Đó là câu chuyện làm giàu của ông Cao Xuân Hải ngụ huyện Di Linh, Lâm Đồng, với vườn hoa vũ nữ rộng 1,3ha đã mang về cho gia đình lão nông này hàng tỷ đồng từ việc xuất khẩu hoa.
Đó là câu chuyện làm giàu của ông Cao Xuân Hải (ngụ Thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, Lâm Đồng), với vườn hoa vũ nữ rộng 1,3ha đã mang về cho gia đình lão nông này hàng tỷ đồng từ việc xuất khẩu hoa.
Đến thăm vườn hoa vũ nữ của ông Hải vào những ngày tháng 6, trời mưa nhiều, vì sợ ẩm ướt sinh nhiều dịch bệnh cho cây nên lão nông cứ loay hoay cả buổi trong khu nhà lưới. Cchúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi một màu vàng rực của khu nhà lưới trồng dày hoa lan vũ nữ.
Gặp ông Hải và các công nhân đang cắt những cành hoa để kịp chuyến xe vận chuyển lên huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), ông vừa ngắt hoa vừa giới thiệu. Năm 2012, do nhận thấy việc canh tác cà phê quá vất vả mà giá cả lại không ổn định, “một nắng hai sương” trên vườn nhưng đến khi thu hoạch lại phải chịu cảnh “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”. Vì vậy, ông đã bàn với vợ phá 5.000m2 cà để đầu tư trồng hoa lan vũ nữ.
Sau khi bàn bạc, gia đình lão nông bắt tay ngay vào việc, đầu tiên ông tìm đến một công ty chuyên trồng lan vũ nữ xuất khẩu ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) là Hoa Mặt Trời để học hỏi và đăng ký làm “đối tác” trồng hoa. Sau đó 4 tháng, Di Linh vùng có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng đã xuất hiện những cây lan vũ nữ đầu tiên.
Qua 18 tháng chăm sóc, những cành hoa đầu tiên của gia đình ông đã được đưa ra thị trường và có chất lượng tốt. “Do có công ty hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm, nên hoa của gia đình tôi đã đủ tiêu chuẩn để xuất ngoại. Hoa của từng hộ sẽ được đánh mã số riêng để truy xuất nguồn gốc nhằm đánh giá các tiêu chí của công ty đưa ra làm cho các hộ dân có trách nhiệm với sản phẩm của mình khi sản xuất”, ông Hải cho hay.
Toàn bộ khu vườn của ông được áp dụng hệ thống tưới tự động tiên tiến và cũng là gia đình áp dụng công nghệ cao đầu tiên của huyện Di Linh trong việc trồng hoa vũ nữ. Nhằm ngăn cỏ dại và côn trùng, sâu bệnh gây hại cho lan ông Hải đã lót lớp ni lông dày sát đất, bên cạnh đó ông đã thiết kế hệ thống giá đỡ cách mặt đất 0,5m để xếp các chậu hoa.
Chia sẻ về cách chăm sóc loài hoa này, ông Hải cho biết: “Vào mùa mưa như hiện nay, cần tưới ít để đề phòng úng nước, thối củ của lan. Nhưng mùa hè, khi cây bước vào thời kỳ sinh trưởng thì phải tưới một lần vào buổi sáng và không nên bón phân quá đặc vì sẽ làm cây khó tiêu gây chết rễ. Bên cạnh đó, khi tưới phun sương cần chú ý vào lúc sáng sớm hay chiều muộn để tránh cháy lá của cây”.
Ông Hải nhận định, lan vũ nữ là loại khó chăm sóc, thường mắc bệnh đốm lá, nhưng có thể phòng bệnh bằng cách phun các loại thuốc nấm như Dithane M45 hay Brdo cop 25wp… “Quan trọng nhất là khi phát hiện cây bị bệnh lạ, nên báo về công ty để họ cho kỹ thuật viên đến kiểm tra và đưa ra cách điều trị phù hợp. Không nên tự ý phun các loại thuốc có thể làm hỏng cả vườn nếu không đúng thuốc và sai liều lượng”, lão nông chia sẻ.
Hiện nay, với diện tích 1,3ha, xếp được gần 100.000 chậu, mỗi tháng cắt được trung bình trên 20.000 cành, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về trên 1,5 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Singapore, Campuchia và một số tỉnh thành trong nước.
Với mong muốn mọi người xung quanh đều được ấm no, kinh tế khá giả, ông sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những hộ mới bắt đầu trồng hoa vũ nữ.