Khan hiếm nhiên vật liệu san lấp nhiều doanh nghiệp điêu đứng

MINH HUỆ 23/08/2022 03:00

Với tốc độ đô thị hóa, nhiều công trình, dự án tại Hải Dương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, do nguồn cung đang khan hiếm, giá tăng cao khiến các doanh nghiệp lao đao gặp khó.

>>>Hải Dương: Nhiều hộ dân khu nhà ở thương mại ga đường sắt ngóng sổ đỏ

>>>Hải Dương: Nhiều đểm nghẽn trong triển khai dự án đầu tư công

Doanh nghiệp dở khóc dở cười

Theo lãnh đạo Công ty xây dựng Phú Thái, từ năm 2021 đến nay, giá vật liệu san lấp tăng liên tục. Hiện nay, giá các loại vật liệu san lấp như cát đen, đất đồi, đá, cấp phối đá dăm... đều tăng từ 70 - 90%, có loại tăng gấp 2 lần so với đầu năm 2022. 

Theo ông Đăng Văn Long – PGĐ Công ty Vận tải Hồng Lạc, doanh nghiệp đang thi công 2 công trình giao thông trên địa bàn huyện Cẩm Giàng và Kim Thành. Nhu cầu cát, đất đồi và cấp phối đá dăm để phục vụ 2 công trình rất lớn nhưng việc tìm nguồn cung gặp nhiều khó khăn. Theo ông Long chưa năm nào việc mua vật liệu san lấp lại khó khăn như thời điểm này. Giá các loại vật liệu đều tăng mạnh. Doanh nghiệp đã phải liên hệ, kết nối nhiều doanh nghiệp, chủ mỏ, chủ bến bãi cung ứng vật liệu san lấp nhưng vẫn không bảo đảm được nguồn cung kịp thời cho công trình". 

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lộc Bình ở TP Hải Dương cũng chung tình cảnh. Công ty đang thi công đường gom khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền (Cẩm Giàng). Theo hợp đồng xây dựng đã ký với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, thời gian thi công dự án là 10 tháng. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay dự án phải hoàn thành. Tuy nhiên do nguồn cung khan hiếm, giá tăng cao nên có nhiều thời điểm doanh nghiệp phải thi công cầm chừng, vừa làm vừa chờ vật liệu. Thực tế này khiến tiến độ thi công bị ảnh hưởng, có nguy cơ chậm tiến độ. 

Nhà thầu thi công Bệnh viện Phụ sản Hải Dương đã phải bù lỗ hơn 11 tỷ đồng do giá tăng từ nhiên vật liệu (ảnh báo Hải Dương)

Nhà thầu thi công Bệnh viện Phụ sản Hải Dương đã phải bù lỗ hơn 11 tỷ đồng do giá tăng từ nhiên vật liệu (ảnh báo Hải Dương)

Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp cao su Việt Nam là chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Cộng Hòa (Chí Linh) đang thực hiện san lấp hạ tầng một số lô đất và thi công đường giao thông trong khu công nghiệp. Công ty đã liên hệ với nhiều chủ mỏ đàm phán về giá, khối lượng, tiến độ cung cấp song nguồn cung vật liệu san lấp tại TP Chí Linh rất ít, không bảo đảm số lượng. Để có đất phục vụ san lấp, doanh nghiệp phải tìm mua nguyên liệu từ Bắc Giang, Lạng Sơn.

Được biết, hiện nay, giá cát xây dựng trên địa bàn tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 1/2022. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá cát tăng là do Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đã và đang có nhiều chỉ đạo, biện pháp, giải pháp trong việc tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản cát tự nhiên. Kết quả từ những chỉ đạo quyết liệt trên đã ngăn chặn được việc khai thác cát trái phép trên các tuyến sông trên cả nước dẫn tới lượng cát tự nhiên do khai thác lậu đã được hạn chế.

Do vậy, nguồn cát xây dựng phải nhập từ các tỉnh bạn cung ứng về, chủ yếu là từ Vĩnh Phú để đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh và nguồn cát này chủ yếu được tập kết, cung cấp từ các bến bãi vật liệu xây dựng dọc theo các tuyến sông trên địa bàn.

Với tốc độ đô thị hóa, nhiều công trình, dự án tại Hải Dương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, do nguồn cung đang khan hiếm, giá tăng cao khiến các doanh nghiệp lao đao gặp khó (ảnh báo Hải Dương)

Với tốc độ đô thị hóa, nhiều công trình, dự án tại Hải Dương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, do nguồn cung đang khan hiếm, giá tăng cao khiến các doanh nghiệp lao đao gặp khó (ảnh báo Hải Dương)

Chậm tiến độ do cung không đủ cầu…

Được biết, hiện nay hàng loạt mỏ cát bị tạm dừng hoạt động, nhiều mỏ đất hết hạn khai thác phải đóng cửa mỏ dẫn đến tình trạng nguồn vật liệu xây dựng đất, cát khan hiếm và bị trượt giá khiến nhiều nhà thầu gặp khó khăn trong việc tiếp tục thi công hoàn thành công trình theo đúng hợp đồng ký kết với chủ đầu tư.

