này các nhà nhập khẩu đặt hàng để bán dịp Giáng sinh và năm mới. Tuy nhiên, năm nay ngược lại. Vì vậy, hy vọng đến cuối năm nay, các đối tác giải quyết được hàng tồn để có thể khởi sắc vào đầu năm tới.   

Đề cập đến các giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn này, ông Nguyễn Liêm cho biết: doanh nghiệp chấp nhận giảm giá bán, có thể hòa vốn hoặc chấp nhận lỗ. “Khó khăn nhất của doanh nghiệp là dòng tiền về rất yếu do đơn hàng giảm nên rất mong ngành ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn này” - ông Nguyễn Liêm kiến nghị.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Võ Quang Hà cũng kiến nghị các ngân hàng tạo điều kiện giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn vay, giảm chi phí container, thiết kế gói cứu trợ doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025

    20:13, 10/03/2022

  • Cước vận tải biển “cản đường” xuất khẩu gỗ

    Cước vận tải biển “cản đường” xuất khẩu gỗ

    17:15, 06/04/2021

  • Nhiều dư địa xuất khẩu gỗ vào thị trường Hoa Kỳ

    Nhiều dư địa xuất khẩu gỗ vào thị trường Hoa Kỳ

    12:00, 25/03/2021

  • Xuất khẩu gỗ: Hướng đi nào sau đại dịch COVID-19?

    Xuất khẩu gỗ: Hướng đi nào sau đại dịch COVID-19?

    06:15, 07/05/2020

  • Quyết tâm đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu gỗ

    Quyết tâm đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu gỗ

    17:09, 30/01/2020

  • Thương nhân xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ sẽ phải khai báo tự nguyện năng lực sản xuất

    Thương nhân xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ sẽ phải khai báo tự nguyện năng lực sản xuất

    00:05, 19/01/2020

  • New Zealand đẩy mạnh xuất khẩu gỗ thông sang Việt Nam

    New Zealand đẩy mạnh xuất khẩu gỗ thông sang Việt Nam

    17:18, 31/10/2019

HẠNH LÊ