Doanh nghiệp dệt may đang cố gắng duy trì đèn sáng trong xưởng
Đó là chia sẻ của ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM với báo giới bên lề Lễ khai mạc triển lãm Quốc tế về máy móc thiết bị công nghiệp ngành Dệt & May (VTG 2022).
>>>Hỗ trợ ngành dệt may phát triển tuần hoàn
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM Phạm Xuân Hồng, hiện nay các doanh nghiệp ngành dệt may đang cố gắng duy trì sản xuất để người lao động có việc làm, có thu nhập, nhằm ổn định tình hình lao động, để khi có đơn hàng trở lại thì tiếp tục sản xuất.
Ông cho biết, các doanh nghiệp ngành dệt may đang rất khó khăn do đơn hàng sụt giảm. Trong tháng 8, nhiều doanh nghiệp còn đơn hàng tồn để xuất khẩu, nhưng sang tháng 9, tháng 10, lượng đơn hàng sẽ giảm rất nhiều. Do đó, ông Hồng đánh giá, mục tiêu của năm 2022, xuất khẩu ngành dệt may khoảng 42-43 tỷ USD là rất khó hoàn thành.
“Các doanh nghiệp hiện nay chỉ cố gắng duy trì đèn sáng trong xưởng. Khi đèn trong xưởng không còn sáng nữa thì đó là lúc doanh nghiệp không còn hàng để sản xuất, đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không có việc làm và không có thu nhập”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.
Đánh giá về cơ hội phục hồi của ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, Việt Nam có 3 lợi thế lớn: Thứ nhất là tình hình chính trị xã hội tương đối ổn định; thứ hai là các doanh nghiệp cải tiến về quản lý rất tốt; thứ ba là chất lượng và tiêu chí của các FTA mà Việt Namđang tham gia.
“Tuy nhiên, tình hình chung của thế giới hiện nay là sư sụt giảm về sức tiêu thụ vẫn sẽ còn kéo dài. Do đó, chúng ta chỉ có thể cố gắng giữ cho sự sụt giảm này ở mức độ vừa phải, còn để vươn lên được trong năm nay là rất khó. Nếu sang năm, chiến tranh kết thúc và lạm phát giảm thì tình hình có thể sẽ khá hơn”, ông Phạm Xuân Hồng nhận định.
Thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3, và đạt doanh thu 22,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn nữa, đầu tư nước ngoài (FDI) cho ngành dệt may cũng cao nhất trong 5 năm gần đây nhờ các ưu đãi đầu tư mang tính chủ động từ phía chính phủ cùng các Hiệp định thương mại tự do.
>>>Ngành dệt may nửa cuối năm 2022: Nhiều thách thức còn ở phía trước
Trong báo cáo triển vọng ngành mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá, nhu cầu hàng may mặc bắt đầu đối mặt với nhu cầu giảm, đặc biệt là thị trường Mỹ, do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Theo VDSC, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu hàng may mặc của Hoa Kỳ đã tăng 40% về giá trị và 24% về số lượng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, do nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ suy yếu trong bối cảnh kinh tế suy thoái, tốc độ mở rộng nhập khẩu đang chậm lại. Người tiêu dùng ở Mỹ ngày càng lo lắng hơn về tương lai tài chính của gia đình họ và sẽ hạn chế việc mua quần áo tùy ý. Từ mức gần 10% vào đầu năm, mức tăng hàng tháng của nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ giảm xuống chỉ còn 2,6% về giá trị và gần như bằng 0% về số lượng vào tháng 6 năm 2022.
“Nhiều công ty thời trang của Mỹ sẽ thận trọng hơn trong việc đặt các đơn đặt hàng tìm nguồn cung ứng mới vào nửa cuối năm 2022 để kiểm soát hàng tồn kho và ngăn chặn tình trạng dư thừa, vì tương lai trung hạn của nền kinh tế Mỹ vẫn vô cùng khó đoán”, VDSC đánh giá.
Dẫn số liệu từ Vinatex, VDSC cho rằng, nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của thị trường Mỹ có khả năng giảm 7-10% trong nửa cuối năm 2022 so với nửa đầu năm 2022. Đồng thời dự báo, sự sụt giảm đơn đặt hàng sẽ dần rõ ràng vào năm 2023, gây áp lực lên tốc độ tăng trưởng đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng theo VDSC, chi phí nguyên liệu duy trì mức cao trong nửa cuối năm, do tác động kép của sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau COVID-19 và chiến tranh Nga-Ukraine, giá sợi và bông nhập khẩu vào Việt Nam tăng trung bình 10% so với cùng kỳ năm ngoái trong 6 tháng đầu năm 2022, theo xu hướng tăng của thế giới trong Giá cả hàng hóa. Điều này gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận của các công ty trong ngành khi hầu hết đều ghi nhận tỷ suất lợi nhuận gộp giảm trong nửa đầu năm 2022.
VDSC cho rằng, vấn đề này chỉ được giải quyết khi Trung Quốc từng bước mở cửa nền kinh tế do hầu hết nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước này. Trung Quốc cũng đang cho thấy một số dấu hiệu tích cực trong việc nới lỏng biên giới trong nửa cuối năm nay.
“Điều này sẽ giúp giảm dần chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và giúp tỷ suất lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi về mức bình thường vào năm 2023 do độ trễ trong việc phục hồi nguồn cung và giá nguyên liệu” VDSC nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Hỗ trợ ngành dệt may phát triển tuần hoàn
04:00, 20/09/2022
Ngành dệt may nửa cuối năm 2022: Nhiều thách thức còn ở phía trước
10:00, 11/09/2022
Cần giải bài toán nguyên phụ liệu cho ngành dệt may
03:00, 06/06/2022
Xu thế “xanh hóa” ngành dệt may
11:00, 23/03/2022
Ngành dệt may "minh chứng” cho sức sống mãnh liệt của doanh nghiệp Việt Nam
15:21, 08/02/2022