Theo báo giá của một số chủ mỏ ở các tỉnh Hải Dương, giá đất san lấp vận chuyển đến công trình dao động từ 165.000 - 170.000 đồng/m3, chưa bao gồm thuế VAT; giá cấp phối đá dăm cũng dao động từ 265.000 - 285.000 đồng/m3. Mức giá này cao hơn nhiều so với cuối năm 2021 và cao hơn từ 43.000 - 51.000 đồng/m3 so với công bố giá của liên sở Xây dựng - Tài chính.

Theo đại diện nhiều chủ doanh nghiệp xây dựng, do tình hình giá xăng, dầu và các loại vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá, các doanh nghiệp trong tỉnh đang phải bù lỗ rất nhiều, giá cát tăng gấp đôi so với dự toán, đặc biệt đất san nền giá cao nhưng cũng không có mà mua.

Hiện tại, vật liệu đất với cát ở địa phương là có tiền nhưng cũng không có mà mua để làm công trình, có thì giá tăng gấp đôi so với trước kia nhưng cũng khó mua, có mua thì cũng bị ép giá. Hiện doanh nghiệp đang phải bù lỗ để làm cho xong các công trình dở dang, nếu không làm thì vi phạm hợp đồng chậm tiến độ, còn làm xác định là méo mặt vì bị lỗ.

Được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, giá vật liệu xây dựng nói chung, vật liệu san lấp nói riêng thường xuyên biến động. Trong khi đó giá công bố của liên sở Tài chính - Xây dựng chưa sát với giá thị trường làm doanh nghiệp bị ảnh hưởng do xây dựng hồ sơ đấu thầu không đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, thiệt hại. Giá thực hiện công trình tăng cao so với thời điểm trúng thầu khiến doanh nghiệp phải bù lỗ.

Ông Mạc Phúc Luân, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lộc Bình phân trần: "So với các loại công trình khác, công trình giao thông cần khối lượng vật liệu san lấp lớn hơn. Trong bối cảnh giá tăng cao, nguồn cung khan hiếm như hiện nay, doanh nghiệp phải bù lỗ lớn khi triển khai thực hiện".

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 khu vực đã được phê duyệt trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng diện tích hơn 142,6 ha, trong đó có 8 khu vực thuộc các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn vẫn còn khoáng sản và đang đề xuất được hoàn thiện thủ tục để tiếp tục khai thác. Toàn tỉnh còn 47 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đang được theo dõi, quản lý, trong đó có 12 giấy phép còn hiệu lực và 35 giấy phép hết hiệu lực.

Do khan hiếm nhiên vật liệu san lấp nhiều doanh nghiệp điêu đứng (ảnh báo Hải Dương)

Do khan hiếm nhiên vật liệu nhiều doanh nghiệp điêu đứng (ảnh báo Hải Dương)

Qua tìm hiểu của phóng viên, quy trình, thủ tục cấp phép mỏ khai thác khoáng sản khá phức tạp, mất nhiều thời gian nên doanh nghiệp khai thác khoáng sản gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm tiến độ triển khai thi công các công trình trên địa bàn tỉnh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng, việc bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu san lấp rất quan trọng.

Việc nhiên liệu cung cấp cho san lấp tăng chóng mặt trong thời gian ngắn trên địa bàn Hải Dương đã ảnh hưởng một phần đến triển khai thi công các công trình trên địa bàn. Để có giải pháp toàn diện về việc bình ổn giá cát trên phạm vi toàn quốc thì việc có giải pháp tổng thể là rất cần thiết, để đảm bảo xử lý toàn diện vấn đề tăng giá trị xây dựng công trình do tăng giá cát xây dựng.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá nhiên, vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình giao thông nói chung và các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu… tiếp tục đẩy nhanh triển khai thi công xây dựng các dự án, chủ động nguồn vật tư, vật liệu phục vụ xây dựng công trình bảo đảm tiến độ các dự án công trình giao thông tuân thủ hợp đồng đã ký và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu giải pháp, cơ chế chính sách cần thiết để quản lý, bình ổn giá nhiên, vật liệu xây dựng.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Số hóa chuỗi cung ứng từ sản xuất đến người tiêu dùng

    Hải Dương: Số hóa chuỗi cung ứng từ sản xuất đến người tiêu dùng

    07:14, 15/08/2022

  • Hải Dương: Nhiều hộ dân khu nhà ở thương mại ga đường sắt ngóng sổ đỏ

    Hải Dương: Nhiều hộ dân khu nhà ở thương mại ga đường sắt ngóng sổ đỏ

    05:00, 14/08/2022

  • Hải Dương: Liên kết phát triển du lịch với Khabarovsk (Nga)

    Hải Dương: Liên kết phát triển du lịch với Khabarovsk (Nga)

    00:00, 17/08/2022

MINH HUỆ