Nông sản Hải Dương có trên 300.000 sản phẩm đã lên 5 sàn giao dịch điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ tới các đất nước có tiềm năng.
Hải Dương là vùng đất nông nghiệp sản xuất cho nhiều loại cây trồng phát triển, như cây ăn quả vải, nhãn, na, ổi, chuối với diện tích trồng trên 22.000 ha sản lượng đạt 300.000 tấn một năm.
>>> Hải Dương: Tập huấn chuyển đổi số cho thanh niên khởi nghiệp
Các loại rau củ như cà rốt, cải bắp, súp lơ... với diện tích trên 44.000ha, tổng sản lượng đạt 1 triệu tấn một năm. Với lợi thế quy hoạch vùng sản xuất tập trung đạt tiêu chuẩn quốc tế, có tem truy suất nguồn gốc và mã vùng xuất khẩu, nông sản Hải Dương có trên 300.000 sản phẩm đã lên 5 sàn giao dịch điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ tới các đất nước có tiềm năng.
Nói tới cây ăn quả đặc sản Hải Dương, ai cũng nhớ đến hương vị ngọt ngào của quả vải Thanh Hà gắn với thương hiệu nổi tiếng của cây vải tổ gần 200 năm. Vải thiều Thanh Hà được bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại 17 quốc gia châu Âu và được ghi nhận trên bản đồ trái cây ngon nhất thế giới.
Thành công nhất của trái vải Hải Dương là niên vụ 2020-2021, tỉnh đã biến thách thức thành cơ hội từ việc tăng cường áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ vải, thành công trong việc xúc tiến thương mại vải thiều và nông sản tiêu biểu, kết nối các điểm cầu tới 11 quốc gia. Quả vải thiều Thanh Hà đã vượt bão COVID-19 đến nhiều quốc gia như Bỉ, Pháp, Hà Lan, Anh, Australia... Đây không chỉ là lần đầu tiên tỉnh Hải Dương chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, lên sàn thương mại điện tử và kết nối các điểm cầu mà còn là ghi nhận sự thành công trong việc thực hiện các chuỗi cung ứng ngắn cho sản phẩm nông sản của địa phương.
Niên vụ vải năm 2022, những người nông dân số cầm điện thoại thông minh kiểm tra nhật ký chăm sóc vải, livestream cho khách hàng, du khách tham quan vườn vải,... đã không còn xa lạ tại nơi này nữa. Chị Nguyễn Thị Liêm, thôn An Lão, xã Thanh Khê, Thanh Hà (Hải Dương) – một trong những người “nông dân số” cho biết: “Nhờ có chiếc điện thoại thông minh, chúng tôi chỉ cần mọi người quét vào mã QR sẽ ra hết nhật ký, thông tin, sản xuất, và chỉ dẫn địa lý của vải Thanh Hà. Kết nối giữa trải nghiệm miệt vườn hái vải sinh thái”.
Việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương trên thương mại điện tử đang tạo ra “làn sóng” mới trong thói quen tiêu dùng bởi sự tiện lợi khi mua sắm và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người tiêu dùng. Sàn thương mại điện tử với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản.
So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị đẩy giá sản phẩm qua các khâu trung gian.
>>> Hải Dương: Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn
Ông Phạm Văn Giang, Giám đốc HTX Ameii hào hứng: “Từ năm 2019 đến nay, Hợp tác xã chúng tôi sản xuất ra trái vải đạt tiêu chuẩn quốc tế nên đã không còn bán trôi nổi ra thị trường như những năm trước. Khi trước đi bán rất bấp bênh, vất vả nhưng từ khi trái vải có thể được truy xuất nguồn gốc, xem nhật ký sản xuất giao dịch và vải Thanh Hà đã được bán qua 5 sàn thương mại điện tử thì vụ vải vừa qua chín đến đâu là được công ty thu mùa hết đến đấy. Quả vải Thanh Hà được chuyển thẳng đến các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị, đến tay người tiêu dùng một cách thuận tiện, nhanh chóng".
Chiếc điện thoại giờ đây không đơn thuần là để nghe gọi mà đã trở thành công cụ chuyển đổi số của người trồng vải. Từ việc truy xuất nguồn gốc, xem nhật ký sản xuất, giao dịch bán vải qua 5 sàn thương mại điện tử... đều có thể thực hiện trên điện thoại thông minh. Khoảng cách về mặt địa lý giữa người sản xuất và người tiêu dùng giờ đã ngắn lại nhờ công nghệ.
Niên vụ vải năm 2022, toàn tỉnh trồng 9.000 ha theo tiêu chuẩn Global GAP Viet GAP, Basic GAP, tổng sản lượng toàn tỉnh đạt 60.000 tấn, tăng 2000 tấn so với năm 2021. Đặc biệt diện tích trồng đạt tiêu chuẩn quốc tế xuất khẩu quả tươi sang Nhật Bản, EU tăng lên 600 ha, sản lượng đạt 6000 tấn. Quá trình sản xuất vải được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát chặt chẽ.
Không chỉ có đặc sản vải thiều Thanh Hà, Hải Dương còn có trái nhãn Chí Linh đạt tiêu chuẩn chất lượng đang được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu đi thị trường châu Âu, được hỗ trợ tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; kết nối tiêu thụ trực tiếp với các hệ thống, chuỗi bán lẻ ở các tỉnh, thành phố xung quanh, trong đó có Hà Nội.
Hiện TP. Chí Linh còn có 40 ha trồng nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đã được một số doanh nghiệp kết nối thu mua và xuất khẩu đi các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Úc, NewZealand.
Theo ông Đỗ Hoàng Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất nhập khẩu Toàn Cầu, sau vải thiều, nhãn cũng là trái cây được doanh nghiệp này đầu tư quảng bá, xúc tiến thương mại để đưa vào các thị trường khó tính. Hiện tại, doanh nghiệp này đã tìm kiếm được các đối tác để xuất khẩu nhãn đông lạnh vào Nhật Bản. Còn thị trường châu Âu, khách hàng thích sản phẩm nhãn xoáy long đóng hộp từ Việt Nam, ông Phương cho biết thêm.
“Nếu quả nhãn cũng có được những chương trình, hoạt động quảng bá mạnh mẽ như vải thiều thì tôi tin nhãn cũng sẽ có một thị trường xuất khẩu rộng lớn, giá trị kinh tế mang lại không thua kém quả vải thiều”, ông Phương chia sẻ.
Hải Dương đang tiếp tục đầu tư mở rộng các vùng trồng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời coi trọng thị trường truyền thống trong và ngoài nước, mở rộng thị trường mới tiềm năng, đẩy mạnh số hóa chuỗi cung ứng từ người sản xuất đến người tiêu dùng cho các sản phẩm của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
02:03, 14/08/2022
00:14, 09/08/2022
17:28, 04/08/2022