Khó khăn chờ đón CEO mới của Gojek Việt Nam
Gojek, công ty dịch vụ gọi xe và giao hàng của Indonesia đã bổ nhiệm ông Sumit Rathor làm Giám đốc điều hành mới của các hoạt động tại Việt Nam. Điều này có khiến Gojek Việt Nam bứt phá?
>>>Gojek và “chiêu” quảng cáo cố ý
Đây là lần thay đổi CEO thứ ba của Gojek Việt Nam kể từ khi bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam năm 2018 với tên gọi GoViet.
Lần đầu tiên, bà Lê Diệp Kiều Trang đã được bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc thay thế ông Nguyễn Vũ Đức từ nhiệm hồi tháng 03 năm 2019. Sau đó không lâu, GoViet đã hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek để trở thành Gojek Việt Nam. Và ông Phùng Tuấn Đức, đồng sáng lập và nguyên là giám đốc vận hành GoViet đã tiếp quản chức Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam vào năm 2020.
Nhưng, ngồi chưa nóng chỗ, ông Phùng Tuấn Đức, người đã giữ chiếc ghế Tổng giám đốc của Gojek Việt Nam kể từ năm 2020 đã quyết định theo đuổi những thử thách chuyên môn khác bên ngoài công ty, như tuyên bố của Gojek và nhường lại vị trí cho ông Sumit Rathor.
Công ty “kỳ lân” của Indonesia hiện đang cung cấp các dịch vụ như vận chuyển, giao đồ ăn và hậu cần và có văn phòng tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Indonesia. Ông Sumit Rathor sẽ là người lãnh đạo chương phát triển tiếp theo của Gojek Việt Nam, với trọng tâm là sự phát triển bền vững trong kinh doanh, đồng thời tiếp tục tạo ra tác động xã hội tích cực cho các khách hàng và đối tác.
Ông Sumit Rathor cho biết: “Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với Gojek và chúng tôi hy vọng rằng năng lượng và sự nhạy bén của chúng tôi, cùng với kinh nghiệm thị trường được thừa hưởng từ những thành công trước đây, sẽ cho phép chúng tôi tối đa hóa tiềm năng của thị trường này”.
>>>Vốn hóa startup Grab giảm bằng nửa với so với đối thủ Gojek
>>>Bước đi mới của Gojek Việt Nam
Khó khăn chờ đón phía trước?
Có thể nói, ông Sumit Rathor tiếp quản chiếc ghế nóng từ tay ông Phùng Tuấn Đức vào đúng thời điểm mà các công ty công nghệ đang gặp nhiều khó khăn và thách thức ở phía trước.
Theo hãng tin Bloomberg đã đưa tin, giống như hầu hết các công ty công nghệ trên toàn cầu, GoTo, công ty mẹ của Gojek Việt Nam cũng đang gặp những thách thức từ việc cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ, cùng với đó là bối cảnh suy thoái kinh tế trầm trọng, trong khi các nhà đầu tư thì chỉ nhìn “chằm chằm” vào lợi nhuận.
Việc hàng loạt những dự báo về những khó khăn của nền kinh tế gần đây đã khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, khiến những doanh nghiệp như GoTo rơi vào tình trạng “thắt lưng buộc bụng”, sa thải nhân viên, tiết giảm chi phí nhằm cắt lỗ để chiều lòng các nhà đầu tư.
Tại Đông Nam Á, không riêng gì GoTo mà cả SEA, công ty công nghệ lớn nhất khu vực cũng đã phải sa thải 7.000 nhân viên trong vòng 6 tháng qua. Trong khi Goto và đối thủ cạnh tranh là Grab cũng đang phải cố gắng cắt giảm chi phí sau nhiều năm “đốt tiền” mở rộng kinh doanh, chiếm lĩnh thị phần.
Theo báo cáo chính thức của GoTo, mức doanh thu thuần sau khi đã trừ các chi phí chiết khấu cho tài xế, đối tác thương mại hay khuyến mãi cho người dùng của công ty đã tăng 3 lần lên hơn 294 triệu USD. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy mức lỗ của công ty công nghệ với hai trụ cột chính là thương mại điện tử và dịch vụ vận tải trong quý III năm 2022 vẫn là 235 triệu USD.
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam sau 4 năm thâm nhập, Gojek cùng với Grab và BE là 3 hãng gọi xe chiếm thị phần lớn nhất. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đạt được những thành công như mong đợi. Thị trường gọi xe vốn được coi là cuộc đua “đốt tiền” và kinh doanh có lãi vẫn luôn là bài toán đầy thách thức của các hãng gọi xe. Tính đến cuối năm 2021, Grab Việt Nam lỗ lũy kế hơn 4.300 tỷ đồng trong khi khoản lỗ lũy kế của Gojek Việt Nam cũng đã lên tới hơn 4.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, có lẽ Gojek Việt Nam buộc phải tính đến việc “thay máu” bộ sậu lãnh đạo của mình nhằm đem lại những chiến lược phát triển hợp lý trong giai đoạn khó khăn sắp tới.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc hoạch định chiến lược, vận hành và tài chính, ông Sumit Rathor được kỳ vọng sẽ đem lại sự tươi mới trong chiến lược điều hành của Gojek Việt Nam, cũng giống như cái cách mà Grab Việt Nam mới đây đã hướng tới khi bổ nhiệm cựu Giám đốc điều hành tại Grab Thái Lan, Alejandro Osorio, làm Giám đốc điều hành tại Grab Việt Nam, giám sát hoạt động chung của công ty và sự phát triển của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, khó khăn có thể sẽ vẫn còn nhiều ở phía trước những vị tướng mới của hai gã khổng lồ gọi xe công nghệ Đông Nam Á.
Có thể bạn quan tâm