Cà phê đã đến thời không cần “câu chuyện”

Lê Mỹ 16/05/2018 15:54

Cuộc bắt tay mới đây giữa Nestlé và Starbucks đã gây xôn xao trong ngành cà phê thế giới.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, nếu liên minh cà phê này không chịu “phổ cập hóa” để trở thành thức uống đại trà, thì khó cạnh tranh trên thị trường cà phê Việt. Theo thỏa thuận hợp tác mới được công bố, Nestlé và Starbucks bắt tay hợp tác tạo “liên minh toàn cầu” với nguyên tắc cơ bản: Nestlé sẽ tiếp thị, phân phối và bán các sản phẩm đóng gói của Starbucks trên toàn thế giới.

p/Nestlé đã chi 7,2 tỷ USD để được phân phối các sản phẩm cà phê đóng gói của Starbucks.

Nestlé đã chi 7,2 tỷ USD để được phân phối các sản phẩm cà phê đóng gói của Starbucks.

Liên minh cà phê phủ khắp toàn cầu

Giá trị thỏa thuận giữa Nestlé và Starbucks là 7,2 tỷ USD. Nếu không có gì thay đổi và các nhà quản lý đồng thuận, chương trình hợp tác giữa 2 Cty này sẽ bắt đầu vào mùa hè hoặc mùa thu năm nay.

Liên minh Nestlé-Starbucks về mặt bản chất, không được gọi là M&A. Nó là một sự hợp tác dạng nhượng quyền thương hiệu kết hợp tiếp thị phân phối, để 2 bên cùng có lợi khi: Nestlé, với giá trị vốn hóa thị trường hơn 240 tỷ USD, giữ vị thế Cty thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới, sẽ có cơ hội mở rộng thêm doanh số, tầm ảnh hưởng trong ngành giải khát với đồ uống cà phê rang xay thành phẩm mang thương hiệu Starbucks.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Win-Win Đỗ Thanh Năm, phân tích: “Với Nestlé, hợp tác có lẽ sẽ xoay quanh yếu tố “giá trị thương hiệu” nhiều hơn.

Theo ông Đỗ Thanh Năm, Starbucks, với thương hiệu lớn và tầm ảnh hưởng mạnh, định danh phân khúc cao cấp, sẽ củng cố thêm sức mạnh cho Nestlé qua con đường phân phối B2B (giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) đến các đối tượng khách hàng mà họ còn đang chưa tiếp cận tới.

Không phân biệt thương hiệu

Ông Phan Minh Thông, nhà sáng lập KCofffee của CTCP Phúc Sinh, cho biết, thị trường cà phê bán lẻ đang có sự cạnh tranh rất lớn. Hiện không ít nhà nhượng quyền thương hiệu quốc tế chọn phân khúc cà phê hạng sang vào Việt Nam, nhưng lại phải rời đi. Trong khi đó, người Việt vẫn đang ưa chuộng khẩu vị truyền thống với tiêu chí: An toàn thực phẩm, hương vị tự nhiên, giá không quá đắt. Do đó, bên cạnh định vị phân khúc và giá cả, các doanh nghiệp phải quan tâm đến yếu tố giá trị sản phẩm nếu muốn tăng doanh số bán hàng và “chia lại” thị phần cà phê rang xay thành phẩm, bao gồm cả những doanh nghiệp lớn đầu ngành như Nestlé Việt Nam.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia bán lẻ và nhượng quyền Nguyễn Phi Vân cho biết, với đời sống ngày càng hướng về tiện lợi và nhanh như hiện nay, cà phê đã đến thời không cần câu chuyện. “Năm 2017 có thể được coi là năm cà phê được “phổ cập hóa”, nghĩa là chất lượng kiểu chuyên nghiệp trong các chuỗi kiểu Starbucks, Coffee Bean & Tea Leaf, Costa… sẽ trở thành điều bình thường mà khách hàng mong muốn ở bất cứ nơi nào, tại bất kỳ điểm bán cà phê nào, không phân biệt có hay không thương hiệu”, bà Vân nói.

Việc không còn phân biệt thương hiệu, sẽ đồng nghĩa Starbucks-Nestlé sẽ phải quan tâm một con đường đặc thù tạo doanh thu tại Việt Nam, không dựa trên “định vị” sang chảnh và cả lợi thế phân phối. Liệu họ có chịu “phổ cập hóa” để trở thành thức uống đại trà, sẵn sàng cạnh tranh trên diện rộng với nhãn hàng phổ thông đang chiếm thị phần lớn trên thị trường?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cà phê đã đến thời không cần “câu chuyện”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO