Doanh nghiệp nâng tầm lúa gạo Tây Nguyên
Lúa gạo Tây Nguyên được tự nhiên ưu ái về thiên nhiên khí hậu, cùng bàn tay con người đang làm nên những thương hiệu vang xa.
>>Triển vọng cho ngành gạo
Gạo Ba Chăm là một đặc sản được sinh ra từ giống lúa đã tồn tại rất lâu đời ở một số vùng đồng bào dân tộc Bahnar của huyện Mang Yang. Cây lúa có thời gian trồng trên 6 tháng, nên có thời gian tích lũy chất dinh dưỡng, tạo ra hạt gạo thơm ngon.
Gạo Ba Chăm đã được Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận Thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam. Hiện các xã thuộc khu vực chỉ dẫn địa lý trồng lúa Ba Chăm như Đắk Trôi, xã Đê Ar, xã Kon Chiêng, xã Kon Thụp, xã Lơ Pang đã thành lập Hợp tác xã xay xát để phục vụ việc thu mua lúa ngay tại thôn làng cho bà con nông dân.
Đại diện Công ty TNHH ba chăm Gia Lai cho biết “để bảo tồn và phát triển một thương hiệu gạo lâu dài, UBND huyện Mang Yang cũng triển khai Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa Ba Chăm với tổng kinh phí trên 524 triệu đồng/năm. UBND huyện làm chủ đầu tư, sản phẩm làm ra được liêt kết tiêu thụ ở các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng”.
Hiện nay gạo Phú Thiện cũng đã được đông đảo khách hàng thị trường trong nước đón nhận. Người làm “chiếc cầu nối” giữa người tiêu dùng và nông dân không ai khác là Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai. Đến nay, hợp tác xã đang phân phối 8 sản phẩm lúa gạo ra thị trường, trong đó bao gồm cả gạo nếp, gạo tẻ.
>>Thời cơ “vàng” cho xuất khẩu gạo Việt Nam
Ông Phạm Ngọc Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai cho biết “hợp tác xã hiện có 74 thành viên, thực hiện gieo cấy trên diện tích 230ha. Hợp tác xã cũng đang thực hiện cánh đồng mẫu lớn sản xuất gạo chất lượng cao với diện tích 140ha/230 ha. Ngoài ra, hợp tác xã cũng đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp lớn để bao tiêu sản phẩm và cung ứng các loại vật tư nông nghiệp.”
Tại Đắk Lắk có diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng hơn 100.000 ha, chiếm gần 35% diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh. Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Tây Nguyên, đặc biệt năng suất bình quân của tỉnh đạt 67,1 tạ/ha, đứng đầu khu vực và đứng thứ hai so với cả nước sau tỉnh Phú Yên. Kỹ sư Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của giống lúa và gạo ST24, ST25 đánh giá, Đắk Lắk gần như đã hình thành được chỉ dẫn địa lý cho cây lúa, bởi không có nơi nào hạt lúa giữ được mùi thơm lâu như ở đây. Hiện một số dòng sản phẩm lúa gạo của tỉnh Đắk Lắk đã tiến vào thị trường New Zealand và một số thị trường ở châu Âu khác.
Được nâng đỡ cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk, ông Trịnh Xuân Tài - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 721, đơn vị sở hữu thương hiệu gạo “bảy hai mốt” cho hay “công ty đã liên kết với một số doanh nghiệp khách hình thành vùng liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm lúa gạo cho người dân ở huyện. Bình quân mỗi mùa vụ sẽ cho thu hoạch từ 120 triệu đến 150 triệu đồng/ha. Sản phẩm làm ra được phân phối trong nước và nước ngoài.”
Đại diện Công ty xuất nhập khẩu Việt Đức, ông Phạm Đông Thanh cho biết “tình hình căng thẳng Nga và Ucraina đã làm xuất khẩu ngũ cốc bị trì trệ, đây là lý do mà các nước châu Âu chuyển hướng tìm nơi cung cấp lương thực ổn định và lâu dài. Lúa gạo Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng được đánh giá cao về chất lượng và là sản phẩm thay thế tuyệt vời lúc này.”
Điều này chứng minh các doanh nghiệp, Hợp tác xã đang là bệ đỡ đưa lúa gạo Tây Nguyên vươn xa ra thị trường thế giới.
Có thể bạn quan tâm