Doanh nghiệp điện tử đầu tư cho đổi mới công nghệ
Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm điện tử có tính ứng dụng cao với mức giá cạnh tranh. Sự thay đổi này khiến các doanh nghiệp điện tử đầu tư hơn cho đổi mới công nghệ.
>>>Gánh nặng chi phí từ thuế tạo vướng mắc cho doanh nghiệp điện tử
Bà Đỗ Thị Thuý Hương - Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) đã chia sẻ về những xu hướng mới phát triển công nghiệp điện tử tại sự kiện giới thiệu triển lãm Chuyển đổi công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (ITAP) 2023.
Mặc dù chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị suy giảm đơn hàng nhưng đến nay, công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn đang đón nhận nhiều cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các “big tech” - các tập đoàn điện tử toàn cầu đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Từ đầu năm 2023, VEIA đã tiếp đón và tổ chức kết nối cho nhiều đoàn doanh nghiệp đến từ Nga hay khu vực Đông Âu, Nga… để tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện tử chất lượng từ Việt Nam.
Các doanh nghiệp điện tử nước ngoài cũng đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam với nhiều lợi thế về địa chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chính sách thu hút đầu tư cởi mở…
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi. Đại diện VEIA lưu tâm các doanh nghiệp cần chú ý nhiều đến đến những xu hướng phát triển mới của ngành, nhất là từ tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và suy thoái toàn cầu đang diễn ra.
Đó là thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi nhiều. Thắt chặt chi tiêu nên khách hàng không chỉ quan tâm đến các tính năng mới của sản phẩm điện tử mà còn quan tâm đến chất lượng, giá cả sản phẩm. Khách hàng ưu tiên mua sắm những sản phẩm điện tử có tính ứng dụng cao và mức giá cạnh tranh. Xu hướng này buộc các doanh nghiệp điện tử cần đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tốt hơn thị hiếu và thói quen tiêu dùng mới.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp điện tử cần quan tâm đến việc chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. tiếp cận tín dụng xanh để chuẩn bị cho những giao dịch trong thời gian tới, nhất là khi thị trường tín chỉ các bon đang khá sôi động.
Đồng quan điểm, ông Darren Seah - Giám đốc Danh mục phụ trách ITAP cho biết: sự phát triển của nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động lớn đến các doanh nghiệp điện tử vốn có hàm lượng công nghệ cao. Vì vậy, ITAP năm nay tập trung vào chủ đề số hoá và bền vững trong sản xuất tiên tiến. Sự kiện kết nối doanh nghiệp điện tử có quy mô toàn cầu dự diễn ra tại Singapore vào trung tuần tháng 10 với sự tham gia của hơn 300 đơn vị đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại đây, các doanh nghiệp điện tử tiếp cận với các giải pháp công nghệ, thị trường mới và thị trường có sẵn, tìm kiếm và kết nối với các công ty lớn trong khu vực và những đối tác liên quan trong chuỗi giá trị chủ động tạo cơ hội để tăng trưởng doanh nghiệp bền vững trong tương lai. Trong đó, trọng tâm là các xu hướng và giải pháp mới trong sản xuất tiên tiến, những đổi mới sáng tạo liên quan đến các giải pháp nhà máy xanh, giúp ngành công nghiệp sản xuất giảm thải carbon trên hành trình hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Cùng với đó là những bước tiến mới trong máy công cụ thông minh và các sản phẩm kỹ thuật được tích hợp với công nghệ AI mới nhất và được thiết kế để cải thiện năng suất thông qua tự động hoá quy trình. “Đây là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh, yêu cầu phát triển của doanh nghiệp phục vụ cho việc chuyển đổi sản xuất theo xu hướng mới, đáp ứng nhu cầu kinh doanh thực tế” - ông Darren Seah cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp điện tử “lớn” cùng chuỗi cung ứng
04:00, 29/12/2022
Doanh nghiệp điện tử tham gia chuỗi giá trị
01:00, 16/06/2021
Chủ tịch BCG: Doanh nghiệp điện tử hàng đầu Đài Loan sẽ đầu tư vào khu công nghiệp
13:16, 27/06/2020
Doanh nghiệp điện tử cần liên kết và nâng cao năng suất trong chuỗi cung ứng toàn cầu
09:28, 16/03/2018