VITAS muốn doanh nghiệp EU hợp tác đầu tư phát triển bền vững
Các doanh nghiệp châu Âu hợp tác đầu tư cùng doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ thúc đẩy phát triển lợi ích hai bên từ kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.
>>>“Xanh hoá” dệt may
Đây là một trong những đề nghị được ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - EU do Bộ Công Thương phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu EuroCham tổ chức.
Sau hơn 2 năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dệt may - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có tốc độ tăng ấn tượng ở mức 41,2%. Trong 8 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may xuất khẩu vào EU đạt hơn 3 tỷ USD, sản phẩm dệt may có mặt tại 26/27 nước trong khối. Đức là quốc giá có tỷ trọng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam lớn nhất, tiếp đó là Pháp, Hà Lan, Bỉ… Quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất là Rumani với mức tăng khoảng 736%.
Tuy nhiên, EU là khối nước đi đầu trong việc hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Theo ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham để tận dụng tối đa lợi thế từ EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững tại châu Âu.
Trong các ngành hàng xuất khẩu, dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên tuân thủ theo các tiêu chí: chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, tái chế giảm thiểu tối đa tác động môi trường, khí hậu. Các quy định này đã được đề cập trong chiến lược dệt may tuần hoàn của EU được công bố.
Chủ tịch VISTA Vũ Đức Giang cho biết: trên cơ sở những chính sách đòi hỏi của thị trường châu Âu với sản phẩm dệt may xuất khẩu, ngành dệt may có tầm nhìn phát triển bền vững và xanh hoá. Các doanh nghiệp hiện đang chịu áp lực lớn từ việc đánh giá của các nhãn hàng, trong các tiêu chuẩn đánh giá của các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… có từ 75 - 96 tiêu chí. Các doanh nghiệp không đầu tư đạt chuẩn mực đánh giá thì không có cơ hội nhận đơn hàng từ thị trường lớn.
Ngành dệt may cũng đang chịu áp lực từ tiêu chuẩn xanh hoá, chuẩn mực của các nước nhập khẩu để thay đổi quy trình sản xuất như thay thế than đá, củi, phế liệu thu gom để đốt nồi hơi bằng điện, đảm bảo môi trường xanh, sạch và an toàn cho người lao động; tiết kiệm nước, tái tạo nước của hệ thống nhà máy về nhuộm… Việc xây dựng nền tảng phát triển như vậy để đảm bảo các nhãn hàng đánh giá chuẩn mực và có như vậy thị trường EU mới phát triển bền vững.
Các tiêu chuẩn bền vững đặt trên nền tảng là sân chơi toàn cầu, ông Vũ Đức Giang đánh giá EU hiện có tiêu chuẩn cao nhất với ngành dệt may. Để hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững và xanh hoá, ngành dệt may đề xuất 3 kiến nghị với doanh nghiệp các nước EU.
Thứ nhất, hạn chế nhất của ngành là phần cung thiếu hụt. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu vải các loại với số lượng tương đối lớn của một số nước trong khu vực với tổng nhập khẩu bình quân khoảng 14,5 tỷ USD.
“Chúng tôi đang thực hiện các giải pháp và kêu gọi doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào nguồn cung nguyên liệu vải thiếu hụt, nhất là vải dệt thoi và vải dệt kim cao cấp. Chính công nghệ và khả năng quản trị, tư duy, tầm nhìn của doanh nghiệp châu Âu là yếu tố then chốt với sự phát triển bền vững của ngành, đảm bảo chuẩn mực của thị trường châu Âu đưa ra” - ông Vũ Đức Giang cho hay.
Thứ hai, trình độ phát triển khoa học công nghệ và quản trị của EU tạo bước đi đột phá cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tự động hoá và quản trị số. Đây là yếu tố tác động rất lớn. Hiện ngành dệt may đã có một số doanh nghiệp dùng robot trong nhiều công đoạn từ ngành kéo sợi, dệt, may… nhưng còn ở mức độ khiêm tốn, chưa mở rộng toàn diện.
Thứ ba, doanh nghiệp châu Âu xây dựng tầm nhìn trong phát triển nguồn nước và năng lượng tái tạo nên tham gia đầu tư cùng doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra được cầu nối thúc đẩy phát triển lợi ích từ kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, tiết kiệm nguồn nước cũng như đảm bảo môi trường cho toàn cầu, mang lại hiệu quả cho cả hai bên. “Tôi cho rằng với sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp EU, người tiêu dùng châu Âu yên tâm sử dụng sản phẩm dệt may Việt Nam” - Chủ tịch VISTA nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp dệt may đang cố gắng duy trì đèn sáng trong xưởng
00:06, 22/09/2022
Hỗ trợ ngành dệt may phát triển tuần hoàn
04:00, 20/09/2022
Ngành dệt may nửa cuối năm 2022: Nhiều thách thức còn ở phía trước
10:00, 11/09/2022
“Cánh cửa” giúp doanh nghiệp dệt may phát triển bền vững
15:51, 16/08/2022
THỦ TƯỚNG VÀ DOANH NGHIỆP 2022: Thành lập khu công nghiệp lớn để dệt may phát triển bền vững
11:00, 11/08/2022
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thể đạt trên 40 tỷ USD trong năm 2022
02:43, 28/07/2022
Cần giải bài toán nguyên phụ liệu cho ngành dệt may
03:00, 06/06/2022
Dệt may "xanh hoá" nguồn năng lượng phục vụ sản xuất
04:02, 03/06/2022