Hạt cà phê Việt và "kiếp" được mùa mất giá
Theo Financial Times, Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính sản lượng cà phê tại Việt Nam trong niên vụ 2018 – 2019 sẽ đạt kỷ lục 29,9 triệu bao, tăng 2% so với niên vụ 2017 - 2018.
Vụ mùa hiện tại, những người trồng cà phê của Việt Nam đang kỳ vọng vào năng suất cao. Thông tin này có thể giúp cho những người yêu cà phê Việt Nam cảm thấy hài lòng, tuy nhiên cùng với đó lợi nhuận thu về của những người nông dân trồng cà phê vốn đã có cuộc sống khó khăn lại thấp đi.
Lại nóng câu chuyện “được mùa – mất giá”
Theo Financial Times, tại thủ phủ cà phê Đak Lak của Việt Nam, những người nông dân trồng cà phê và nhà kinh doanh cà phê cho biết thời tiết năm nay thuận lợi, cùng với đó là chương trình canh tác mới giúp cho năng suất cà phê tăng. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại rằng khi sản lượng lên cao kỷ lục, giá bán sẽ thấp đi. Chưa kể, nhiều nước trồng cà phê lớn khác của thế giới cũng đang công bố năng suất cao hơn.
Có thể bạn quan tâm
Gỡ khó cho cà phê
03:25, 20/08/2018
Nỗi buồn cà phê
02:23, 27/07/2018
Phá cà phê trồng lan vũ nữ, lão nông thu tiền tỷ
04:06, 23/06/2018
Cà phê đã đến thời không cần “câu chuyện”
15:54, 16/05/2018
Phần lớn cà phê trồng ở Việt Nam là cà phê robusta, loại hạt cà phê đắng hay được sử dụng trong cà phê hòa tan. Sản lượng cà phê robusta của Việt Nam chiếm 40% tổng sản lượng của toàn cầu.
Cà phê có mặt tại Việt Nam từ hơn 100 năm trước. Khác với Brazil, nước xuất khẩu cà phê robusta lớn thứ 2 thế giới, phần lớn nông dân trồng cà phê Việt Nam là những chủ nông trại nhỏ, không có điều kiện tiếp cận với vốn và công nghệ và hoàn toàn không có khả năng tác động đến giá cà phê vốn được chi phối bởi những nhà đầu tư kỳ hạn ở nước ngoài.
Khi mà giá cà phê giảm không ngừng, người trồng cà phê Việt Nam đã đa dạng thêm nhiều loại nông sản khác như hồ tiêu hay sầu riêng. Trước đây, giá hồ tiêu khá tốt, thế nhưng gần đây, mặt hàng này đang có xu hướng giảm giá. Chưa kể đến, nhiều nông trại trồng hồ tiêu còn chịu tác động bởi sâu bệnh.
Trồng sầu riêng cũng là một sự lựa chọn khác của người nông dân vùng đất đỏ bazan do nhu cầu sầu riêng của thị trường Trung Quốc tăng cao. Ông Trần Đức Thọ, giám đốc công ty Duc Nguyen Cofexim, nhận xét: “Người nông dân đang chuyển sang nhiều loại cây trồng khác như hồ tiêu, sầu riêng và bơ. Khi người nông dân nhận thấy họ không kiếm được tiền từ cà phê, họ bỏ trồng cà phê”.
Còn theo một quản lý tại Công ty cà phê Phước An, lợi nhuận mà người nông dân thu được từ sầu riêng có thể cao gấp từ 8 đến 10 lần so với lợi nhuận thu được từ cà phê.
Chuyên gia phân tích cao cấp về thị trường hàng hóa tại Rabobank tại London, ông Carlos Mera, nhận xét: “Tôi nghĩ chúng ta đang tiến gần tới ngưỡng mà người nông dân không có đủ động lực để mở rộng sản xuất cà phê”.
Giải pháp nào cho thị trường nông sản Việt?
Với những chỉ số tăng trưởng ấn tượng, nông nghiệp đang dần khẳng định tiềm năng phát triển, xứng đáng là một trong ba lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam. Làm thế nào để cà phê nói riêng, và các mặt hàng nông sản khác nói chung có thể tham gia vào chuỗi giá trị nông sản thế giới là một câu hỏi trăn trở các nhà quản lý, các chuyên gia.
Khi được hỏi về sự cần thiết ban hành Luật Trồng trọt, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh đến vai trò cũng như tầm quan trọng của vấn đề dự báo thị trường, tìm sản phẩm đầu ra để người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh hiệu quả. “Cứ chạy theo, đầu ra không ổn định thì đời sống bà con bấp bênh. Năm nào cũng thấy hiện tượng được mùa mất giá, giải cứu nọ, giải cứu kia”.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, mong muốn lớn nhất của người dân là giúp họ có thị trường, có đầu ra cho sản phẩm. Theo ông Giàu, đây là “bài ca” từ rất lâu và cũng rất khó giải quyết. Khi nói về trách nhiệm quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Giàu đặt vấn đề, nếu người nông dân đã thực hiện đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng rủi ro vẫn xảy ra, người dân vẫn lâm vào tình cảnh được mùa mất giá thì ai gánh chịu? Theo ông Giàu, dự thảo Luật Trồng trọt phải quy định cả hai vế, trong đó có cả trách nhiệm về quy hoạch để bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Đứng ở phía doanh nghiệp, Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao tâm huyết chia sẻ rằng chuẩn chất và giá trị gia tăng là lời giải đáp. Một sự thực gây shock khi bà Hạnh đi thị sát thực tế là các hộ nông dân, doanh nghiệp đa phần ít quan tâm tới tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn quốc tế. Thậm chí, nhiều nông dân nhấn mạnh rằng họ thật thà hãy tin họ. Tuy nhiên, bà Hạnh cho rằng khi bước ra sân chơi quốc tế phải theo tiêu chuẩn, cam kết bằng giấy tờ.
Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng là một ý tưởng giúp tìm lời giải cho bài toán nông sản Việt. Công nghê Blockchain là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mang đến thông tin minh bạch cho người tiêu dùng.
Hy vọng, với sự chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý, các chuyên gia cùng sự “đồng lòng” của người nông dân, câu chuyện “được mùa – mất giá, được giá – mất mùa” sẽ dần dần là câu chuyện của dĩ vãng.